Trong 10 tháng năm 2010, tình hình giao thông trên tuyến đường thủy nội địa của thành phố Hải Phòng có bước chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm trên 2 tiêu chí: số vụ giảm 20%, số người bị thương giảm 200%. Tuy nhiên, giao thông trên tuyến đường thủy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Bãi khai thác cát tại khu vực bến Khuể, xã Chiến Thắng, huyện An Lão đổ cát bè phè, vi phạm hành lang đê điều, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông đường thủy Ảnh: Minh Trí |
Tai nạn giảm
Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc với hệ thống 40 cảng, bến kéo dài trên sông Cấm, sông Lạch Huyện và cửa Nam Triệu. Bên cạnh đó, thành phố có hệ thống sông ngòi dày đặc gồm 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia đi qua, tổng chiều dài 326 km và 9 tuyến đường thủy địa phương, chiều dài hơn 141 km.
Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn trên tuyến đường thủy nội địa của thành phố Hải Phòng, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố) triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn trên tuyến giao thông huyết mạch này. Trong 10 tháng năm 2010, lực lượng CSGT đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn giao thông. Đơn vị nhắc nhở, yêu cầu 925 trường hợp viết cam kết bảo đảm an ninh trật tự đường thủy, lập biên bản xử lý 1.425 trường hợp, phạt thu tiền qua Kho bạc Nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng. So với 10 tháng năm 2009, số vi phạm bị xử lý tăng 240 trường hợp (tăng 20,2%). Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, lực lượng CSGT đường thủy tịch thu 1 bằng thuyền trưởng, tước quyền sử dụng 26 bằng thuyền trưởng, tạm giữ 20 phương tiện vi phạm.
Đại tá Phạm Văn Thang, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố) cho biết: “Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông thủy chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai phong phú về cả nội dung và hình thức, phù hợp với từng địa bàn dân cư. Phòng CSGT đường thủy phối hợp với công an các quận, huyện triển khai tuyên truyền hơn 15 nghìn lượt người là các chủ bến, chủ phương tiện và người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, đơn vị duy trì hoạt động của 7 cụm liên kết bảo vệ an ninh trật tự tại các cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường ven sông”.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến đường thủy, lực lượng CSGT đường thủy phối hợp với các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Trong 10 tháng qua, đơn vị phát hiện, bắt giữ 12 vụ việc với 17 đối tượng vi phạm pháp luật; bắt 2 vụ vận chuyển trái phép 2.400 tấn than, truy thuế 50 triệu đồng, xử phạt 10 triệu đồng.
Với các biện pháp toàn diện trên các lĩnh vực công tác của CSGT đường thủy và các lực lượng liên quan, trong 10 tháng qua, tình hình an ninh trật tự trên các tuyến đường thủy thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đường thủy giảm trên 2 tiêu chí: số vụ giảm 20%, số người bị thương giảm 200%.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Tình hình giao thông đường thủy trong 10 tháng năm nay có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên tai nạn đường thủy luôn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông và các cơ quan chức năng. Mỗi vụ tai nạn đường thủy thường để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Trong khi đó, các chủ phương tiện thủy vi phạm khá phổ biến. Tình trạng “5 không” trên tuyến đường thủy nội địa (không đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp và không đủ điều kiện an toàn) diễn ra thường xuyên ở các tuyến sông. Việc sử dụng phương tiện thủy khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, đổ bùn đất nạo vét xuống hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn biến phức tạp tại một số tuyến sông làm thay đổi luồng chạy tàu, sụt lở đê điều, nhà cửa, công trình ven sông.
Tại các bến bãi, luồng lạch, tình trạng vi phạm cũng diễn biến phức tạp. Trên địa bàn thành phố tồn tại nhiều điểm bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, chất đốt như khu vực An Sơn, Lại Xuân (Thủy Nguyên), hạ lưu sông Lạch Tray. Nhiều nơi gọi là bến, nhưng không có"cột bích"cho tàu thuyền neo đậu như khu vực Cầu Rào, trong khi các phương tiện chở hàng quá tải, neo đậu hàng ba, hàng bốn, mỗi khi có tàu khác đi qua tạo sóng dễ gây chìm tàu. Trên tuyến đường thủy thành phố còn nhiều “điểm đen” giao thông như tuyến phà Đình Vũ - Cát Hải cắt ngang luồng tàu biển, ngã ba sông Cấm - Bạch Đằng và khu vực ngã ba Máy Chai, nơi sông Cấm chảy vào sông Ruột Lợn.
Quản lý một địa bàn rộng, phức tạp, cảnh sát giao thông đường thủy và các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện. Đại tá Phạm Văn Thang cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, phát hiện phương tiện chở quá tải, vượt quá mớn nước cho phép, CSGT đường thủy có quyền yêu cầu phương tiện hạ tải. Tuy nhiên, giữa sông nước, việc hạ tải gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện chuyển tải”. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có điểm lưu giữ phương tiện vi phạm tại nhánh sông Rế thuộc địa bàn quận Hồng Bàng và giao Công ty Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy thực hiện. Tuy nhiên, việc đưa phương tiện vi phạm ở những nơi xa như Cát Bà, Đình Vũ... về sông Rế rất khó khăn nên việc xử lý vi phạm chưa triệt để.
Trước tình hình giao thông trên tuyến đường thủy của thành phố tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, các sở, ngành thành phố quan tâm nghiên cứu quy hoạch, cấp phép hoạt động theo quy định một số bến như bến Bính, đầu tư xây dựng các bến tàu khách bảo đảm an toàn. Những địa điểm như khu vực cầu tàu của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng đỗ quá nhiều tàu chờ sửa chữa, che khuất tầm nhìn của các phương tiện cần được giải tỏa. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành quy hoạch và công bố các điểm được phép khai thác cát, sỏi tránh tình trạng phương tiện khai thác trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và các công trình bảo vệ đê điều như hiện nay.
Việt Hòa