Theo cáo buộc, Hoàng Văn Xưởng (SN 1971) và vợ là Đinh Thị Minh Hoa (Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân) đã cấu kết với các bị cáo khác, thực hiện hành vi gian dối trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu rượu, bia, kê khai làm thủ tục hải quan, làm giả chứng từ giao dịch, chuyển tiền… để hợp thức hồ sơ xuất khẩu đối với bia, rượu tiêu thụ trong nước. Từ tháng 11/2008 đến tháng 2/2012, các bị cáo đã tiêu thụ trong nước 48.330 thùng rượu Vodka các loại và 22.255 thùng bia lon Hà Nội để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng tiền thuế.
Trong vụ án này, bị cáo Hồ Văn Hải (nguyên Giám đốc Cty Halico) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan công tố cho rằng bị cáo Hải tuy biết Cty Hoàng Lân tiêu thụ rượu xuất khẩu ở trong nước nhưng vì mục đích tư lợi nên vẫn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Cty này mua rượu xuất khẩu để tiêu thụ trong nước nhằm trốn thuế, được hưởng lợi bất chính 300 triệu đồng.
Các bị cáo bị truy tố về tội “Trốn thuế” gồm Hoàng Văn Xưởng; Định Thị Minh Hoa; Nguyễn Thị Thủy (nhân viên Agribank); Nguyễn Thị Quỳnh Trang (chuyên viên Phòng phát triển thị thường Halico). Đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên Cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội), Kiểm sát viên khi phát biểu quan điểm tại phiên tòa đã có ý kiến đề nghị chuyển tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thành tội “Trốn thuế”.
Trong vụ án này, anh Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Phó phòng Phòng Phát triển thị trường của Halico) và bị cáo Trang bị CQĐT kết luận là đã bàn bạc, thống nhất với bị cáo Xưởng trong vụ trốn thuế này. Tiến được hưởng 22.000 đồng/thùng rượu và chịu trách nhiệm với các phòng, ban của Halilo để giải quyết vướng mắc. Tuy nhiên, CQĐT đã “đình chỉ điều tra” (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự) với anh Tiến về tội “Trốn thuế”.
Tại rất nhiều phiên tòa, bị cáo Hải và luật sư bào chữa đều cho rằng việc “miễn truy cứu” đối với anh Tiến là “lọt tội” vì anh này là người trực tiếp bàn bạc thực hiện việc trốn thuế với Cty Hoàng Lân và được hưởng lợi cả tỷ đồng trong vụ việc này. Khẳng định lời khai của anh Tiến có nhiều mâu thuẫn nhằm đổ hết tội lỗi cho mình, bị cáo Hải nhiều lần đề nghị anh Tiến phải có mặt tại phiên tòa để đối chất, làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các phiên tòa trước thì tại phiên tòa hôm qua, anh Tiến vẫn vắng mặt. Theo HĐXX thì anh Tiến đã có đơn xin xét xử vắng mặt do “chuẩn bị phẫu thuật”.
Không thỏa thuận ăn chia, vẫn bị coi “vụ lợi”
Tại phiên tòa cuối năm 2016, anh Tiến (với tư cách là nhân chứng) đã có lời khai khẳng định rõ không hề bàn bạc ăn chia với bị cáo Hải về việc để Cty Hoàng Lân tiêu thụ rượu xuất khẩu ở trong nước. Việc Halico bán rượu cho Cty Hoàng Lân vào tháng 11/2010 sau khi có cuộc họp của lãnh đạo công ty và lãnh đạo một số phòng, ban nhằm đưa ra một số giải pháp nhằm chống gian lận bán rượu trong nước.
Tại phiên tòa hôm qua, bị cáo Xưởng thừa nhận đã đưa 200 triệu cho bị cáo Hải nhưng cho biết: thời điểm đó, mẹ anh Hải và bố bị cáo đều nằm Bệnh viện Bạch Mai. Bị cáo buôn bán được thì biếu tiền chứ không hề có thỏa thuận ăn chia từ trước, không phải tiền trốn thuế. Bị cáo Hải cũng không hề đòi hỏi, không ra điều kiện phải có tiền mới ký hợp đồng bán rượu của Cty Hoàng Lân.
Bị cáo Trang cũng khai bị cáo không hề báo cáo, bàn bạc với bị cáo Hải về việc bán rượu cho Cty Hoàng Lân để tiêu thụ trong nước. Bị cáo Xưởng nhờ đưa 100 triệu cho bị cáo Hải thì cũng chỉ nói là “do làm ăn được” chứ không phải là tiền ăn chia.
Trả lời trước Tòa, đại diện Cty Halico cũng khẳng định, việc Cty xem xét và ký hợp đồng bán rượu cho Cty Hoàng Lân là đúng quy trình.
Cùng quan điểm này, bị cáo Hải cho rằng việc ký hợp đồng bán rượu cho Cty Hoàng Lân vào tháng 10/2010 là đúng quy trình, thủ tục được làm từ Phòng Phát triển thị trường rồi mới chuyển lên Giám đốc ký. Việc quyết định bán rượu cho Cty Hoàng Lân là ý kiến tập thể, được thực hiện sau khi có cuộc họp thống nhất ý kiến của lãnh đạo Cty và Phòng Phát triển thị trường về việc thực hiện bổ sung các biện pháp kiểm soát hàng hóa (in ký hiệu trên nắp chai, bao bì phân biệt...).
Khẳng định sự vô can của mình, bị cáo Hải cho rằng mình không hề chỉ đạo gì trong vụ việc này. Ngoài ra, bị cáo còn yêu cầu Cty Hoàng Lân làm cam kết và phải đặt cọc khoản tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Khi nào Cty xuất trình đầy đủ hồ sơ mới được hoàn lại tiền đặt cọc. Các hồ sơ này do cơ quan thuế, hải quan chịu trách nhiệm về tính xác thực chứ Giám đốc không chịu trách nhiệm về việc này.
Cùng quan điểm này, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hải cũng cho rằng bị cáo Hải không phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, tranh luận với các luật sư, Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị xử phạt bị cáo Hải 7-8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Dự kiến ngày 8/5 HĐXX sẽ tuyên án.
Phát biểu quan điểm bào chữa, Luật sư Dương Quang Hà (VPLS Đồng Bào Việt) bào chữa cho bị cáo Hồ Văn Hải cho rằng, trong toàn bộ hồ sơ và tại phiên tòa, không có một chứng cứ nào chứng tỏ bị cáo Hải biết Cty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu trong nước nhưng vẫn dung túng, bao che vì tư lợi. Chính lời khai của các bị cáo và nhân chứng tại phiên tòa đều khẳng định bị cáo Hải không chỉ đạo thực hiện bán rượu xuất khẩu ở trong nước, không yêu cầu chia lợi nhuận…
Đối với lô hàng bán cho Doanh nghiệp Lê Thị Hải bên Lào vào tháng 9/2012 nhưng bên trong container không có hàng thì trách nhiệm cũng không thuộc về bị cáo Hải. Sai sót này ở quá trình thực hiện thuộc bộ phận nào thì bộ phận đó phải chịu trách nhiệm chứ không liên quan đến bị cáo Hải vì bị cáo Hải không phải là thủ kho, không phải là người giao hàng…
Doanh nghiệp Lê Thị Hải đã xuất trình tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của mình. Quy trình xuất khẩu, hồ sơ xuất khẩu rượu sang Lào được Halico thực hiện đúng quy trình và không có câu chữ, tài liệu nào liên quan đến Cty Hoàng Lân. Do vậy, nói bị cáo Hải cho Cty Hoàng Lân mượn tư cách pháp nhân để xuất “khống” rượu sang Lào là không có căn cứ.