Giải Nô-ben Văn học 2010: Người "khổng lồ" thứ hai của văn học Mỹ La-Tinh

Vậy là cuối cùng, nhà văn Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa (Mario Vargas Llosa), người mang hai quốc tịch Pê-ru và Tây Ban Nha, đã đoạt Giải Nô-ben Văn học năm 2010. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng ở Mỹ la-tinh, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết và tiểu luận.

Nhà văn Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa.
Nhà văn Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa.

Vậy là cuối cùng, nhà văn Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa (Mario Vargas Llosa), người mang hai quốc tịch Pê-ru và Tây Ban Nha, đã đoạt Giải Nô-ben Văn học năm 2010. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng ở Mỹ la-tinh, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết và tiểu luận.

Trước khi Giải Nô-ben Văn học năm 2010 được công bố chính thức, giới chuyên môn nhắc nhiều tới những ứng cử viên tên tuổi như Ko Un của Hàn Quốc; A-đô-nít (Adonis) của Xi-ri; Nơ-gu-ri Oa Thi-ông (Ngugi wa Thiong’o) của Kê-ni-a; Co-rơ-mác M.Ca-thy (Cormac McCarthy) của Mỹ... Đặc biệt, cây bút người Thụy Điển Tô-mát Tran-xtrô-mơ (Tomas Transtromer), được các nhà cái đánh giá là ứng viên sáng nhất. Cũng thời gian này, Đa-vít L.U-lin (David L.Ulin) - cây bút bình luận của tờ Thời báo Lốt An-giơ-lét lo ngại rằng, cứ như hai năm gần đây thì Nô-ben Văn học năm nay sẽ lại là một sai lầm đáng ngạc nhiên. Chẳng là, năm 2008, Viện Hàn lâm Thụy Điển tôn vinh tiểu thuyết gia người Pháp mà tác phẩm của ông "hầu như vắng mặt ở Mỹ". Năm ngoái, giải được trao cho nhà văn người Đức - tác giả của những cuốn sách cũng thuộc hạng ’hiếm có khó tìm’ trên thị trường sách của nhiều nền văn hóa lớn...

Là tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết, kịch, thơ và tiểu luận chính trị, trong đó có nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành những bộ phim xuất sắc, không biết Va-gát Lô-xa có phải là nhà văn sẽ lại gây tranh cãi sau khi giành Giải Nô-ben Văn học năm nay hay không? Chỉ biết rằng, tuy không được xếp trong số những ứng viên được kỳ vọng nhiều, nhưng hàng chục năm nay, nhà văn này vẫn luôn nằm trong danh sách những tác giả có cơ hội lọt vào mắt xanh của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Và, năm nay, giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh đã thuộc về Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa, nhà văn 74 tuổi, gốc Pê-ru.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa được tôn vinh bởi những trang viết “tái hiện các cấu trúc quyền lực và khả năng thể hiện những hình ảnh sắc nét về sự kháng cự, sự nổi loạn và thất bại của những con người cá nhân”. Rằng, "Ông ấy là cây bút lỗi lạc, là một trong những tác giả vĩ đại nhất trong cộng đồng các nước sử dụng tiếng Tây Ban Nha". Và, "Đó là một người kể chuyện và phát triển nghệ thuật kể chuyện một cách tuyệt vời. Mỗi tác phẩm văn học của ông đều có sức lay động con tim độc giả" - Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định.

Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa sinh ngày 28-3-1936 tại A-re-qui-pa (Arequipa), miền Nam Pê-ru. Sau khi cha mẹ ly thân, ông được nuôi dưỡng bởi mẹ và ông bà ngoại. Năm 14 tuổi, ông theo học tại Học viện Quân sự Leoncio Prado, nơi đã để lại cho ông một kỷ niệm ảm đạm nhưng cũng cung cấp chất liệu để ông viết nên tiểu thuyết Thành phố và các con chó. Sau đó, ông học tại Đại học San Marcos ở Lima và làm nhiều nghề khác nhau: sửa bản thảo và cộng tác viên chuyên mục điện ảnh cho nhiều tạp chí văn học, trong đó có tạp chí Literatura (1957-1958) và báo El Comercio. Trong một giai đoạn ngắn, ông còn tham gia vào một cơ quan nghiên cứu của Đảng Cộng sản Pê-ru. Cuộc cách mạng Cu-ba đã từng khiến ông "sống lại" những tình cảm cách mạng của mình. Năm 1958, ông nhận được một học bổng làm nghiên cứu sinh tại Ma-đrít và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Sau khi nhận Giải Leopoldo Alas với tập truyện ngắn Những tay anh chị, 1959, ông chuyển đến Pa-ri. Ở đây, ông đã viết Thành phố và các con chó vào năm 1963, một tác phẩm giúp ông nổi tiếng. Tiểu thuyết này ngay lập tức được dịch sang hai mươi ngôn ngữ khác. Trong tác phẩm, ông mô tả cuộc sống của các thiếu niên qua hình tượng các con chó và phản đối việc kỷ luật hà khắc mà các em phải chịu trước làn gió tự do thổi qua thành phố. Từ đó, ông nổi tiếng là nhà văn, nhà tiểu luận có ảnh hưởng rộng lớn đến văn đàn Mỹ la-tinh thế kỷ 20, được mời giảng dạy tại nhiều trường đại học trên toàn thế giới. Nhiều nhà phê bình đánh giá, cùng với tác giả Trăm năm cô đơn - G.Mác-két (Garcia Marquez) - Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa là một trong hai nhân vật vĩ đại, góp phần hình thành nên Làn sóng Mỹ la-tinh trong văn học với khả năng tác động mạnh mẽ đến cả thế giới. Như nhiều cây bút Mỹ la-tinh khác, Va-gát Lô-xa đồng thời là nhà hoạt động chính trị tích cực trong sự nghiệp cầm bút của mình. Ông từng tham gia tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Pê-ru vào năm 1990 với tư cách là ứng cử viên của liên minh trung hữu, nhưng thất bại. Năm 1993, ông nhập quốc tịch Tây Ban Nha.

Bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1960 với những tiểu thuyết như Thời của người anh hùng, Ngôi nhà xanh, Cuộc đối thoại trong Thánh đường..., nhưng chính từ Thời của người anh hùng, Va-gát Lô-xa đã có bước đột phá, tạo nên danh tiếng trên trường quốc tế. Cuốn sách được xây dựng dựa trên những trải nghiệm của Va-gát Lô-xa từ thời còn ở Học viện Quân sự Leoncio Prado của Pê-ru. Nó đã gây tranh cãi tại đất nước ông và các sĩ quan thuộc Học viện quân sự này từng công khai đốt đi hàng nghìn cuốn. Năm 1995, Va-gát Lô-xa đã được trao Giải Xéc-văng-tét (Cervantes) - giải thưởng văn học danh giá nhất trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Một số nhà phê bình đánh giá ông có tầm ảnh hưởng quốc tế và lượng độc giả trên khắp thế giới nhiều hơn bất kỳ cây bút nào khác thuộc phong trào văn học Sự bùng nổ Mỹ la-tinh trong những năm 1960 - 1970.

Trong số các tiểu thuyết chính của Va-gát Lô-xa, giới chuyên môn quan tâm đến Cuộc hội thoại trong nhà thờ, 1969; Pan-ta-lê-ông và các nữ khách, 1973 và quyển tiểu thuyết bán tự truyện Dì Hulia và nhà văn quèn, 1977. Tác phẩm này của Va-gát Lô-xa từng được dịch sang tiếng Việt (Nhà xuất bản tác phẩm mới, 1986 - nay là nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tiểu thuyết Chiến tranh và kết thúc của thế giới, 1982 viết về nền chính trị Bra-xin trong thế kỷ 19 cũng thu hút nhiều độc giả, đặc biệt là ở châu Mỹ la-tinh. Ngoài ra, Va-gát Lô-xa còn viết Ai đã giết Pa-lô-mi-nô Mô-lê-rô?-1986; Người đang nói, 1987 và Lời khen của mẹ ghẻ, 1988...

Với Giải Nô-ben Văn học 2010, Ma-ri-ô Va-gát Lô-xa trở thành cây bút gốc Pê-ru đầu tiên và cũng là nhà văn Nam Mỹ đầu tiên giành được giải thưởng danh giá này kể từ khi cây bút Cô-lôm-bi-a G.Mác-két được trao giải năm 1982. Giải thưởng dành cho Lô-xa cũng đồng thời phá vỡ thế độc quyền của châu Âu tại các Giải Nô-ben Văn học những năm gần đây.

LMT (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.