Với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các DN và cộng đồng.
Còn về hòa giải, chính sách của Đảng và Nhà nước đã thực sự coi trọng phương thức này với Nghị quyết 49 năm 2005, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và liên quan mật thiết nhất, mới nhất là Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.
Các chính sách và Nghị định trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng hòa giải cũng như giải quyết được các bất cập hiện nay (hiệu lực kết quả hòa giải, Tòa án công nhận kết quả hòa giải), giảm tải công việc của Tòa án, tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Đặc biệt, Chỉ số Thực thi Hợp đồng của báo cáo môi trường kinh doanh gần đây của Ngân hàng Thế giới đưa ra thành tố mới, đáng chú ý là “ADR” (phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn như trọng tài, hòa giải…). Thành tố này đánh giá tính sẵn có của khung pháp lý phù hợp một quốc gia cho hoạt động ADR tại quốc gia đó. Các ADR được chính thức bổ sung là một thành tố để đo lường Chỉ số Thực thi Hợp đồng.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC - đây là trung tâm duy nhất được Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận và công bố Quy tắc hòa giải của VMC. Một thủ tục hòa giải điển hình bao gồm 4 bước: Bắt đầu hòa giải; Lựa chọn hòa giải viên; Tiến hành hòa giải và Chấm dứt thủ tục hòa giải. Quy tắc VMC quy định rất cụ thể rằng các bên có thể bắt đầu thủ tục hòa giải tại VMC nếu giữa các bên đã có một thỏa thuận hòa giải (Điều 3) và kể cả khi giữa các bên chưa có thỏa thuận hòa giải (Điều 4). Do hòa giải thương mại còn mới ở Việt Nam nên việc các bên khi có tranh chấp đã có sẵn một thỏa thuận hòa giải sẽ không nhiều và vì thế các trường hợp quy định tại Điều 4 sẽ xảy ra nhiều hơn.
Các hòa giải viên sẽ tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên theo Quy tắc VMC và pháp luật; tuy nhiên, cần nhấn mạnh, đây không phải là giai đoạn các bên tranh luận về việc ai đang đúng hay sai, theo điều khoản nào của pháp luật mà đây là giai đoạn mà các bên, cùng với sự hỗ trợ của hòa giải viên nhìn lại toàn bộ sự việc và tìm phương án tốt nhất cho cả hai. Kết quả tốt đẹp nhất của một thủ tục hòa giải sẽ là một biên bản kết quả hòa giải thành. Văn bản này sẽ có hiệu lực theo quy định của pháp luật dân sự và có thể được công nhận và cho thi hành theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Ngoài ra, hiện VIAC - VMC đang có cơ chế liên thông hòa giải trọng tài để đảm bảo các bên có thể cùng lúc tận dụng ưu điểm của cả hai hình thức giải quyết tranh chấp này.
Để có thể thấy rõ lợi ích của các ADR, đơn cử như đối với giải quyết tranh chấp bảo hiểm liên quan tới Tòa án hiện đa số kéo dài từ 3-5 năm. Thậm chí, có một số vụ việc, thời gian xử lý kéo dài đến 10 năm vẫn “quay đi sơ thẩm, về phúc thẩm”. Trong khi đó, giải quyết bằng con đường trọng tài là phương án cần xem xét lựa chọn bởi đa phần được giải quyết nhanh chóng.
Bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên của VIAC cho biết, thực tế số vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trong những năm gần đây kể từ năm 2011 đến nay gia tăng đáng kể tại VIAC, sự gia tăng các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận điều khoản xử lý tranh chấp tại VIAC cho thấy hoạt động của VIAC ngày càng hiệu quả, các phán quyết của VIAC đã phần nào thuyết phục được các DN bảo hiểm và bên được bảo hiểm gửi trọn niềm tin vào VIAC.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc xây dựng Đề án “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tố tụng theo hướng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản” (Mục II.3 Nghị quyết số 99/NQ-CP), Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cũng vừa có chuyến khảo sát việc thực thi pháp luật hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức hòa giải, trọng tài tại Đà Nẵng.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Vụ sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đánh giá thực trạng, các đề xuất, giải pháp về hoàn thiện thể chế, áp dụng pháp luật, cơ chế tài phán trong tranh chấp hợp đồng, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong thực hiện nhiệm vụ này.