Kết quả vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng cho cả nước hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017 và là động lực quan trọng cho việc thực hiện thành công mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020.
Hoàn thiện khung khổ văn bản pháp lý tạo nên kết quả nổi bật
Chiều 28/2, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đã họp để đánh giá về các kết quả trên và đặt ra mục tiêu tiếp theo của năm 2018, tiến tới thực hiện thành công mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020. Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các bộ là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương quán triệt phương châm: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả hơn, hạn chế dàn trải, trùng lắp. Từ đó, đem lại hiệu quả thiết thực cho việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nâng cao đời sống người dân, cải thiện tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương.
Trước đây, khi thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và về giảm nghèo bền vững, đa số các ý kiến đều rất lưu ý đến vấn đề này. Nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng “càng nỗ lực giảm nghèo càng nghèo”, thậm chí có nơi có hiện tượng “không muốn/sợ thoát nghèo” để hưởng các chính sách hỗ trợ, là do chính sách giảm nghèo còn quá dàn trải, nhiều đầu mối dẫn tới kém hiệu quả, nhiều chính sách hỗ trợ theo kiểu “cho không” khiến cho người nghèo ỷ lại.
Do đó, điểm đáng chú ý là 2 Chương trình mục tiêu quốc gia này là chú trọng đến những giải pháp sát với thực tế và đảm bảo giảm nghèo bền vững khi phát huy sự chủ động trong nỗ lực và khát vọng “thoát nghèo” của người dân, của địa phương, xóa bỏ tình trạng ỷ lại, chờ chính sách hỗ trợ từ TƯ.
Cùng với đó, việc hoàn thiện khung khổ văn bản pháp lý cho cả giai đoạn 2016-2020 với bộ tiêu chí mới về nông thôn mới, tiếp cận đa chiều về giảm nghèo bền vững và theo kế hoạch đầu tư công trung hạn; bộ máy chỉ đạo điều hành hoàn thiện, thông suốt từ Trung ương tới địa phương; nhiều cách làm mới, mô hình hay gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững... đã tạo nên kết quả nổi bật cho công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2017 như đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo 2 chương trình.
Tuy nhiên, quá trình giảm nghèo vẫn chưa tránh được những hạn chế nhất định. Có thể kể đến như tổng nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, manh mún nên chưa phát huy được sức mạnh chung, bên cạnh đó hạn mức cho vay vốn còn thấp, chưa linh hoạt, việc cho vay sản xuất kinh doanh chưa gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, dẫn tới chưa phù hợp, chưa phát huy được hiệu quả…
Đặc biệt, cho đến nay, vẫn còn chính sách giảm nghèo chưa phân hóa địa bàn đối tượng, một số chính sách mang tính chất cho không gây tâm lý ỷ lại khiến số hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao…
Chính sách hỗ trợ cần phải tạo động lực thoát nghèo
Vì vậy, để thoát nghèo bền vững thì chính sách hỗ trợ cần phải có điều kiện để người hưởng có động lực thoát nghèo. “Phải kiên quyết cắt bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo khi hộ nghèo và người nghèo không chấp hành các điều kiện nhà nước nêu ra và không có ý thức thoát nghèo. Để đạt được điều này cử tri đề nghị chính phủ cần xem xét kỹ các điều kiện đặt ra với người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành khi hưởng chính sách giảm nghèo trong điều kiện nhất định, khắc phục tình trạng chính sách giảm nghèo manh mún như hiện nay”, bà Ngô Thị Minh (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 39-40% số xã (khoảng 3.530 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5-6% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã. Tiếp tục phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung trước hết vào cải thiện tiêu chí thu nhập gắn liền với tổ chức sản xuất, thúc đẩy sản xuất; thứ 2 là chỉ tiêu môi trường, thứ 3 là giữ gìn văn hoá, xã hội với đặc thù từng vùng miền. Phấn đấu tới năm 2020 cả nước có 15.000 HTX nông nghiệp. “Đây không phải chỉ là chỉ tiêu mà là bản chất sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm đặc biệt”, ông Cường nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị cần làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm cho chương trình giảm nghèo bền vững khi nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn. “5 tỉnh có mức giải ngân 40%, thì các địa phương làm rõ hơn để khắc phục”.
Xuất phát từ kết quả của năm 2017 và mục tiêu của năm 2018 trong 2 Chương trình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Với khung khổ pháp lý chung mà Chính phủ ban hành thì bài học chủ động rất quan trọng đối với thực tiễn sinh động và với nhân dân, các địa phương, đồng thời đặt lên trên hết là tính hiệu quả trong thực hiện, đầu tư”.
Hiện nay Thủ tướng và Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi các Nghị định về đầu tư công, trong đó có các vướng mắc về cắt giảm thủ tục đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, tăng tổng mức uỷ quyền đầu tư của một dự án từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng; phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm năm 2018 không phát sinh các khoản này...
Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương tập trung thực hiện Chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị, làm tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của 2 chương trình này tới toàn xã hội, để thu hút sự tham gia và nguồn lực của các tổ chức, người dân trong và ngoài nước cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đề nghị các bộ tiếp tục hoàn thiện khung khổ thể chế, trong đó đôn đốc để sớm ký văn bản liên quan đến xác định huyện nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được ban hành với mục tiêu tổng quát là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020...
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 nhằm xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
Một số chỉ tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020:
Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20%-30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn;
Từ 60%-70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 80% - 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới;
75% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;
90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước…;
Một số chỉ tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020:
- Đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28,0%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%); Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;
- Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 13,8; Đồng bằng sông Hồng: 18,0; Bắc Trung Bộ: 16,5; Duyên hải Nam Trung Bộ: 16,5; Tây Nguyên: 15,2; Đông Nam Bộ: 17,5; Đồng bằng sông Cửu Long: 16,6); cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí;
- Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã;
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.