Một trong những định hướng lớn trong sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này là giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, nên thu hẹp phạm vi xử lý hình sự, tăng phạt tiền đối với những loại tội phạm nào đang gây nhiều tranh cãi.
|
Hình minh họa |
Tăng phạt tiền với những loại tội nào?
Định hướng sửa đổi BLHS, Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ rõ “tăng cường tính nhân đạo, bảo vệ con người, bảo vệ chế độ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Một trong những nội dung tiếp tục thể hiện tính nhân đạo đó chính là việc giảm hình phạt tù và thay bằng các hình phạt khác.
Vấn đề này, cũng theo Bộ Tư pháp thì hình phạt tù chỉ áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng và những tội phạm mà xét thấy nếu để người kết án ngoài xã hội thì sẽ còn gây hại cho xã hội. Còn đối với những trường hợp khác thì xem xét áp dụng các hình phạt không tước tự do.
Quá trình tham vấn chuyên gia về BLHS sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này nên tập trung vào nhóm tội phạm về tham nhũng và xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Phạt tiền với tội tham nhũng: còn rất hạn chế
Có thể nói hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung đã được áp dụng trong những năm thi hành BLHS tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế, chưa phát huy được tác dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đơn cử, theo số liệu thống kê của TANDTC từ năm 2000 đến 2009, trên phạm vi cả nước, Tòa án sơ thẩm các cấp đã xét xử 3283 vụ với 7093 bị cáo, nhưng chỉ có 457 bị cáo, (chiếm tỷ lệ gần 7%) áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm một công việc nhất định.
Ông Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)- nhận định: Hình phạt bổ sung mặc dù đã đ¬ược quy định ở tất cả các tội phạm về tham nhũng, có tác dụng phòng ngừa tội phạm và hạn chế, loại trừ nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng các bị cáo bị áp dụng hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính không nhiều.
Trên thực tế có nhiều vụ án, các bị cáo đã chiếm đoạt một số lượng tài sản của Nhà nước, khi xét xử, căn cứ các quy định của PLHS, Tòa án đã áp dụng mức hình phạt rất cao đối với những bị cáo này; tuy nhiên, Nhà nước lại không thể thu hồi hoặc thu hồi không đáng kể những tài sản mà bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước.
Như vậy, việc áp dụng hình phạt mới chỉ đạt được mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội, còn những thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra cho Nhà nước và xã hội vẫn không được khắc phục.
Vì lý do này, ông Đạt đề nghị “cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS theo hướng, giảm nhẹ hình phạt cho những người thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mở rộng phạm vi các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tiền. Thậm chí, có thể quy định việc người phạm tội có thể nộp tiền thay vì buộc họ phải chấp hành hình phạt tù, không nhất thiết phải cách ly họ khỏi xã hội”.
Nhiều ý kiến đồng tình với ông Đạt, cho rằng, trong các nhóm tội về tham nhũng, xử nặng không phải là “liều thuốc đặc trị” mà vấn đề không kém phần quan trọng là thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng gây ra. Nếu người phạm tội tham nhũng tự nguyện nộp lại tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt.
Thu hẹp phạm vi xử lý hình sự với tội kinh tế
Với BLHS (sửa đổi năm 2009) thì chính sách xử lý đối với nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã có sự chuyển biến khá căn bản tuy nhiên điều kiện xã hội thay đổi, nhất là sự phát triển của kinh tế xã hội đã khiến nhiều tội danh quy định trong chương này không còn phù hợp.
Theo quy định tại BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì phần lớn những tội thuộc chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đều có qui định hình phạt tiền là hình phạt chính. Tuy nhiên, tại chương này, quy định hình phạt tù vẫn là phổ biến, chiếm 100% các điều luật (35/35 điều luật). Hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính độc lập thì chưa được qui định ở một điều luật nào. |
Ts. Trần Mạnh Đạt (Bộ Tư pháp) cho rằng: Đối với một số dạng vi phạm cụ thể về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thì cần loại bỏ, không cần xử lý bằng biện pháp hình sự mà cần thay thế bằng các biện pháp pháp lý khác vừa phù hợp, vừa hiệu quả hơn (phi tội phạm hoá).
Cụ thể, theo ông Đạt cần thu hẹp phạm vi xử lý hình sự trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (một số tội danh cần được thu hẹp như kinh doanh trái phép, buôn lậu, đầu cơ..)
Với lập luận “việc xử lý nghiêm, không có nghĩa là phải qui định phạt nặng” ông Đạt đề xuất, “Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cần mở rộng phạm vi qui định hình phạt tiền hơn nữa. Đặc biệt, cần nghiên cứu để có thể qui định hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính duy nhất đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ít nghiêm trọng. Trước mắt đối với các tội như Tội kinh doanh trái phép, Tội trốn thuế, Tội cho vay lãi nặng...
Đối với hình phạt tiền là hình phạt bổ sung cũng nên qui định độc lập phổ biến hơn đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng. Với trường hợp phải qui định hình phạt tù thì cần nghiên cứu theo hướng qui định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung bắt buộc đối với một số tội nhất định”.
Ủng hộ cao “tính hướng thiện” trong định hướng xây dựng BLHS, PGS.TS Trần Văn Độ- Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương- trong một cuộc hội thảo về BLHS đã đặt câu hỏi “vì sao những nước có hình phạt nhẹ nhất lại là nước có tội phạm ít nhất”. Dẫn các quy định của Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”, ông Độ khẳng định “cần giảm hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù, đặc biệt là hình phạt tiền mang tính kinh tế , chủ yếu không phải để trừng trị mà giáo dục người phạm tội trở thành người có ích”.
Thu Hằng