Hải Phòng là địa phương thứ 5 trong cả nước công bố hết dịch tại xanh ở lợn. Cục Thú y Trung ương đánh giá, Hải Phòng là một trong những địa phương phòng, chống dịch hiệu quả với những cách làm sáng tạo, chỉ đạo linh hoạt. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, công tác phòng, chống dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, cần bổ khuyết kịp thời. Đặc biệt là công tác phòng, chống dịch ở cấp cơ sở.
Công khai các khoản hỗ trợ
Dịch tai xanh ở lợn xảy ra đầu tiên tại hai phường Minh Đức, Hợp Đức (Đồ Sơn). Sau đó, lan rộng tại tất cả các huyện trên địa bàn thành phố. Thời gian đầu, việc phát hiện và khống chế dịch ở một số địa phương chậm và lúng túng, có nơi không công khai tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, vấn đề hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân có lợn phải tiêu hủy trong hoàn cảnh giá thịt lợn đang giảm mạnh, thấp hơn cả giá hỗ trợ theo quy định của Chính phủ khiến thành phố và nhiều địa phương băn khoăn. Việc này đưa đến khả năng, nếu mức hỗ trợ cao hơn giá bán trên thị trường, người chăn nuôi sẽ ồ ạt đề nghị tiêu huỷ lợn, ngược lại, nếu mức hỗ trợ quá thấp, người chăn nuôi sẽ thiệt thòi. Cũng vì lo lắng này, nhiều tỉnh, thành phố có dịch tai xanh không công khai chính sách hỗ trợ tiêu hủy.
Cán bộ thú y chuyển giao thuốc phòng trừ dịch bệnh về phường Minh Đức (Đồ Sơn) |
Trước tình hình dịch lan nhanh, khó khống chế, thành phố và các ngành chức năng có những quyết sách phù hợp. Sau gần 2 tuần kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên (27-4), UBND thành phố có Quyết định số 755 về việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn thành phố năm 2010. Trong đó, mức hỗ trợ tiêu huỷ vẫn giữ 20.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái, lợn đực giống, lợn thịt, không giảm so với mức hỗ trợ ban hành trước đây, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Cùng với đó, thành phố có thêm chính sách mới là hỗ trợ tiền thuốc điều trị 120.000 đồng/con. Kinh phí hỗ trợ điều trị cho 16.755 con bị ốm theo đề nghị của Chi cục Thú y là hơn 2 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Hải Phòng là địa phương duy nhất trên cả nước có chính sách hỗ trợ điều trị lợn ốm. Chính sách này mở hướng tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương, đồng thời là “gậy Như Ý” bảo đảm cho chính sách hỗ trợ lợn phải tiêu huỷ không vượt ngưỡng. Từ chỗ băn khoăn, lùng bùng trong việc công khai hay không công khai dịch bệnh, nhiều địa phương mạnh dạn thống kê số lợn bị ốm để được điều trị theo đúng phác đồ của cán bộ thú y. Nhiều hộ chăn nuôi có lợn ốm cũng tích cực điều trị cho lợn khỏi, không có tư tưởng bỏ mặc để lợn chết, chờ hỗ trợ tiêu huỷ. Trong tổng số 19.801 con lợn bị ốm vì bệnh tai xanh trên địa bàn thành phố, có 16.454 con được điều trị khỏi, số lợn ốm nặng, chết buộc phải tiêu hủy là 3.347 con. Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác trên cả nước số lượng lợn ốm chết phải tiêu hủy khoảng 70% số lợn mắc bệnh. Hải Phòng là một trong số ít địa phương có tỷ lệ lợn ốm được điều trị khỏi bệnh cao nhất cả nước.
Ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục thú y Hải Phòng cho rằng, chính sự linh hoạt trong chỉ đạo giúp cho công tác phòng, chống dịch tai xanh ở lợn từ chỗ còn lúng túng đi đúng hướng. Việc chuyển trọng tâm khống chế dịch bằng điều trị cho lợn ốm giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại, đồng thời các địa phương giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường từ các hố chôn huỷ.
Cần rút kinh nghiệm nghiêm túc với cấp cơ sở
Điều đáng nói là những ngày đầu dịch tai xanh ở lợn bùng phát các địa phương lúng túng trong ứng phó. Việc này bắt nguồn từ sự lơ là, thiếu cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh. Tại những ổ dịch đầu tiên ở Hợp Đức, Minh Đức (Đồ Sơn) hay Tân Thành, Hải Thành (Dương Kinh), việc phát hiện dịch chậm, xử lý rất lúng túng. Khi cấp cơ sở phát hiện có dịch, báo cáo cơ quan chức năng thì tại địa phương, lợn ốm, chết cách đó đã 2 tuần, nhiều hộ dân bán chạy lợn ốm và có cả tình trạng vất lợn chết ra kênh, mương, khu vực công cộng. Sau khi thành phố công bố dịch, các địa phương này vẫn loay hoay thống kê số lợn ốm và số hộ có lợn nhiễm bệnh. Cùng với đó, các địa phương trên cũng lúng túng trong việc thành lập đội tiêu hủy, cách thức lập biên bản và cách tiêu hủy lợn ốm, chết theo quy định. Việc phát hiện các ổ dịch chậm nên khi các cơ quan chức năng biết thông tin thì dịch đã lan ra diện rộng, số lợn ốm lên tới mấy nghìn con. Trong quá trình phòng, chống dịch, dù thành phố và các ngành chức năng, các quận, huyện ráo riết, khẩn trương, nhưng không ít xã, thôn lại lừng chừng, cho rằng đó là lợn mắc bệnh thông thường chẳng kiểm tra, thống kê, cũng không báo cáo. Cá biệt, có không ít địa phương, không công khai dịch, việc chỉ đạo lúng túng nên dịch càng có cơ hội lây lan nhanh, số lợn chết và ốm nặng lớn, nhưng người dân lại chịu thiệt vì không được cơ quan chức năng quan tâm xác nhận, làm công tác tiêu hủy để nhận hỗ trợ của thành phố.
Dịch tai xanh ở lợn được đẩy lùi, nhưng các địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Đó là công tác khử trùng, tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi, hỗ trợ các hộ dân khôi phục lại chăn nuôi sau dịch. Việc cần làm ngay là có sự tổng kết,đánh giá, rút kinh nghiệm để có cách làm chủ động, phù hợp, phòng dịch từ xa vì dịch có thể quay lại theo chu kỳ 3 năm/ lần./.
Hoàng Yên