Tức nước vỡ bờ trước người chồng vũ phu, thường xuyên bạo hành, người vợ phản kháng mạnh mẽ, cuối cùng đã đoạt mạng sống của chồng. Trong cơn bấn loạn, nhằm che giấu tội lỗi của mình, người đàn bà nông nổi năn nỉ em gái giúp mình quẳng xác nạn nhân xuống sông nhằm “phi tang” tội ác. Nhưng "lưới trời lồng lộng", ác phụ phải trả giá về tội “Giết người” và khiến cả em gái sa vào vòng lao lý...
Ảnh minh họa. |
Cuộc hôn nhân địa ngục
Hai chục năm về trước, cô gái Đỗ Thị Thơ đảm đang, khỏe mạnh lại xinh đẹp, hát hay nên thuộc hàng hoa khôi của bản Nà Diềm (xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Cái thời còn má đỏ môi hồng ấy, Thơ đã yêu rồi tự nguyện kết hôn với anh Phạm Văn Lai (SN 1974, cùng thôn).
Thời gian đầu, cuộc hôn nhân của họ khá hạnh phúc mặn nồng, lần lượt hai đứa con kháu khỉnh chào đời, con gái đầu lòng sinh năm 1995, con trai nhỏ sinh năm 1997.
Nhưng cũng từ sau khi Thơ sinh đứa con út, Lai bỗng đổ đốn, lười lao động, hay đi uống rượu say về nhà chửi bới đánh đập vợ. Tuy vậy, cuộc sống nhìn chung vẫn vui vẻ thuận hòa, hai người vẫn “anh anh - em em” ngọt ngào. Khi con cái lớn rồi thì Thơ vẫn âu yếm gọi chồng là “bố Huế” và xưng em (Huế là tên con gái đầu lòng của hai người).
Thơ là người tháo vát, đảm đang, giỏi xoay sở nên hai đứa con cũng được học hành hết cấp 2, kinh tế gia đình cũng có bát ăn bát để, họ còn sắm được ti vi, xe máy.
Khi các con khôn lớn, biết đi làm phụ giúp bố mẹ thì tình cảm vợ chồng họ lại mâu thuẫn trầm trọng do Lai sinh tật nát rượu đánh đập vợ triền miên. Không biết từ bao giờ, vợ chồng họ chuyển hẳn sang xưng hô với nhau bằng “mày, tao”. Những khi vợ mặt sưng mày sỉa, chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Giọt nước tràn ly, vợ hiền thành ác phụ
Ngày 10/11/2011, Thơ đi dự hội nghị Đại đoàn kết các dân tộc tại bản Nà Diềm, đến khoảng 12h về đến nhà nhìn thấy chồng đang ngồi ăn cơm trong bếp, bên cạnh là vò rượu đã vơi phân nửa. Vợ chồng hầm hầm nhìn nhau, không nói không rằng. Sau đó Thơ đi ra phía sau nhà thì thấy quần áo của mình bị ném đầy ngoài vườn.
Thơ nhặt quần áo mang vào trong buồng ngủ và nói với Lai: “Tao làm điều gì không phải mà mày lại vứt quần áo của tao ra vườn? Sao mày khốn nạn thế?”. Nghe thấy vợ nói vậy, Lai lảo đảo đi lên nhà và sừng sộ hỏi vợ: “Mày gọi ai là mày?”. Rồi chẳng đợi cho vợ trả lời, Lai xông tới dùng tay tát vào đầu của Thơ, sau đó dùng hai tay túm vào cổ Thơ nhưng bị Thơ giữ được tay. Hai người giằng co nhau và bị ngã xuống nền nhà trong tư thế chồng nằm trên, vợ ở dưới.
Lai cố gượng ngồi dậy để đánh vợ nhưng do quá say nên chân tay rệu rã, ngồi không vững. Nỗi uất ức từ những lần bị chồng đánh đập triền miên tích tụ lại khiến Thơ vô cùng căm hận. Đúng lúc này Thơ nhìn thấy cuộn dây thừng để ở gần đó, thiếu phụ liền vùng dậy, hất văng anh chồng say rượu ngã chổng kềnh xuống sàn nhà rồi tròng sợi dây thừng qua đầu chồng, siết mạnh.
Được khoảng 5 phút, Thơ thấy anh Lai giẫy giẫy chân rồi đầu gục xuống, bất động. Thơ bỏ dây ra, dùng tay sờ bụng không thấy chồng thở nữa. Khi xác định Lai đã chết, Thơ vứt đoạn dây xuống đất kéo xác chồng nằm ngửa ra nền nhà cạnh giường. Bỏ mặc chồng nằm đấy, Thơ thản nhiên đi thay quần áo khác rồi đi hộ đám cưới ở cùng xã.
Đến khoảng 15h, từ chỗ đám cưới về, Thơ đi bằng xe máy đến nhà mẹ đẻ ở cuối bản. Thấy con gái có tâm trạng bồn chồn, bà mẹ già đoán vợ chồng Thơ lại có chuyện nên lẳng lặng đi nấu cơm cho con gái ăn nhưng Thơ nuốt không nổi bát cơm và lại dắt xe đi.
Lúc đó đã 19h, Thơ vừa khóc vừa chạy xe đến nhà em gái là Đỗ Thị Mận (SN 1984). Mận mới ly hôn chồng, một mình mở quán bán hàng ăn nuôi 2 con nhỏ. Mận đang ngồi ăn với khách, thấy chị gái đến thì mời vào cùng ăn nhưng Thơ không ăn.
Đợi cho khách hàng về hết, Thơ mới gọi Mận đến cửa buồng ngủ và nói trong nước mắt: “Chị nhỡ giết chết anh Lai rồi”. Mận nghe mà không tin vào tai mình nên mới hỏi lại “Chị nói cái gì? Anh nào?”. Thơ vừa khóc vừa trả lời: “Bố Huế”, Mận hỏi tiếp “Sao chị liều thế, chị làm thế nào mà giết chết anh?”. Thơ nói: “ Bố Huế say rượu, đánh mắng chị nên chị uất quá dùng dây thừng siết cổ anh ấy chết rồi”.
Sau đó hai chị em cùng khóc và ngồi lặng yên trong bóng tối khoảng 20 phút. Lúc này đã khuya nên Mận đi ra cửa dắt xe máy của Thơ vào nhà và hai chị em đi vào buồng lên giường nằm. Đến khoảng 21h, Thơ bảo Mận: “Bây giờ chỉ còn cách mang xác anh ấy ra sông vứt thôi, em giúp chị cùng đi vứt nhé”. Mận nói: “Em sợ lắm, em không dám đâu!”. Thơ nói như van nài: “Chuyện đã lỡ rồi, em là em gái chị, chỉ có em mới giúp được chị thôi. Em phải giúp chị.” Thương chị nên Mận đành phải đồng ý.
Khoảng 1h30 ngày 11/11/2011, hai chị em Thơ mò mẫm dậy, sau đó Mận điều khiển xe máy chở Thơ về nhà. Cả hai người gói xác anh Lai, đưa ra cầu Km 21 Thị trấn Vị Xuyên, vứt xuống sông Lô, rồi quay về nhà.
Sáng hôm sau, người dân phát hiện xác anh Phạm Văn Lai “mắc cạn” tại chân cầu Km 21 nên trình báo tới cơ quan chức năng. Kết quả giám định pháp y xác định nạn nhân Phạm Văn Lai chết do bị ngạt cơ học, trên cổ có nhiều vết hằn tím. Khi bị triệu tập lên cơ quan điều tra, Đỗ Thị Thơ đã nhanh chóng khai ra mình chính là thủ phạm gây ra cái chết của anh Lai. Sau đó, Đỗ Thị Mận cũng tự đến UBND xã Linh Hồ đầu thú về hành vi giúp Thơ vứt xác anh Lai xuống sông hòng phi tang.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Thơ mức án 8 năm tù về tội “Giết người” theo khoản 2 điều 93 BLHS. Đỗ Thị Mận thì bị tuyên mức án đúng bằng thời hạn tạm giam là 6 tháng 8 ngày tù về tội “Che giấu tội phạm”.
Giúp bị cáo phi tang xác nạn nhân là “Che giấu tội phạm” Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Mọi công dân biết việc phạm tội đều phải có nghĩa vụ trình báo, tố giác đến cơ quan chức năng. Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Thị Mận biết rõ chị gái mình là bị cáo Thơ đã có hành vi giết người, lẽ ra Mận phải có nghĩa vụ tố giác ngay hành vi phạm tội đó với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ án. Nhưng vì nể nang tình cảm chị em nên Mận đã cùng bị cáo Thơ mang xác nạn nhân ra sông Lô vứt để che giấu hành vi phạm tội cho bị cáo Thơ, nhằm trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy bị cáo Mận phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vụ án thương tâm trên, bên cạnh việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực gia đình thì cũng nhắc nhở người ta phải làm tròn trách nhiệm công dân theo quy định pháp luật, không thể vì thiếu hiểu biết hoặc nể nang mà dễ phạm phải các tội như Che giấu tội phạm hoặc Không tố giác tội phạm. Ông Hoàng Quang Tiều (Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Hà Giang) |
Ngân Hà