Trắng đêm bế con tìm nơi giám định
Ngày 14/4/2019, chị T có công việc nên bảo con gái lớn ra đầu đường trông hàng, để lại con gái nhỏ là bé N 5 tuổi trong phòng trọ. Lợi dụng người lớn vắng nhà, bé N đã bị ông hàng xóm xâm hại khiến vùng kín bị sưng đỏ. Về thấy con như vậy, chị T uất ức đi trình báo và quyết đi tìm công lý cho con, đưa kẻ có hành vi xấu ra trước pháp luật.
“Trước tôi đọc báo về mấy vụ việc này, nên biết phải đưa con đi giám định. Nếu tắm sẽ mất dấu vết nên tôi ôm con lên công an phường trình báo. Sau khi lấy lời khai, Công an phường 14 quận Tân Bình bảo tôi đưa bé sang Bệnh viện Việt Đức để khám cho bé. Bệnh viện này không khám cho trẻ em nên giới thiệu tôi sang Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại đây, khi nghe bé kể chuyện và biết đầu đuôi sự việc, bác sĩ đã giới thiệu cháu qua Trung tâm pháp y. Tầm 21h30 tôi tới nơi, thì ở đây hướng dẫn tôi về Công an quận Tân Bình, cụ thể là Đội điều tra Tổng hợp, công an sẽ trực tiếp đưa mẹ con tôi đi lên giám định”.
“Nhưng khi về tới quận, thì cán bộ ở đây bảo phải về phường, rồi đợi phường nộp hồ sơ lên, chứ quận không làm trực tiếp. Công an phường lại hướng dẫn tôi ra Bệnh viện Tân Bình. Lúc đó khuya lắm rồi, bệnh viện nói giờ đó chỉ cấp cứu thôi, không khám bệnh.
Hai mẹ con lại tiếp tục lên Bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện nói là ở đây không chữa trị cho em bé, tôi quay trở lại công an phường lần nữa. Sáng hôm sau, Công an quận Tân Bình đưa mẹ con tôi đi giám định”, chị T trình bày.
Chị T mong pháp luật xử đúng người, đúng tội để răn đe những đối tượng có suy nghĩ lệch lạc, để không một đứa trẻ nào phải chịu cảnh tương tự. Người mẹ này sau đó đã đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM để tìm sự giúp đỡ.
“Lỗ hổng” pháp lý
Câu chuyện của chị T suốt đêm bế con gõ cửa công an, bệnh viện mong được giám định cho con đã được bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhắc đến tại cuộc họp “Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức giữa tháng 4 vừa qua.
Từ thực tế đó, bà Hà đề nghị: “Hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính có quy trình 1 cửa, đặc biệt đối với tội xâm phạm tình dục trẻ em cần tính đến một cơ quan đầu mối hỗ trợ nạn nhân và gia đình một cách có hiệu quả để thuận tiện, dễ dàng vượt qua được khủng hoảng”. Bà Hà cũng dẫn chứng hình thức trung tâm 1 cửa tại Thái Lan và mô hình 1 điểm dừng tại Hàn Quốc.
Về vấn đề này, trả lời báo chí Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định thêm, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ điều tra.
Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em là loại đặc biệt, phải thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. “Pháp luật hiện cũng chưa có cơ chế để công nhận kết quả giám định pháp y đối với trường hợp xâm hại tình dục theo yêu cầu của gia đình bị hại vì vậy cần bổ sung quy định này”, ông Sơn nói.
Ở góc độ pháp luật, theo Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Nguyễn Đức Nhự, Luật Giám định tư pháp quy định nếu người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
“Như vậy có thể hiểu nếu gia đình đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho các cháu đi giám định mà không được đi giám định ngay thì phải đợi sau 7 ngày khi nhận được thông báo từ chối mới có thể có quyền tự mình yêu cầu giám định. Như vậy là quá lâu đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần đi giám định ngay.
Do đó, chúng tôi đề nghị đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần có cơ chế cho phép đương sự tự yêu cầu giám định từ giai đoạn tiền tố tụng (thực tế đối với các trường hợp khác như xét nghiệm ADN thì các cơ quan tố tụng có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm trước đó như là giám định tiền tố tụng; còn đối với những trường hợp bị xâm hại tình dục thì phần lớn do gia đình không biết để đề nghị cơ quan công an cho đi giám định sớm, nếu họ tự đi giám định trước thì theo luật lại vướng như đã nói trên). Khi cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định đó để giải quyết vụ án thì sẽ trở thành kết quả giám định tư pháp” – ông Nhự phân tích.