[links()]Người dân bức xúc về tiền nước tăng, đồng hồ nước có vấn đề, cách giải quyết khiếu nại của đơn vị cung cấp nước sạch…, có thể giải tỏa được cơn giận nếu biết những quy định về sử dụng nước để bảo vệ quyền lợi của mình.
Hình minh họa |
Không ít trường hợp người dân khi mua nhà chỉ chăm chăm vào việc sang tên nhà đất mà không màng tới thủ tục “chính chủ” các hợp đồng điện, nước, vô tình cắt mất quyền lợi của mình. Theo các đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội, lâu nay, số lượng yêu cầu thay tên, đổi chủ hợp đồng nước hàng năm rất ít so với thực tế chuyển nhượng nhà đất.
“Có thể do giá nước rẻ nên người dân không quan tâm tới chuyện thay tên trên hợp đồng nước. Không “chính chủ” thì việc cấp nước cũng không bị ảnh hưởng nhưng khi có tranh chấp, khiếu nại nào xảy ra thì chính người đang sử dụng nước sẽ chịu thiệt thòi.
Giả sử, khi giải quyết việc cắt nước do vi phạm hợp đồng thì phải căn cứ theo chính chủ. Quyền lợi của người đang sử dụng nước bị ảnh hưởng khi theo quy định họ không có tư cách khiếu kiện”, ông Cao Hải Tháp, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco cho hay.
Thủ tục hết sức đơn giản, người dân làm đơn xin đổi tên trên hóa đơn tiền nước có xác nhận của UBND phường sở tại. Ngoài ra, kèm theo hộ khẩu, sổ đỏ phô tô có công chứng tại địa chỉ xin chuyển đổi; hợp đồng và hóa đơn thanh toán tiền nước tháng gần nhất mang tên chủ cũ; giấy ủy quyền hoặc xác nhận của chủ hợp đồng cũ cho phép sang tên hợp đồng.
Các giấy tờ trên gửi tới đơn vị kinh doanh nước sạch sở tại và ngay tháng tiếp theo hóa đơn sẽ được chuyển sang tên chính chủ.
“Đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nước. Nhiều người cho rằng đơn vị cấp nước sạch bắt bẻ nhưng theo quy định thì pháp luật bảo vệ những ai có đứng tên hợp pháp trên tài sản của mình. Đơn vị cấp nước không thể nắm được người dân mua nhà, chuyển về ở lúc nào nên bao giờ cũng căn cứ vào hợp đồng để giải quyết mọi phát sinh, vướng mắc”, phía Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết.
Cũng theo các đơn vị cung cấp nước sạch thì khi thấy hóa đơn nước “nhảy vọt” bất thường, người sử dụng cần đề nghị với đơn vị cung cấp nước kiểm định lại đồng hồ nước. “Công ty sẽ kiểm tra bằng máy xem đồng hồ có chạy đúng không.
Thiết bị đo của công ty bao giờ cũng phải được Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng cấp, có chức năng kiểm định. Nếu kết quả chạy sai thì người dân không chịu chi phí kiểm định, được lắp miễn phí đồng hồ mới và hóa đơn nước sẽ được tính mức trung bình của những tháng trước đó; còn nếu chạy đúng thì chi phí kiểm định người dân phải chịu”, ông Cao Hải Tháp nói.
Tuy nhiên, thực tế không ít người dân không tin vào kết quả kiểm định của đơn vị cung cấp nước sạch, phản ứng gay gắt và cho rằng họ vừa đá bóng vừa thổi còi.
Theo một nhân viên kỹ thuật Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình thì nguyên nhân nước tăng vọt đa phần do lỗi của người dân nhưng vì lỗi không cố ý nên người dân ban đầu thường không nhận lỗi. Thường gặp nhất là hệ thống đường ống sau đồng hồ, trong nhà người dân bị hỏng.
“Trước đây, chỉ có ống kẽm nên người dân không có lựa chọn nào khác, bây giờ đã có loại ống đảm bảo hơn. Nhược điểm của loại ống kẽm là lâu ngày sẽ bị mọt, gãy, khiến nước chảy ngầm dưới đất cả tháng trời, tràn vào cống thoát nước nên người dân không hề hay biết. Có trường hợp cứ khăng khăng đồng hồ có vấn đề, kể cả khi kiểm định rồi họ vẫn không tin nhưng khi đào đường ống trong nhà thì hóa ra đường ống kẽm bị gãy, họ mới vui vẻ đóng tiền”, vị cán bộ kỹ thuật này cho biết.
Thanh Quý