Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa Táo quân, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.
Túi ni lông vứt đầy trên cầu Rào sau khi người dân thả cá chép xuống sông Lạch Tray Ảnh: Khánh Linh |
Nghi lễ truyền thống
Theo tục cổ truyền của người Việt, Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng đế (hay Ông Trời). Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Để ông Công, ông Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc có tục cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" thả ra ao, hô, sông sau khi cúng. Tuy nhiên, không ít gia đình cúng ngày ông Táo chầu trời đơn giản với lễ vật là tiền vàng, hương, hoa quả, đĩa xôi, miếng thịt mồi và một con cá chép với quan niệm: cái chính là tâm của mình chứ không phải ở đồ lễ đắt tiền, phung phí…
Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa Táo quân, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.
Cá “lên trời”, rác ở lại
Cũng giống nhiều loại hàng hóa khác, giá cá chép vàng năm nay nhích lên đôi chút so với năm ngoái. Một “bộ” cá chép 3 con to bằng ngón tay cái có giá từ 15-30 nghìn đồng. Nếu to bằng 2 đầu ngón tay là 50 nghìn đồng. Năm nào cũng vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, tầm cuối giờ sáng, sau khi làm lễ, mọi người đến các sông, hồ, ao thả cá. Các hồ Quần Ngựa, Tam Bạc, sông Lạch Tray, sông Cấm là những địa điểm có đông người thả cá chép với quan niệm thả cá ra sông, các “ông” chép sẽ “đi” nhanh hơn. Nhưng sau khi thả cá, nhiều người “tiện tay” vứt luôn túi ni lông ở bên sông, hồ, gây mất vệ sinh môi trường mặc dù chung quanh khu vực này đều có thùng rác công cộng.
Hàng tỷ đồng thành tro bụi
Đồ cúng cho ngày này khá đa dạng. Thông thường một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy giá khoảng 45.000 đồng - 90.000 đồng tùy từng loại. Giá cả phụ thuộc vào mẫu mã và kích cỡ sản phẩm. Chẳng hạn, một bộ lễ gồm quần áo, giày, cá chép giấy loại nhỏ giá 50.000-70.000 đồng. Loại trung bình giá khoảng 80.000-100.000 đồng. Loại to đẹp, có nhiều họa tiết và cầu kỳ, giá khoảng 100.000 đồng. Kèm theo quần, áo, mũ dép, các mặt hàng tiền, vàng tăng lên quanh mức 10.000-20.000 đồng.
Ngoài các mặt hàng truyền thống phục vụ ngày Tết ông Táo, khách tới các chợ Ga, Lương Văn Can, An Dương, Tam Bạc… hay một số khu chợ ngoại thành cũng có thể dễ dàng mua được các loại đồ vàng mã từ điện thoại, tivi, máy vi tính, nhà tầng, xe ô tô, biệt thự đắt tiền. So với năm ngoái, các mặt hàng này phong phú hơn, tùy theo thị hiếu của "người trần" để cúng tiến cho "người âm".
Mặc dù Nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, nơi công cộng có hiệu lực hơn 4 tháng nay nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt đồ mã vẫn diễn ra công khai. Như vậy cho thấy, công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả, Nghị định vẫn chưa đến được với người dân. Do vậy bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành vi của nhân dân cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm khắc bảo đảm tính răn đe trong thực hiện Nghị định của Chính phủ.
Trong dịp tiễn ông Công, ông Táo về trời, tính trung bình mỗi nhà dân hóa vàng vài chục nghìn đồng, nhân lên với hàng triệu gia đình sẽ thành con số khổng lồ. Chưa kể vàng mã hóa trong các đình, chùa, chi phí cho một ngày lễ cúng ông Táo có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Nên chăng thay vì đốt mã vô tội vạ, số tiền này dùng để làm từ thiện, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam vừa tránh lãng phí vừa góp phần giữ gìn nét đẹp phong tục truyền thống của dân tộc.
Thanh Dương