Tệ nạn xã hội đang là những “cơn bão đen” có sức công phá rất lớn đối với giới trẻ, mà một phần nguyên nhân là do nhiều người trẻ bị gia đình “bỏ rơi” khi chưa được trang bị đủ kỹ năng để chống chọi…
Sex “ngoài luồng” đang lũng đoạn thế giới trẻ
Nghiên cứu đầu tiên về tình hình mua bán trẻ em trai, trong đó khảo sát trực tiếp 24 trẻ em nam mại dâm đã bị mua bán với mục đích bóc lột tình dục tại TP.HCM cho thấy, độ tuổi trung bình bị mua bán là 16,5 tuổi. Đa số các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ, bản thân trẻ, gia đình và cộng đồng đều thiếu nhận thức về tình trạng bóc lột tình dục đối với trẻ em trai cũng làm tăng nguy cơ các em bị mua bán cho những mục đích tình dục phi pháp.
Hầu hết các em bị lừa gạt và bị cưỡng bức quan hệ tình dục rồi dần dần chấp nhận bán dâm vì áp lực kiếm tiền, vì bị đe dọa tính mạng và cũng vì... cùng đường. Với tần suất phục vụ trung bình từ 2 - 4 khách/ngày, sử dụng bao cao su không thường xuyên khi quan hệ, những trẻ mại dâm trai phải chống chọi với nguy cơ bị nhiễm HIV, những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và các nguy khác đối với sức khỏe.
Trẻ mại dâm trai còn bị đánh đập, ép quan hệ tình dục hoặc phải thỏa mãn các nhu cầu của khách hàng nên mắc nhiều sang chấn và tổn thương cả tinh thần và thể chất. Không chỉ có vậy, khá phổ biến tình trạng trẻ mại dâm trai rơi vào vòng xoáy của ma túy và chất kích thích. Thông thường, khả năng những nạn nhân này sẽ lún sâu vào thế giới mại dâm, ma túy và bệnh tật nếu càng có “thâm niên” hành nghề.
Dù không phải là tệ nạn, nhưng tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại khu vực thành thị và các vùng đang đô thị hóa, với biểu hiện của những cuộc sống thử trong cả giới sinh viên.
Hầu như ở khu nhà trọ nào cũng có những đôi sinh viên sống thử công khai, mà có lén lút thì… ai cũng biết họ đang sống thử. Quan niệm của sinh viên về quan hệ tình dục trước hôn nhân đã thoáng hơn rất nhiều dù chữ trinh vẫn được nhiều bạn nam coi là yếu tố hàng đầu để chọn người bạn đời.
Vấn đề không chỉ là việc họ có quan hệ tình dục trước hôn nhân – vốn là hành vi lệch lạc so với chuẩn mực, đạo đức xã hội, mà đi cùng với những “giây phút riêng tư” đó là những nguy cơ về bệnh tật khi nghiên cứu năm 2012 về thực trạng và một số yếu tố liên quan đến quan hệ tình dục trước hôn nhân của sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ (tỉnh Hải Dương) cho thấy, kiến thức về tình dục an toàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai của sinh viên còn thấp (62,4%).
Cũng tại trường Đại học Sao Đỏ, tỷ lệ sinh viên có quan hệ tình dục trước hôn nhân là 23,1%, trong đó tỷ lệ ở nam là 28,2% và ở nữ là 17,5%. Trong đó 89% sinh viên có quan hệ tình dục trước hôn nhân nhiều lần và 61,5% đã từng quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Thậm chí có đến 17,1% nam sinh viên từng quan hệ tình dục với gái mại dâm.
Thiếu kỹ năng sống, giới trẻ sa vào tệ nạn
Đó là kết quả được nhiều chuyên gia khẳng định khi nghiên cứu về thực trạng và quan niệm của giới trẻ về sex – cả chính thống và “ngoài luồng”. Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ vị thành niên sa vào tệ nạn là vì thiếu kỹ năng sống, các em không có khả năng phòng tránh và thoát thân nếu không may dính phải bất kỳ tệ nạn nào, nhất là mại dâm và ma túy.
Ngay cả việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, không nhiều bạn trẻ nhận thức được đó hành vi lệch chuẩn và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhận thức xã hội đối với bản thân, mà họ luôn biện minh đó “việc riêng”, là “không thể hoãn những gì không nên hoãn” – như một sinh viên ở Hà Nội từng chia sẻ.
Khảo sát tại TP.HCM cho thấy, 12,6% vị thành niên có quan hệ bạn bè khác giới, trong đó 23,2% có người yêu. 3,2% từng có quan hệ tình dục quan hệ tình dục với tuổi trung bình là 14. Số ca nạo phá thai tuổi vị thành niên đang tăng lên với hơn 40% số ca dưới 18 tuổi và hơn 20% số ca là học sinh. Nguy hiểm là có đến 13% giấu kín những khó khăn về sức khỏe sinh sản hay tình dục và hơn 50% tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn bè.
Quan niệm thoáng hơn về sex của vị thành niên một phần là do sự phát triển của xã hội, nhưng một phần lớn chính là do cha mẹ (gia đình) ít chia sẻ với họ. Có tới 10% số người được hỏi thừa nhận không cảm nhận được tình thương của cha mẹ.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở trường học còn ít và chưa hiệu quả. Số phòng tư vấn học đường hiện quá ít và chỉ mở cửa 1-2 ngày trong tuần. Chương trình giảng dạy thiếu bài học về sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS nên giới trẻ nói chung thiếu nhiều kiến thức cơ bản nhưng quan trọng về những vấn đề nhạy cảm này, cộng với việc ngại phải trao đổi thông tin liên quan với người khác khiến cho các em thường bối rối khi gặp các tình huống và có phản ứng lệch chuẩn.
Do đó, đa số vị thành niên (94,5%) đều thấy cần thiết phải trang bị kỹ năng sống, trong đó kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, giải quyết xung đột và kỹ năng chịu trách nhiệm, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, cách ứng xử...
Bà Lưu Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu Dân số và xã hội) còn cho rằng, giáo dục về sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS trong trường học hiện cũng đang là yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục để tăng cường cung cấp thông tin và trang bị các kiến thức cho giới trẻ, tránh cho họ phải tự “hiến thân” cho tệ nạn khi những “cơn bão đen” vẫn đang ngày đêm hoành hành.
Huệ Linh