Vào thời điểm giá nhà đất vẫn “ngoài tầm với” của nhiều người có thu nhập trung bình, ở chung cư mini là lựa chọn không tồi. Thế nhưng, những rủi ro và mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sử dụng loại nhà này cũng không hề ít. Từ việc xung đột giữa các hộ gia đình đến việc xuất hiện đại ca, đầu gấu “bảo kê” các khu nhà khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở”.
Nhà chung cư mà dột như nhà tranh vách đất
Vài năm trở lại đây, những chung cư mini giá rẻ ra đời đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của một bộ phận không nhỏ người dân sống tại Hà Nội. Loại nhà này “ghi điểm” bởi chỉ với giá từ 400 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu một căn hộ khoảng 30m2, thủ tục bàn giao nhà nhanh chóng, dễ dàng.
Nhiều chung cư mini đang xuống cấp trầm trọng (ảnh Internet) |
Tuy nhiên, cũng chính cách mua bán kiểu “tiền trao cháo múc”, lại không bị ràng buộc nhiều về trách nhiệm, nên sau khi giao nhà xong là các chủ đầu tư hầu như “hết nhiệm vụ”.
Từ đấy, hàng loạt những bất cập, rủi ro thay nhau phát sinh trong quá trình sử dụng đã gây nhiều phiền toái và bức xúc cho người dân sinh sống tại đây.
Theo chị Vân Thảo, hiện đang cư ngụ tại một chung cư mini trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), do thiếu người quản lý nên những vấn đề sinh hoạt chung ở khu chung cư chị đang ở rất lộn xộn. “Mặc dù mọi người đã bầu ra người phụ trách khu nhà, nhưng cũng chỉ được “ba bảy hai mốt ngày” là mọi việc đâu lại vào đấy. Do chung cư có tới vài chục hộ, lại có những hộ chỉ thuê ở tạm nên họ phó mặc, muốn ra sao thì ra”, chị Thảo thở dài ngao ngán.
Hậu quả của việc không thống nhất trong không gian sống chung này là “việc ai nấy làm, mạnh ai nấy ở”. Thế nên tại nhiều chung cư tuy mới được xây dựng nhưng đã xuống cấp trầm trọng, cầu thang đầy rác, cáu bẩn, trên tường loang lổ, bong tróc khắp nơi, còn hầm gửi xe thì biến thành... bãi rác mini.
Không những thế, mỗi khi phát sinh hư hỏng chung trong tòa nhà, thì những hộ dân bị ảnh hưởng cũng đành “tự thân vận động” chứ chẳng biết kêu vào đâu. Chị Thanh Trang, sống tại một căn hộ chung cư mini tại Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mới hôm trước khu nhà chị đường hố ga bị hỏng tắc ở tầng trệt, phải đập ra để sửa. Nhưng mặc cho chị đi vận động, thuyết phục hết nước hết cái cũng chỉ có một số hộ dân bị tắc mới đồng ý đóng góp, còn những hộ khác với lý do mới chuyển đến hơn nữa “vẫn dùng tốt” nên không tham gia.
Cùng chia sẻ với chị Thảo, anh Ngọc Tuấn, nhân viên công ty công nghệ thông tin tại Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết thêm, vì chủ đầu tư tranh thủ xây dựng gấp rút để bán nên nhiều chung cư thoạt nhìn thì khá sạch sẽ, khang trang nhưng đến lúc vào ở mới thấy hết hạn chế.
Như chung cư chỗ anh ở, nền nhà được lát bằng loại gạch xấu, có cả những viên vỡ được chắp vá vào với nhau, gồ lên cả những đường sần sùi khiến chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng là cáu bẩn nhìn rất mất thẩm mỹ. Cửa sổ ở đây là loại khung inox kéo, cong queo, không thể đóng khít được nên cứ mưa to là nước dột tứ tung vào nhà.
Anh Tuấn chia sẻ: “Mới hôm nọ, chỉ sau đợt mưa bão, đường truyền internet toàn bộ khu nhà bị đứt, mọi người đều muốn mắc lại nhưng một số hộ phía trên vẫn mặc kệ với lý do “ít sử dụng”. Thế là giờ mỗi nhà dùng một kiểu, tự xoay xở. Nhiều khi công việc bận rộn cần đến internet, tôi lại phải ở luôn chỗ làm để hoàn thành nốt”.
Giang hồ trấn giữ chung cư
Không chỉ gặp nhiều rắc rối, bất cập như kể trên, tại một số chung cư mini hiện nay còn xuất hiện tình trạng bảo kê, đầu gấu “thay mặt” mọi người quản lý chung cư bằng “luật rừng” khiến người dân sinh sống ở đây luôn cảm thấy bất an, lo sợ.
Theo anh Hồng, sống tại chung cư Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, các đối tượng này phần lớn là người đến thuê nhà để ở rồi nhận là “tổ trưởng khu nhà”, tự ý thu các loại tiền hay hạch sách, bắt bẻ các hộ còn lại. Anh Hồng bức xúc:
“Họ nghĩ ra đủ mọi tiền phí như phí sửa chữa điện, đường ống nước, phí bảo vệ hay sửa ống gas một cách vô lý khiến những người khác cũng không biết đường nào mà lần. Hàng tháng, những người này đều tổ chức họp với mục đích kêu gọi đóng góp, sửa sang, vệ sinh chung cư. Ban đầu, mọi người tưởng thật còn hào hứng tham gia, sau thấy tiền đóng nhiều mà đâu vẫn vào đấy, hành lang thậm chí còn nhếch nhác hơn xưa thì cũng có người phản đối.
Nhưng những ai vừa ý kiến hôm trước, hôm sau đã gặp “hạn”, xe cộ để trong hầm không thủng xăm thì cũng mất gương, đường dây mạng thì bị cắt đứt…Cứ như vậy mấy lần thì mọi người đều “cạch mặt”, không ai dám dây dưa hay ý kiến gì với bọn chúng nữa”.
Ở một số nơi, như tại chung cư mini khu vực Văn Quán (Q. Hà Đông, Hà Nội), những “đầu gấu” kiểu này lại chính là người sinh sống hẳn ở đây. Theo anh Hoàng Sơn, cư dân tại đây cho biết, họ sống “một mình một kiểu”, thích làm gì thì làm. Những người nào “dại dột” góp ý với họ thì kiểu gì cũng gặp rắc rối to.
Anh Hoàng kể về hàng xóm của mình: “Hễ vắng mặt thì thôi chứ cứ về đến nhà là họ bật nhạc ầm ĩ, có nhiều hôm tụ tập toàn những thanh niên mặt mũi bặm trợn, xăm trổ đầy mình đến ăn nhậu, cờ bạc, hát hò suốt đêm đến tận sáng. Nhiều gia đình ở lầu dưới chịu không được lên nhắc nhở đều bị họ chửi bới, đe dọa.
Có người “nhanh trí” gọi cảnh sát khu vực, tuy giải tán được đám đông nhưng sáng hôm sau người này bị một phen hốt hoảng khi thấy toàn bộ xe nhà mình để ở dưới hầm đã bị ném chỏng trơ trước cửa, bị trầy xước, hư hỏng”.
Anh Sơn còn kể thêm, mọi chuyện không dừng lại ở đấy, để “dằn mặt” những người xung quanh, những đối tượng “anh chị” trong khu nhà còn thay luôn ổ khóa cửa chính vào khu nhà từ chập tối, khiến những người về muộn đành phải tìm chỗ “ở nhờ” qua đêm đến sáng hôm sau mới vào được nhà. Ngang ngược như thế nên một số người thuê nhà tại đây sau một thời gian không chịu được đều bỏ đi nơi khác, chỉ có người ở hẳn đây như anh Sơn đành phải chịu cảnh “sống chung với lũ”.
Bên cạnh đấy, người dân lỡ sống chung với “giang hồ” còn phải đối mặt với nhiều bất an “từ trên trời rơi xuống”. Chị Lê, ngụ tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chị có người em đang sống tại một chung cư mini ở Hà Đông. Thỉnh thoảng sang bên đấy chơi, chị bắt gặp cảnh đám người nhậu say cãi vã om sòm, đánh nhau náo loạn cả khu nhà khiến mọi người sống trong những căn hộ khác không dám bước chân ra khỏi cửa vì sợ “tai bay vạ gió”. Nhiều lúc nổi hứng, đám anh chị này còn “canh me” sẵn trước cửa, đợi ai đi làm là xin ít tiền để “ăn sáng, uống nước”.
Vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, các chung cư mini mọc lên ngày càng nhiều, góp phần cho người dân có thêm nhiều lựa chọn hợp túi tiền của mình. Tuy nhiên, song song với việc cải thiện chất lượng và giá cả, các vấn đề liên quan đến đồng bộ quản lý, dịch vụ cho khách hàng sau khi bán cũng nên được các chủ đầu tư chú trọng.
Tránh tình trạng “đem con bỏ chợ” như tại một số chung cư mini trong thời gian qua đã phần nào tiếp tay cho một số thành phần bất hảo lợi dụng quấy nhiễu, hạch sách người dân, khiến họ không thể yên tâm sinh sống trong chính ngôi nhà của mình.
Theo Xa lộ pháp luật