Huyện An Dương vừa hoàn thành chi trả tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng KCN An Dương cho các hộ dân ở xã Hồng Phong. Như vậy, những băn khoăn lo lắng về việc chi trả bị chậm so với kế hoạch của người dân và chính quyền địa phương được giải tỏa. Bởi dự án xây dựng KCN này liên quan đến hơn 1637 hộ dân.
Quang cảnh chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng KCN An Dương tại xã Hồng Phong |
Trong cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố và huyện An Dương về việc tạo việc làm cho lao động có đất phục vụ các dự án, đại diện chính quyền các cấp trên địa bàn huyện bày tỏ băn khoăn khi tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng KCN ở xã Hồng Phong chậm. Tháng 5-2010, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện hoàn thành phương án bồi thường tổng thể giai đoạn 1 KCN An Dương và đã chi trả xong tiền đền bù, hỗ trợ ở 2 xã An Hòa và Bắc Sơn. Tuy nhiên, do chủ đầu tư thiếu kinh phí nên việc chi trả cho các hộ dân ở xã Hồng Phong bị chậm, trong khi phần lớn diện tích đất phục vụ KCN thuộc xã Hồng Phong. Tình trạng này khiến người dân hoang mang, lo lắng bởi cùng một dự án, nhưng nơi được nơi không. Một số hộ dân “tiếc” đất tiếp tục canh tác mặc dù có quyết định dừng sản xuất. Việc chậm đền bù cũng khiến chính quyền địa phương gặp khó khi giải thích với người dân và liên quan tới đền bù lỡ vụ. Ông Nguyễn Văn Sáng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Phong bộc bạch: thời gian chờ đợi vừa qua, cán bộ xã chúng tôi cũng khổ tâm lắm. Bởi chậm chi trả ngày nào gây bức xúc cho nhân dân ngày đó, vì đất để không trong khi nhiều hộ dân không còn đất canh tác. Bác Vũ Thị Chiến ở thôn Hạ Đỗ 1 cho biết, gia đình bác có nửa sào (180m2) đất phục vụ dự án. Tính cả tiền đền bù, hỗ trợ, bác được 36 triệu đồng. Khi nhận được thông tin chi trả, bác và mọi người phấn khởi làm sao để chi tiêu một cách hợp lý. Bác Trần Văn Thành ở thôn Đình Ngọ 2 cũng cho biết, gia đình bác có 8, 5 sào canh tác thì 4,5 sào nằm trong KCN, được đền bù, hỗ trợ hơn 340 triệu đồng. Hiện gia đình bác có 2 lao động chính và 2 con đang đi học. Bác Thành tính, bác sẽ sử dụng một phần của số tiền để đầu tư phát triển chăn nuôi, phần còn lại gửi ngân hàng lấy lãi. Không ít gia đình ở xã chọn cách gửi tiết kiệm ở các ngân hàng.
Hiện, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tới đời sống của các hộ dân có đất phục vụ dự án. Ở tuổi 71 tuổi, bà Nguyễn Thị Diên (thôn Hạ Đỗ 1) lo nhất là việc làm của con, cháu mình sau này. Với bác Thành, băn khoăn lớn nhất là chất lượng môi trường ở khu dân cư khi KCN đi vào hoạt động. Theo Phó chủ tịch UBND xã Hồng Phong, địa phương xác định việc cần làm trong thời gian tới là tìm các giải pháp giúp người dân có công việc, cuộc sống ổn định. Thời gian qua, Hồng Phong được thành phố và huyện hỗ trợ mở 4 lớp dạy nghề cho 145 lao động ở địa phương, góp phần tạo điều kiện giải quyết việc làm cho các hộ dân có đất phục vụ dự án. Địa phương cũng vận động, tuyên truyền cho các hộ dân được nhận đền bù, hỗ trợ chi tiêu hợp lý. Trong các buổi chi trả, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng có mặt giúp người dân thuận lợi làm thủ tục gửi tiết kiệm.
Vấn đề địa phương lo ngại hiện nay là điều kiện sản xuất ở diện tích đất canh tác quanh KCN. Vì vậy, địa phương mong thời gian tới, doanh nghiệp cùng ngành, chức năng thành phố tiếp tục giúp địa phương tháo gỡ khó khăn về điều kiện canh tác như cải tạo hệ thống mương máng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất canh tác còn lại.
Minh Châm