Sau hơn hai tháng công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, vào ngày 16/10, trong văn bản phản hồi các ý kiến đóng góp cho Dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tái khẳng định Lịch sử là môn “tự chọn” tại trường phổ thông.
Trước những động thái này, dư luận đã phản ứng gay gắt, đặc biệt là những giáo viên dạy sử, các chuyên gia giáo dục và chương trình nghị sự của các đại biểu Quốc hội. Chưa bao giờ có những cuộc tranh luận nảy lửa và kì lạ tới vậy...
Bộ Giáo dục và Đào tạo có dám khẳng định trách nhiệm không?
Tại nghị trường, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ, dư luận đang “xáo trộn tận tâm can” về sự thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử, từ môn học độc lập thành một môn học tích hợp. ĐB chất vấn Bộ trưởng về tính đúng đắn, ưu việt của sự thay đổi này: “Bộ trưởng có dự định gì hoặc hoãn thực hiện chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng thiết thực không? Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới không bị coi nhẹ, thậm chí được coi trọng hơn. Về lý do đưa môn Lịch sử tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, theo Bộ trưởng Luận, trong Luật Giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, việc đưa Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc để tránh trùng lắp.
Bên cạnh đó, trong các môn học khác, Bộ dự kiến lồng ghép Lịch sử vào các môn khác như Văn học, Địa lý, Âm nhạc… Bộ trưởng ví dụ, như giảng bài “Bình Ngô đại cáo”, “Hịch tướng sĩ” hay “Tuyên ngôn Độc lập”, nếu không gắn lịch sử thì học sinh sẽ không hiểu và không thể rung động.
Tới đây, Ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến người dân, sau đó sẽ báo cáo lại các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ. "Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia trước khi kết luận. Nếu tích hợp mà làm nhẹ thì tích hợp, còn nếu làm nặng thêm sẽ không triển khai", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Trước đó, tại một cuộc hội thảo nảy lửa do Hội Sử học Việt Nam tổ chức, người ta đã thấy những điều kì lạ bởi những bức xúc môn Sử có nguy cơ bị “xé nhỏ”. Giải thích cho những bất cập, PGS.TS Hà Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Thái Nguyên) cho rằng: Hiện nay lớp trẻ đang còn tuổi học đường thường xuất hiện hai luồng học sinh. Một, rất yêu thích môn Sử, say mê học Sử và học một cách nghiêm túc, nhưng vì cơ hội việc làm không lớn hoặc có việc nhưng thu nhập không lớn nên gác đam mê theo những ngành học có kinh tế. Vậy là kiến thức Lịch sử bị quên dần theo tháng năm. Hai là ghét học Sử vì khó học, vì người lớn cho rằng nó là môn phụ nên chẳng học…
GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) nêu ý kiến: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Giáo dục có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử. Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của môn Sử và một vài môn khác bị đẩy lùi dần thành môn phụ trên thực tế và đến nay nó mất tên chính danh trong chương trình Trung học cơ sở dưới cái vỏ “Công dân và Tổ quốc”.
Nó bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban khoa học xã hội. Có nghĩa rằng, lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình”.
GS.TS Đỗ Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề xuất: “Chúng tôi nghĩ rằng, có những vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới xã hội. Trước hết, chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn Lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay."
Ông cũng cho rằng, chương trình vừa mới “thai nghén” đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết, trái chiều, liệu khi hoàn thành, đưa vào thực tiễn “tuổi thọ”của nó có được lâu, bởi giáo dục không thể là nơi thí nghiệm...
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thị Vinh - Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục phân tích thêm: Việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng, có liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của cải cách giáo dục và là tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu xây dựng một môn học mới mà không dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn thì chắc chắn sẽ thất bại, hơn nữa sẽ gây ra tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông.
GS 92 tuổi Bùi Đình Thanh, vị GS lớn tuổi nhất tại hội thảo, khi nghe tin đã nhất định đề nghị con cháu đưa đến dự. Theo vị GS già: “Tư tưởng của tôi có thể bảo thủ chăng, đồng ý hay không là quyền của các vị, nhưng môn Lịch sử đã được khẳng định là môn khoa học thì phải đối xử với nó như là một môn khoa học”.
Chưa dừng lại ở đó, có lẽ rất hiếm có cuộc hội thảo nào mà giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lại thẳng thắn bày tỏ ý kiến phản đối lãnh đạo Bộ như cuộc hội thảo này. Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Tôi đại diện cho 500 giáo viện dạy Sử trên toàn quốc. Từ khi Bộ công khai Dự thảo ngày 5/8, suốt 3 tháng qua chúng tôi ăn, ngủ không ngon. Không những tôi mà các giáo viên dạy Sử đều rất bức xúc. Không biết người có trách nhiệm nghĩ gì khi mới chỉ là dự thảo mà đã vấp phải những vấn đề như vậy? Nhiều giáo viên nói chuyện với tôi tỏ rõ sự buồn bã, thất vọng, chán chường.
Tôi cho rằng, Bộ nói là lấy ý kiến thế thôi nhưng có thể đã quyết rồi, chưa chắc đã thay đổi được gì. Về phía học sinh (HS), Bộ nên về các trường phổ thông, về tỉnh lẻ xem thái độ HS bày tỏ như thế nào về việc môn Sử không còn là môn bắt buộc. Trên mạng họ nói nhiều lắm, có người bảo rằng cảm thấy xấu hổ khi là giáo viên Sử mà cứ để yên. Các em HS cũng hỏi “thầy cô chẳng lẽ im lặng sao?”. Tôi xót lắm. Hầu hết giáo viên Sử đều muốn gửi tới Bộ lời mong mỏi thiết tha: Chúng tôi, những giáo viên Sử phổ thông trên toàn quốc không thể dạy tích hợp môn Sử!
Lại một lần nữa chúng tôi đề nghị Bộ cần tham vấn rộng rãi giáo viên phổ thông trên toàn quốc. Chúng tôi hoài nghi tham vấn của Bộ vì bản thân chúng tôi không được tiếp nhận. Chúng tôi, những giáo viên Sử phổ thông mong muốn môn Sử sẽ được “trả lại tên”, đúng với vị thế của mình” - thầy Hiếu nhấn mạnh.
Là người trong cuộc, nhưng nhiều vị giáo sư cũng chia sẻ chưa bao giờ họ gặp một cuộc hội thảo nảy lửa đến như vậy. Ở đó là tất cả những gì thẳng thắn và tâm huyết nhất. Không chỉ bởi các chuyên gia giáo dục mà là nỗi niềm của 500 giáo viên Sử trên toàn quốc, họ sẽ làm gì khi môn Sử không còn là môn học độc lập?. Và những giáo viên dạy tích hợp đã có thể hiểu sâu sắc về môn Sử hay không?.
Hơn nữa, điều đáng nói hơn cả là làm sao để học sinh yêu Sử, chứ không phải là những hô hào và không cần biết các em cần gì... Đó là sự bồi đắp về tâm hồn, những giá trị lịch sử và niềm tự hào thiêng liêng về mỗi tấc đất trên quê hương, đất nước mình. Đất nước của những “con người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm nằm nghe tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”...