Theo đánh giá, HTXDVNN Tân Cường luôn “thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” là đơn vị đầu tiên của tỉnh chuyển đổi mô hình theo Luật hợp tác xã năm 2012 và gương mẫu chấp hành tốt pháp luật về Thuế nhà nước hằng năm … Và người lái con tàu HTX đó chính là ông Nguyễn Văn Trãi (Hai Trãi). Người dân quanh vùng thường gọi ông Hai Trãi bằng danh xưng thật thân thương và trìu mến là “ông Giám đốc tài năng của nông dân”!
Gian nan thành lập HTX
Tôi đã nhiều lần được trò chuyện với anh Hai Trãi và được nghe anh kể về quãng đời lập thân, lập nghiệp của mình… Quê anh ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Năm 1975, anh tình nguyện nhập ngũ vào quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Cam-pu-chia.
Đến năm 1982, anh được xuất ngũ trở về quê nhà ở huyện Vĩnh Hưng và bắt tay vào “cuộc chiến” mới, đó là cải tạo đồng đất nhiễm phèn của vùng Đồng Tháp Mười. Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh đã tích lũy được lưng vốn và kinh nghiệm làm ăn nên quyết định dắt dìu vợ con đến xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để sinh cơ, lập nghiệp!
Đến miền quê mới, anh Trãi vừa mua vài công đất ruộng để có nơi “cắm dùi” và canh tác lúa, vừa ra sức khai khẩn đất hoang để tăng gia sản xuất và làm giàu chính đáng. Nhờ chịu khó “một nắng hai sương”, giỏi tính toán trong làm ăn và biết tích lũy vốn liếng…, đến nay, gia đình anh đã sở hữu hàng chục hc-ta đất ruộng, cùng nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống…
Anh Trãi cho biết: Cuộc sống của gia đình anh bắt đầu sang một trang mới từ khi anh cùng với bà con nông dân đóng góp công sức, tiền của thành lập HTX nông nghiệp và anh được UBND xã Phú Cường cử đi học Luật HTX, rồi được bà con tín nhiệm chỉ định đứng ra làm Chủ nhiệm HTXDVNN Tân Cường!
HTXDVNN Tân Cường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 trên cơ sở một tập đoàn sản xuất của huyện. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 255 triệu đồng, trong khi 200 xã viên chỉ góp vốn có 31 triệu đồng. Để có đủ vốn điều lệ hoạt động trong những ngày đầu mới thành lập, 6 thành viên trong Ban quản trị HTX phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để vay vốn ngân hàng.
Tiếp chuyện tôi, cựu binh Trãi bồi hồi nhớ lại: “Mặc dù HTXDVNN Tân Cường ra đời trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dư âm trong tiềm thức của nông dân về hàng loạt HTX tín dụng bị đổ bể trước đây, nhưng chúng tôi vẫn đặt quyết tâm xây dựng bằng được HTX kiểu mới.
Với tinh thần đoàn kết nội bộ, cộng với việc chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của UBND huyện Tam Nông và xã Phú Cường, cùng sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, nên hoạt động của HTXDVNN Tân Cường đã có những bước tiến tích cực, hòa nhập nhanh với nền kinh tế thị trường, tổ chức tốt các hoạt động sản xuất-kinh doanh”.
Hơn 15 năm hoạt động, dưới tài điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của người Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trãi, HTXDVNN Tân Cường đã gặt hái được những thành công nổi bật, được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp nằm trong tốp đầu của tỉnh Đồng Tháp, nhất là về các khâu làm dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tăng giá trị lợi nhuận, thu nhập cho nông dân...
Anh Nguyễn Văn Trãi chia sẻ: “Năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã chọn HTXDVNN Tân Cường để thực hiện cánh đồng hiện đại, với 430ha. Sau khi thực hiện thắng lợi, diện tích sản xuất lúa Jasmine 85 giống nguyên chủng mang lại lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha; năm 2010, sở tiếp tục chọn HTX để thực hiện cánh đồng hiện đại, với 860ha và tiếp tục thắng lợi, mang lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha…”
Qua 2 năm thực hiện, cánh đồng hiện đại ở HTXDVNN Tân Cường, giá trị tăng thêm cho HTX khoảng 2,5 tỷ đồng; từ đó, đông đảo xã viên đồng tình hưởng ứng bằng việc đầu tư vốn trang ủi bằng mặt ruộng, bồi hoàn cho những hộ có đất bị mất khi thi công cơ sở hạ tầng... Chủ nhiệm Hai Trãi bày tỏ:
“Tham gia cánh đồng liên kết đã giúp các xã viên không chỉ được đầu tư giống lúa tốt, cùng chủng loại, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà còn được hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức trong chăm sóc, phòng trị sâu bệnh hại lúa. Bà con thu hoạch đúng độ chín của lúa, gặt lúa bằng máy và sau thu hoạch được công ty thu mua với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm trong khu vực là 200 đồng/kg, hỗ trợ xã viên thực hiện đúng hợp đồng là 10 đồng/kg và trả thù lao 20 đồng/kg cho HTX quản lý, vận động tổ chức cho xã viên tham gia hợp đồng, nên có lợi nhuận cao, hiệu quả tốt”
Xứng danh “thuyền trưởng”:
Cuối tháng 10/2014, HTXDVNN Tân Cường đã chính thức tổ chức đại hội thành viên chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012 để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại. Theo đó, HTXDVNN Tân Cường sau chuyển đổi có 1.200ha đất canh tác lúa, với 356 hộ nông dân, vốn điều lệ là 42 tỷ 650 triệu đồng.
Dịch vụ ngành nghề từ 6 tăng lên hơn 10 dịch vụ, gồm: Dịch vụ nước sạch nông thôn, tín dụng nội bộ và các khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chăm sóc thu hoạch đến tiêu thụ, tạm trữ lúa và xay xát chế biến gạo… HTXDVNN Tân Cường còn thành lập Xí nghiệp Chế biến lúa gạo, hạch toán độc lập theo Luật HTX năm 2012.
Xí nghiệp có vốn hoạt động gần 42 tỷ đồng, thực hiện bao tiêu, tạm trữ lúa và chế biến, tiêu thụ gạo cho toàn bộ sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm của HTX và các diện tích khác trên địa bàn xã Phú Cường, huyện Tam Nông. Hiện nay, tổng diện tích đất của HTX là gần 1.415ha, trong đó có 720ha canh tác lúa 3 vụ/năm, 694ha sản xuất lúa 2 vụ/năm.
HTX đã huy động góp vốn được 6,2 tỷ đồng và quyền sử dụng đất hơn 511.707m2. Cơ sở vật chất của HTX hiện có 10 trạm bơm điện, bảo đảm phục vụ nước tưới tiêu cho hơn 1.414ha lúa; hệ thống trạm cấp nước sạch phục vụ hơn 1.600 hộ dân… HTX còn từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân
Với sự nhạy bén, linh hoạt, tài năng trong lèo lái đúng hướng của “thuyền trưởng” - Giám đốc Nguyễn Văn Trãi, nhiều năm qua, “con tàu” HTX kiểu mới mang tên Tân Cường hoạt động rất hiệu quả, lãi chia theo cổ phần năm sau luôn cao hơn năm trước; mỗi lao động có thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, trong 4 năm gần đây, HTXDVNN Tân Cường đã phát hiện và mở rộng được hơn 20ha đất canh tác lúa tím than và tổ chức xay xát, đóng gói thành phẩm gạo tím than mang thương hiệu: “Gạo tím than Tân Cường”. Đây là giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 85 ngày), hạt lúa và gạo đều màu tím than.
Giống lúa này rất dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh cao và cho năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha; đặc biệt, gạo rất giàu chất dinh dưỡng. Nhiều đối tác từ Nhật Bản, Hoa Kỳ đã đến tham quan và đặt vấn đề thu mua với HTX. Thị trường tiêu thụ của loại gạo này hiện tại chủ yếu ở các tỉnh lân cận và Thành phố Hồ Chí Minh, với giá bình quân 30.000 đồng/kg gạo đã đóng gói, nên HTX đang cải tiến mẫu mã bao bì để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng.
Anh Trãi bày tỏ: Sau khi sản phẩm được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, HTX tích cực thăm dò, tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm và mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc, mở rộng diện tích và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để cung ứng sản phẩm gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu…
Đổi mới sản xuất với thương hiệu gạo sạch!
Vụ hè thu năm 2016, HTXDVNN Tân Cường bắt đầu dành 10ha đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm gạo sạch. Hai loại giống lúa chủ lực được HTX chọn là RVT và Thiên Ưu 8. Đây là hai loại giống lúa mới được áp dụng gieo trồng lần đầu tại HTX. Quá trình canh tác được áp dụng theo quy trình VietGAP từ khâu trang phẳng mặt ruộng bằng tia la-de, đến khâu sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Sau thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 6,5 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất hơn 2 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận cho bà con hơn 13 triệu đồng/ha. Hầu hết các thành viên HTX đều phấn khởi và cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm không phải khó thực hiện.
Ông Trần Văn Hướng, thành viên HTXDVNN Tân Cường- là một trong những người thực hiện mô hình này, chia sẻ: “Lúc đầu tham gia mô hình này tôi lo ngại lắm, nhưng khi thực hiện thấy không có khó khăn gì, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, lúa phát triển rất tốt, khi xay xát, gạo đạt chất lượng hơn, ngon hơn, sạch và an toàn hơn, bởi không có dư lượng thuốc trừ sâu…”
Sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đã thành công bước đầu. HTXDVNN Tân Cường sẽ triển khai, nhân rộng lên 20ha trồng 2 loại giống lúa trên và xây dựng thêm một nhà máy xay xát, chế biến gạo riêng đạt chuẩn HACCP, đặt cạnh cánh đồng lúa sạch để thuận tiện cho việc chế biến, đóng bao bì, với nhiều chủng loại sản phẩm gạo sạch có thương hiệu độc quyền, như: “Gạo Hoa Sen”, “Gạo Hương Sen”, “Gạo Đài Sen”… Giám đốc Trãi cho biết:
“Tất cả sản phẩm gạo của HTXDVNN Tân Cường đều được bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng; người sản xuất cũng bảo đảm sức khỏe; vệ sinh môi trường đồng ruộng được tốt hơn. Chúng tôi cũng cam kết bước đầu thu mua lúa sạch của bà con cao hơn thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg để từng bước xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của HTX và nâng cao giá trị hạt gạo”.
Không chỉ điều khiển con thuyền HTX đi đúng hướng mà giám đốc Nguyễn Văn Trãi rất quan tâm đến việc chấp hành các chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, ông hai Trãi đều tiên phong thực hiện nghiêm việc kê khai thuế và trích nộp các khoản thuế đầy đủ, kịp thời và đúng luật định.
Ông Nguyễn Chí Trung - Phó Trưởng Chi Cục Thuế Nhà nước huyện Tam Nông cho biết: “Chi Cục Thuế huyện Tam Nông hiện đang quản lý thuế trên địa bàn là 154 doanh nghiệp; trong đó, có 38 Hợp tác xã. Tất cả các đơn vị đều kê khai, nộp thuế trong những năm qua và trong quý 1/2017 rất tốt. Đặc biệt là việc thực hiện Chủ trương của Chính phủ là kê khai nộp thuế điện tử đạt 100%. Nổi bật là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường do ông Nguyễn Văn Trãi làm Giám đốc thực hiện rất tốt chính sách thuế của Nhà nước.
Cụ thể là kê khai thuế và nộp thuế đúng quy định, đúng thời gian, đảm bảo các loại thuế phát sinh đều nộp vào ngân sách đúng thời gian, đúng luật định… Chi Cục Thuế huyện Tam Nông hằng năm đều biểu dương, khen thưởng HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường và ông Nguyễn Văn Trãi làm Giám đốc HTX. Đồng thời, đề nghị về Bộ Tài chính, UBND và Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp khen thưởng kịp thời”.
Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, HTXDVNN Tân Cường và Giám đốc Nguyễn Văn Trãi đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và chính quyền tỉnh, huyện, xã... Mới đây, anh được UBND tỉnh Đồng Tháp đề cử là 1 trong 5 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.
Tuy nhiên, anh lại rất khiêm tốn bộc bạch: “Tôi chỉ làm với lương tâm, trách nhiệm và mong muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình trong tiến trình phát triển mô hình kinh tế hợp tác và HTX của địa phương, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân, cũng chính là thực hiện chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới”...