Bà Đỗ Thị Bính, người đẹp phố Hàng Đẫy lâu nay vẫn được xem là bóng hồng mà thi sĩ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp “thầm thương trộm nhớ”. Để rồi trong những bài thơ: Đi chùa Hương, Tay Ngà, Sơn Tinh – Thủy Tinh... thấp thoáng hình bóng của một “tuyệt sắc giai nhân”...
Người đẹp áo đen
Nếu như cuộc đời của người đẹp Vương Thị Phượng phố Hàng Ngang đúng là “hồng nhan bạc phận” thì cuộc đời của người đẹp thứ hai trong “Hà thành tứ mĩ” lại bình lặng hơn nhiều. Bây giờ, ngồi trong căn nhà biệt thự Pháp ở số 3A, phố Yên Thế bà Đỗ Thị Quyên, em gái bà Bính đã ngấp nghé tuổi 90 nhưng trên khuôn mặt lẫn nụ cười dáng vóc vẫn phần nào cho thấy vẻ đẹp của người chị gái từng được mệnh danh là “giai nhân Hà thành” khi xưa.
Nhấp chén nước, giọng sang mà ấm, bà Quyên nhớ lại: Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, là kiều nữ của cụ Đỗ Lợi, nhà tư sản thầu khoán lớn nhất Hà Thành khi đó. Cụ Đỗ Lợi thuộc dòng họ Đỗ thôn Tiên Lữ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
Vốn làm việc trong sở Lục lộ, vừa giàu có lại tài năng, lên Hà Nội, ông lấy bà Nguyễn Thị Quỹ, một người con gái xinh đẹp, sắc sảo làm nghề buôn bán tại Phà Đen làm lẽ. Đỗ Thị Bính là người con đầu trong ba người con của ông Lợi và bà Quỹ.
Những năm 1930, ông Đỗ Lợi là nhà tư sản có tiếng ở Hà thành. Những người già cả ở Ngõ Văn Hương bây giờ hẳn vẫn còn nhớ ngõ Đỗ Lợi, hồ Đỗ Lợi và trại sản xuất gạch hoa Vạn Cẩm, nơi ông sản xuất gạch hoa, đúc cống xi măng cung cấp cho các công trình xây dựng của người Pháp.
Công việc kinh doanh phát đạt, ông Đỗ Lợi chuyển sang lĩnh vực thầu khoán. Gần hai mươi công trình lớn ở Hà Nội khi đó đều do Đỗ Lợi làm chủ thầu. Giàu có, trại gạch hoa Vạn Cẩm khi đó còn là nơi nhà tư sản nuôi hàng chục con ngựa đua, một thú chơi công phu và thuộc vào hàng xa xỉ lúc bấy giờ.
Đang học lớp nhì tại trường Brieux, tên thông thường là trường Hàng Cót, một buổi chiều tan học, trong lúc mải ríu rít với bè bạn, Đỗ Thị Bính bị một chiếc xe hơi cán phải. Lo lắng cho cô con gái rượu, cụ Đỗ Lợi đã không cho người đẹp đến trường mà mời thầy về nhà để dạy riêng. Với tư chất thông minh và sự ham học, bà Bính vừa thông thạo tiếng Pháp lại có thể chơi được đàn thập lục hay dương cầm.
Trong số hơn chục nhà biệt thự ở rải rác ở khắp Hà Nội, gia đình bà Bính sinh sống ở căn nhà số 30 Nguyễn Thái Học, ngày xưa là phố Hàng Đẫy. “Chị tôi có thói quen mặc đồ đen nên người đương thời thường gọi là “người đẹp áo đen”.
Nếu được ông bà mua cho quần áo khác màu thì cất đi hoặc cho em chứ tuyệt nhiên không mặc màu gì khác ngoài màu đen. Màu đen đã làm cho vẻ đẹp của giai nhân thêm vẻ huyền bí, tôn thêm làn da trắng, sự sang trọng, nghiêm trang của người đẹp”, bà Đỗ Thị Quyên cho biết.
Mặc dù là người có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, thế nhưng, người đẹp không hề có tính kiêu sa của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hoà đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Trong trí nhớ của người em gái thì bà Bính có một khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là tính tình hiền hậu, nhân từ, dịu dàng. “Chị tôi ăn chay, không ăn thịt cá bao giờ. Xuân về gia đình lại đi chùa Hương cầu kinh niệm Phật. Mỗi khi đi nghỉ ở Sầm Sơn, thấy trẻ con xách lồng chim đi bán, chị tôi gọi lại mua hết rồi mở cửa lồng cho chim bay đi”.
“Bóng hồng” trong thơ
Trong bao nhiêu trái tim mê đắm người đẹp có chàng thi sĩ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp – con trai của Nguyễn Văn Vĩnh, ông chủ nhà in Trung Bắc Tân Văn lớn nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Ngang tàng hay bình dân chả biết, nhưng cụ Vĩnh sau lần đi Pháp đã đặt luôn cái tên ấy cho cậu con trai sinh cuối năm 1914. Sau khi đậu tú tài rồi vào trường Cao đẳng Luật Đông Dương, Nguyễn Nhược Pháp không sung vào bất kỳ ngạch quan lại lẫn công chức nào mà đi làm văn, làm báo...
So về tuổi tác, Nguyễn Nhược Pháp hơn người đẹp Bính một tuổi. Chàng thư sinh nhỏ bé, với sự yếu đuối thư sinh, với cái bẽn lẽn của một hồn thơ mộng mơ đã thầm thương nhớ trộm cô tiểu thư Đỗ Thị Bính tự bao giờ.
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ. Cho nên, để biết cái vẻ “sắc nước hương trời” của một trong bốn “mỹ nhân Hà thành” xưa, chỉ cần đọc tập thơ Ngày xưa cũng đủ để hình dung chân dung Đỗ Thị Bính “Tóc xanh viền má hây hây đỏ/Miệng nàng bé thắm như san-hô/Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ”.
Đó là sự hồn nhiên của cô gái đi trây hội Chùa Hương: “Cùng thầy me em dậy/ em vấn đầu soi gương/ Khăn nhỏ đuôi gà cao/ Lưng đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao …”. Là “Cúi đầu nàng tha thướt/Yêu kiều như mây qua/Mắt xanh nhìn man mác/ mỉm cười về cành hoa…”
Trước hiên nhà ở phố Nguyễn Thái Học có hai giò phong lan và đặc biệt ba rặng hoa hồng nở hương thơm ngát. Chiều chiều, người đẹp lại ngồi nhởn nha trên ghế đá đọc sách, ngắm hoa. Khi ấy, Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L’ Annam nouveau.
Ngày nào chàng thi sĩ cũng kiếm cớ đi qua đi lại ngôi nhà có người đẹp ở, để được nhìn thấy nàng cho khuây nỗi nhớ. “Ta lặng nhìn hơi lâu/Nhưng thì giờ đi mau...Nàng chợt nghiêng thân ngà/Thoáng bóng người xa xa...Ta mơ chưa lại hồn/Nàng lẹ gót lầu son/Vừa toan nhìn nét phượng/Giấy thẹn bay thu tròn...”
Chuyện này kéo dài và cả hai gia đình đều biết. Gia đình cô Bính cho là chuyện phải lòng của anh chàng nhà thơ trẻ cũng như nhiều chàng trai khác si mê người đẹp mà thôi. Bằng cớ là mỗi dịp xuân tới, người đẹp Đỗ Thị Bính vẫn nhận được rất nhiều hoa từ những địa chỉ vô danh.
Mỗi bài thơ của chàng thi sĩ là một nét đẹp của người con gái khuê các áo đen, là chất chứa bao niềm thương nhớ. Nhưng năm 1938, căn bệnh lao đã cướp đi sinh mệnh của nhà thơ tài hoa ở tuổi hai tư. Để rồi, tình yêu của tài tử, giai nhân được lưu giữ trong tập thơ mang tên “Ngày xưa” tha thiết ấy…
Cuộc đời bình dị
Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng trai du học bên Pháp về. Đó chính là Bùi Tường Viên, em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu. Mười sáu tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp học về ngành silicat và là một trong những kỹ sư đầu tiên của Việt Nam. Đám cưới giữa người đẹp phố hàng Đẫy và nhà trai ở phố Quán Thánh với hàng chục xe ô tô rước dâu hạng sang được xem là một trong những đám cưới lớn nhất ở Hà thành thời bấy giờ.
Cách mạng nổ ra, bà Bính hoạt động trong phong trào bình dân học vụ, rồi cả gia đình theo kháng chiến, đi tản cư lên mãi huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Mặc dù sống giữa cảnh núi đồi heo hút nhưng hai ông bà đi đâu cũng vẫn khoác tay nhau theo phong cách châu Âu khiến cho không ít người ngưỡng mộ. Bằng những kiến thức cơ bản, bà đã cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo, trong đó có cả những người con của chính mình.
Đất nước được giải phóng. Trở về Hà Nội, bà Bính lại cùng chồng, con sống cuộc sống bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Tất cả mười tám ngôi biệt thự khang trang của nhà tư sản Đỗ Lợi lúc bấy giờ đã hiến tặng cho Chính phủ. Bà tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, chống giặc dốt. Từ đó cho đến khi về hưu, bà công tác tại Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng.
Trong ký ức của những người con, người đẹp Đỗ Thị Bính là một giai nhân tài sắc vẹn toàn. “Ngay đến bữa ăn cùng gia đình chồng, khi nào mẹ tôi cũng là người ăn sau cùng, phục vụ cho bố mẹ chồng, chồng con ăn trước…
Cho đến những ngày tháng cuối đời, bà vẫn giữ thói quen không bao giờ đến ăn ở các hàng quán, mà nhất mực trung thành với những món ăn do tự tay mình chế biến”, ông Bùi Tường Quân, con trai Bà Bính cho biết.
Người đẹp Đỗ Thị Bính đã cùng chồng đi qua cuộc chiến tranh, sống cuộc sống bình dị như biết bao người Hà Nội khác. Trở về với đất, gia đình, người thân khoác cho bà bộ quần áo nhiễu đen quen thuộc, như là một sự trân trọng với vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nội một thời.
Giang Hoàng