Chưa phát hiện hết tiêu cực để xử lý
Nghiên cứu thực tế khẳng định, các hành vi, biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong từng hoạt động tư pháp. Từ khâu xử lý tin báo, tố giác tội phạm, xem xét yêu cầu khởi kiện dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét giảm án, tha tù đến hoạt động tố tụng của luật sư, giám định viên tư pháp, công chứng viên, thừa phát lại…
Nghĩa là, tình hình tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp diễn biến khá phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực hoạt động tư pháp, trong tất cả các cơ quan. Từ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án; từ Trung ương đến địa phương.
Đáng nói là không chỉ hành vi của các cơ quan, cá nhân trong các cơ quan tư pháp mà những hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi tư pháp cũng có thể làm hoạt động tư pháp bị tiêu cực, nảy sinh tham nhũng. Vì thế, “các hành vi tiêu cực, tham nhũng gây ra hậu quả nghiêm trọng, xâm hại đến quyền con người, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào hệ thống cơ quan tư pháp” – bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhận xét.
Tuy nhiên, đại diện các cơ quan tư pháp và tổ chức bổ trợ tư pháp đều thừa nhận việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực chủ yếu thực hiện thông qua giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể nên chất lượng, hiệu quả công tác này chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Vẫn là chuyện chế độ đãi ngộ
Không khó để tìm nguyên nhân khiến tiêu cực, tham nhũng nảy sinh trong hoạt động tư pháp. Theo đại diện TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc thể chế, pháp luật chưa hoàn thiện, các qui định thiếu cụ thể, bất cập so với thực tiễn chính là “lỗ hổng” lớn cho tiêu cực, tham nhũng “chui” vào hoạt động tư pháp.
Một phiên toà hình sự (ảnh minh hoạ) |
Thậm chí, nhiều qui định (như qui định về khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự) còn tạo điều kiện cho việc xin - cho, ban phát trong hoạt động tố tụng vì trao quyền “tùy nghi” quá lớn cho cơ quan tiến hành tố tụng như nhận xét của ông Trần Văn Tú – nguyên Phó Chánh án TANDTC. Trong khi đó, các qui định về trách nhiệm người đứng đầu trong việc chủ động phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp còn thiếu cụ thể, cộng với tình trạng nể nang, bao che khiến nhiều hành vi tiêu cực “lọt lưới”, cản trở hoạt động thanh, kiểm tra và điều tra xử lý…
Nhưng nguyên nhân được đại diện các cơ quan “kêu” nhiều nhất là chính sách đãi ngộ cho cán bộ tư pháp chưa tương xứng với tính chất khó khăn, phức tạp của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Các chuyên gia cùng cho rằng, nếu coi đây là ngành đặc thù, chuyên biệt thì nên tách phụ cấp ngành ra khỏi lương, tránh sự “so bì” của các ngành khác và có chế độ đảm bảo mức sống cho cán bộ tư pháp bằng mức trung bình khá của xã hội mới đảm bảo ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng.Vì như phản ánh của ông Nguyễn Thanh Tiến – Trưởng ban Thanh tra của TANDTC: “Thu nhập thấp nên phổ biến tình trạng cán bộ “tìm thêm thu nhập”, mở đường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng nảy sinh và phát triển”.
Ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong các hoạt động tư pháp không chỉ “nhằm” vào các cơ quan tư pháp mà còn phải phòng, chống tiêu cực cả đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp. Nếu không, “tiêu cực, tham nhũng sẽ làm méo mó hoạt động tư pháp, buộc công lý “đội nón” ra đi, vì có tiêu cực trong các cơ quan tư pháp thì không còn công lý”.
Nên “tăng cường thanh, kiểm tra về phòng, chống tiêu cực và lấy phòng ngừa là chính, xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tiêu cực, tham nhũng” cũng là giải pháp được đại diện nhiều cơ quan đưa ra và kỳ vọng là giải pháp góp phần quan trọng để từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động tư pháp./.