Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, hiện còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ kiểm tra bài cũ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt". Điều này gây áp lực, căng thẳng cho học sinh, trong khi đó, nhiều học sinh vừa đến trường, vừa ăn sáng, ôn bài và lo lắng bị hỏi bài cũ.
"Để nâng cao chất lượng, trường học cũng phải hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Nếu thầy cô cứ gọi bất chợt, hỏi bất chợt không những làm cho học sinh căng thẳng, còn không mang lại giá trị gì cho các em. Thay vì như vậy, mở đầu giờ học, thầy cô có thể mời các em hát hoặc áp dụng các phương pháp đa dạng khác, hướng đến quyền lợi học sinh, làm cho các em thích thú khi vào học chứ không căng thẳng", ông Hiếu nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục TP HCM, thành phố đang hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh - nơi các em đến trường với tinh thần thoải mái, tâm trạng vui vẻ. Để làm được điều này, giáo viên phải thay đổi cách giảng dạy, thay đổi cách kiểm tra kiến thức của học sinh.
Chất lượng giảng dạy còn nằm ở cách thầy cô tạo môi trường cho học sinh tương tác, trực tiếp tham gia vào quá trình dạy của thầy cô, tạo ra các giờ dạy nhẹ nhàng, chất lượng để mỗi sáng thức dậy các em háo hức được đến trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, các chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD&ĐT không bắt buộc giáo viên gọi học sinh lên trả bài trước mỗi tiết học.
Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Thực hiện mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời.
Việc “trả bài” như trước đây còn mang nặng tính tập trung về kiểm tra kiến thức, không phù hợp với quan điểm, mục tiêu và các chỉ đạo chung trong thời điểm hiện tại. Việc hình thành kiến thức không chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng quan trọng là hình thành thông qua việc tham gia các hoạt động học tập để ghi khắc kiến thức và năng lực, phẩm chất cho học sinh
Qua các hoạt động học tập bài dạy, thầy cô và học sinh trải qua 4 hoạt động gồm: Hoạt động 1 xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu; Hoạt động 2 hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ hoạt động trước; Hoạt động 3 luyện tập; Hoạt động 4 là vận dụng.
"Mỗi bài dạy có thể thực hiện trong nhiều tiết học, bảo đảm đủ thời gian dành cho mỗi hoạt động để học sinh thực hiện hiệu quả. Nhiệm vụ của thầy cô giúp cho học sinh luôn cảm thấy thích thú, hạnh phúc với việc học tập và mỗi sáng luôn háo hức đến trường", ông Quốc nhận định.