Kể cả khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (LS) và Thông tư 70/2011/TT-BCA thì dường như quá trình xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa (GCN NBC) vẫn luôn là “thử thách đầu tiên và khó khăn nhất” của LS khi hành nghề...
Ảnh minh họa |
“Chật vật” xin được bào chữa
“Tấm giấy thông hành” cho mỗi LS để bắt đầu hành nghề, thực hiện quyền bào chữa là GCN NBC do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp. Theo Điều 5 TT 70, để được cấp GCN này, LS phải có 4 loại giấy tờ là: Thẻ LS, Giấy yêu cầu LS của bị can, người bị tạm giữ, người thân, người đại diện hợp pháp của bị can, người bị tạm giữ, Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS (hoặc Đoàn LS), văn bản phân công của Đoàn LS (đối với trường hợp bào chữa chỉ định).
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, LS còn phải cung cấp thêm các giấy tờ “ngoài luật” như chứng chỉ hành nghề LS, hợp đồng dịch vụ pháp lý và chứng từ thanh toán phí dich vụ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Cá biệt, một vài LS còn được yêu cầu phải cung cấp đơn xin cấp GCN NBC, giấy đăng ký hoạt động, chứng minh nhân dân… mà theo nhiều LS, “đây là cách cơ quan điều tra “làm khó”, thậm chí “ngăn cản” LS thực hiện quyền bào chữa”.
Các LS cũng phản ánh, có sự khác biêt giữa qui định của TT 70 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS về vấn đề các giấy tờ cần xuất trình để được cấp GCN NBC. Luật đã “mở rộng” quyền được yêu cầu LS cho cả “người khác”, chứ không chỉ “bó hẹp” cho bị can, người bị tạm giữ, người thân, người đại diện hợp pháp của bị can, người bị tạm giữ.
Đồng thời Điều 27 của Luật cũng qui định rõ nếu LS hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia án chỉ định hoặc trợ giúp pháp lý thì cần có thêm văn bản phân công của Đoàn LS, còn LS hành nghề trong các tổ chức hành nghề LS thì phải có “văn bản cử LS của tổ chức hành nghề LS”.
Như vậy, so với qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS, qui định như của TT 70 rất dễ khiến LS bị “hoạnh họe” về các loại giấy tờ cần xuất trình để xin cấp GCN NBC. Song điều khiến các LS chưa thực sự an tâm là việc 2 văn bản qui định về việc cấp GCN NBC không thống nhất về danh mục giấy tờ cần xuất trình là “lý do” để LS vẫn bị khó khăn trong quá trình xin cấp GCN NBC.
Đa số các vụ án, quá trình tố tụng không chỉ dừng ở giai đoạn điều tra mà sẽ kéo dài cả đến giai đoạn truy tố, xét xử. Nghĩa là tối đa mỗi LS phải xin cấp 3 GCN NBC cho 1 vụ án vì GCN của giai đoạn trước không được chấp nhận trong giai đoạn sau. Cách làm như vậy không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cho thấy sự thiếu thống nhất trong cả quá trình tố tụng và sự “rời rạc, mạnh ai nấy làm” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan trọng nhất là thủ tục cấp GCN NBC rườm rà, nhiều điều kiện và “ẩn chứa” nhiều khả năng “cản trở” LS, như vậy đã hạn chế LS thực hiện quyền bào chữa và ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Hơn 1 năm chờ.... Giấy chứng nhận bào chữa!
Thực tế, đa số LS được cấp GCN NBC sau 10 ngày đến 1 tháng, nhất là với những án theo yêu cầu của bị can. Đối với trường hợp tạm giữ, chưa có quyết định khởi tố, nhiều LS vẫn phải chờ ít nhất 9 ngày mới được cấp GCN NBC. Cá biệt, LS Lê Hồng Nguyên (Văn phòng LS Hồng Nguyên ở TP.HCM) đã phải “mòn mỏi” chờ GNC NBC suốt hơn 1 năm. Và dù có công văn của Liên đoàn LS Việt Nam đến điều tra viên phụ trách vụ án nhưng đến khi kết thúc điều tra, hồ sơ đã chuyển sang Tòa án, LS vẫn chưa được cấp GCN NBC.
Nhưng, đối với các vụ án có quyết định khởi tố, có khoảng 50% LS được hỏi cho biết được cấp GCN NBC đúng theo qui định pháp luật. Mặc dù vẫn có đến hơn 10% LS khẳng định, thời gian cấp GCN NBC “lâu hơn” kể từ khi TT 70 có hiệu lực.
Lý giải về tình trạng vi phạm thời hạn cấp GCN NBC tràn lan như vây, ông Nguyễn Chiến Thắng (đại diện Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an) thừa nhận còn nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề xem xét cấp GCN NBC do luật qui định thời gian quá ngắn đã hạn chế việc thực thi, nhất là khi quá trình cấp GCN NBC phải qua nhiều khâu, điều tra viên không có quyền ra quyết định cấp GCN NBC mà phải là thủ trưởng cơ quan điều tra…
Rất khó khăn để có được GCN NBC nhưng có được rồi, việc hành nghề của LS vẫn “gian truân” bởi những qui định hay cách vận dụng pháp luật “riêng có” của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều LS đã bức xúc: “Nếu đã qui định về GCN NBC thì nên cho nó có quyền thực chất, không chỉ là một thủ tục hành chính như vậy”. Và giới LS đề nghị, khi đã được một cơ quan tiến hành tố tụng cấp thì GCN NBC nên có giá trị xuyên suốt quá trình tố tụng hoặc bỏ loại giấy tờ này. Tuy nhiên, Liên đoàn LS Việt Nam cho biết, “mong muốn này sẽ phải trông chờ vào việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Huy Anh