Ảnh minh họa |
Không phải tín hiệu mừng
Theo số liệu công bố, mức nhập siêu tháng 8 ước tính đạt 800 triệu USD, 8 tháng ước 6,2 tỷ USD, tương đương 10,2% kim ngạch xuất khẩu. Nếu loại trừ xuất nhập khẩu vàng và các sản phẩm vàng, nhập siêu phải tới 7,96 tỷ USD, tương đương 13,6 % kim ngạch xuất khẩu.
Nếu so với cùng kỳ năm 2010, 8 tháng đầu năm 2010, nhập siêu ước đạt 8,15 tỷ USD, tương đương 18,3% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính xuất khẩu vàng thì nhập siêu 8 tháng 2010 vào khoảng 9,8 tỷ USD chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu (trong khi chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cho cả năm là không quá 20%).
Xem ra việc “chảy máu vàng” không phải hịện tượng của năm nay và càng trở thành vấn đề “nóng” khi khối lượng vàng giá thấp được DN xuất không nhỏ trong khi Nhà nước phải nhập về với giá cao để ổn định thị trường.
Trong tháng 7, cũng do vàng xuất khẩu mạnh khiến tháng 7 trở thành tháng xuất siêu tới 1,1 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu vàng trong tháng 7 là 800 triệu USD. Theo Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, do xuất khẩu vàng cao hơn dự đoán nên tổng kim ngạch xuất khẩu thực tế tháng 7 là 9,3 tỷ USD, tăng 923 triệu USD so với con số 8,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và con số nhập siêu 200 triệu USD trong báo cáo ước tính của Tổng cục Thống kê trước đó. “Tuy nhiên đây không hoàn toàn là tín hiệu mừng cho hoạt động xuất nhập khẩu khi vàng xuất khẩu tăng đột biến”, bà Lê Thị Minh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ lưu ý.
Nhận định của Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cũng cho rằng: Thực tế biến động của thị trường vàng thế giới và trong nước cho thấy kết quả thua thiệt của hoạt động tái xuất vàng khi hiện tại giá vàng thế giới và trong nước lên cao trong khi Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu vàng trong tháng 8.
Cán cân thương mại bấp bênh
Cho dù đã có một tháng xuất siêu và sang tháng 8 tỷ lệ nhập siêu đã thấp, và tốc độ xuất khẩu vẫn cao hơn nhập khẩu nhưng cán cân thương mại vẫn đầy bấp bênh.
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 8,3 tỷ USD giảm 11% (1 tỷ USD) so với tháng 7, do xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 915 triệu USD, và giá dầu thô giảm nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước giảm 96 triệu USD. Ngoài ra, khối lượng và kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu khác như cà phê, gạo, than đá cũng giảm hơn so với tháng trước. Đáng lưu ý là con số xuất khẩu này đã được trợ lực bởi yếu tố tăng giá của một số mặt hàng. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2010, giá hạt tiêu tăng 67,7%, cao su tăng 57,2%, cà phê 53,9%, hạt điều 47,7%, dầu thô 44,9% …
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước tính đạt 9,1 tỷ USD tăng 11% (879 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng. Trong đó các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao: cao su tăng 103%, xăng dầu tăng 77%; sợi dệt tăng 39%. Lượng nhập khẩu tăng cao trong khi xu thế lạm phát trên thế giới vẫn còn lớn sẽ là áp lực lên kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam và cán cân thương mại.
“Xét về tỷ lệ thâm hụt thương mại, nhập siêu giảm nhưng về giá trị vẫn cao. Xuất khẩu tăng do tăng xuất khẩu vàng và giá hàng hóa. Tỷ lệ nhập siêu/GDP vẫn vào khoảng 14%. Như vậy chưa có dấu hiệu cải thiện bền vững. Bên cạnh đó, dù lạm phát không đến mức báo động như năm 2008, nhưng nhiều khả năng khó giữ ở mức 17%. Lạm phát cộng với mức thâm hụt thương mại sẽ càng làm gi tăng áp lực lên tỷ giá nên không thể lơ là với câu chuyện kiểm soát xuất – nhập khẩu”, TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý…
Linh Lan