Nói đến cái gian của Tào Tháo, người ta liền nghĩ tới câu nói: “Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta” (Ninh sử ngã phụ thiên hạ nhân, hưu giáo thiên hạ nhân phụ ngã).
Có điều, đây chỉ là câu nói trong Tam quốc diễn nghĩa, câu nói mà sử sách ghi lại có hơi khác. Tình thế của Tào Tháo lúc nói câu đó cũng chưa thật rõ. Vậy Tào Tháo đã nói câu đó lúc nào? Đằng sau câu chuyện đó còn có những ẩn tình gì?
Giết Lã Bá Sa
Tam quốc diễn nghĩa nói rằng Tào Tháo hành thích Đổng Trác không thành, bèn lên ngựa ra roi chạy thẳng, muốn trở về quê. Trên đường đi qua huyện Trung Mâu ở Tiêu quận, Tào Tháo bị bắt ở đó. Huyện lệnh Trung Mâu là Trần Cung khâm phục, đã cùng Tào Tháo trốn đi.
Đi ba ngày tới Thành Cao, Tào Tháo và Trần Cung đi ngang nhà người quen cũ là Lã Bá Sa, bèn cùng vào đó. Lã Bá Sa tiếp đón hai người, rồi lên lừa đi qua xóm tây mua rượu. Tào, Trần đang ngồi chơi, nghe sau nhà có tiếng mài dao. Tháo nói: “Lã Bá Sa đối với tôi không thân thiết gì lắm. Chuyện này đáng nghi đấy!”
Hai người bèn đi thăm dò, lại nghe có người nói: “Trói lại mà giết!” Tào Tháo liền nói với Trần Cung: “Đúng rồi! Nếu ta không hạ thủ trước thì sẽ bị bắt mất”.
Thế là, hai người tuốt kiếm xông vào, gặp ai giết nấy, một hơi giết chết tám người. Giết xong, đi vào nhà bếp, chỉ thấy một con lợn treo bốn vó, sắp bị chọc tiết. Hai người mới vỡ lẽ, vội đi khỏi đó. Đi được hơn hai mươi dặm, lại gặp Lã Bá Sa. Tào Tháo đã giết luôn Lã Bá Sa.
Trần Cung trách Tào Tháo đã biết mình lầm, lại còn giết người, là đại bất nghĩa. Tào Tháo dõng dạc nói: “Ta thà phụ người thiên hạ còn hơn để người thiên hạ phụ ta”. Đầu đuôi câu chuyện Tào Tháo giết Lã Bá Sa, biểu tượng cho tính cách gian hùng của Tào Tháo đã được Tam quốc diễn nghĩa mô tả như vậy. Sự thật thì như thế nào?
Trần Thọ im lặng về chuyện giết Lã Bá Sa, nhưng dư luận đương thời rất xôn xao về chuyện ấy. |
Trần Thọ không chép chuyện Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa. Câu chuyện này là do Bùi Tùng Chi chú thích. Bùi Tùng Chi đã dẫn ba thuyết, thứ tự như sau: Một là, theo Ngụy thư nói, lúc Tào Tháo đến, Lã Bá Sa không có ở nhà. Con cháu và tân khách của Sa họp lại muốn cướp ngựa và đồ dùng của Tháo, Tháo bèn cầm dao giết chết mấy người.
Hai là, theo Thế ngữ, Tào Tháo đến nhà Lã Bá Sa. Sa cũng không có nhà. Năm người con trai của Sa làm lễ đãi khách. Tháo nghi ngờ, đang đêm cầm kiếm giết tám người. Ba là, theo Tạp ký của Tôn Thịnh, Tào Tháo nghe tiếng dao chặt thịt, nghi ngờ nên giết người. Khi biết là lầm, Tào Tháo vẫn không hối hận, còn nói “Tôi thà phụ người, không để người phụ mình” (Ninh ngã phụ nhân, vô nhân phụ ngã), rồi đi.
Nếu Ngụy thư là đúng, Tào Tháo giết người chỉ là phòng vệ hoặc ăn miếng trả miếng. Nếu Thế ngữ đúng, Tào Tháo quá đa nghi, giết người vô tội. Nếu Tạp ký đúng, Tào Tháo là tội ngộ sát, có điều không biết hối cải. Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm tam quốc có nhận xét: Lời của Ngụy thư dường như bênh vực Tào Tháo.
La Quán Trung quán triệt tư tưởng “tôn Lưu ức Tào”, đã bỏ qua Ngụy thư. Câu chuyện mà ông viết trong Tam quốc diễn nghĩa là dung hợp của hai thuyết sau, thêm vào cả cái chết của Lã Bá Sa để tăng thêm sự gian ác trong hình tượng Tào Tháo.
Giữa hai dòng nước
Cái mà Tam quốc chí không chép, chưa hẳn là không có thật. Ngụy thư, Thế ngữ và Tạp ký cùng nói, tuy mỗi sách một khác, vẫn phản ánh được dư luận xôn xao của người đời về câu chuyện đó. Việc Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa hẳn là có thực, có điều bản thân Lã Bá Sa chưa chắc đã bị giết.
Các nguồn sử liệu đều nói lúc đó Bá Sa không có ở nhà, La Quán Trung đã nói thêm. Kỳ thực giữa phái bênh vực Tào Tháo (Ngụy thư) và phái buộc tội Tào Tháo (Thế ngữ và Tạp ký) cũng có quan điểm khác nhau về bối cảnh câu chuyện.
Theo cách kể của Ngụy thư, chúng ta phải thừa nhận gia đình của Lã Bá Sa khá đông, vì bao gồm cả tân khách, phải là đại phú hộ. Ngược lại, nếu theo Thế ngữ và Tạp ký, gia đình Lã Bá Sa là gia đình nhỏ, chỉ khoảng chín người, có thể là nhà trung lưu. Nếu gia đình Lã Bá Sa là gia đình lớn, Tào Tháo không thể một mình cầm dao giết sạch cả nhà, phải có người trợ lực.
Nếu là gia đình nhỏ, một hơi giết tám người đối với Tào Tháo là không có vấn đề. Tào Tháo có thể chỉ đi một mình hoặc đi hai người – vì phải có người đi theo nghe Tào Tháo nói chuyện phụ người thiên hạ. Quy mô gia đình của Lã Bá Sa với số người đi theo Tào Tháo có quan hệ mật thiết, không thể tách rời, càng không thể hoán đổi giữa hai giả thiết. Vậy Tào Tháo đã rời khỏi Lạc Dương như thế nào?
Tam quốc chí, Vũ đế kỷ nói Đổng Trác muốn lôi kéo Tào Tháo. Tào Tháo bèn đổi tên họ, trốn về Đông. Tào Tháo là cự mệnh của Đổng Trác mà trốn, đương nhiên có sự chuẩn bị nhất định về mặt hành trang và nhân sự. Hơn nữa, Tào Tháo không có tội lỗi gì cả (chuyện hành thích Đổng Trác là bịa), chưa chắc Đổng Trác đã truy bức, lại đang ở thời kỳ loạn lạc, mang theo vài người hộ vệ là chuyện dễ hiểu.
Nếu Tào Tháo có người đi theo, và nếu lúc đó ở nhà chỉ có năm người con trai của Lã Bá Sa thì bất luận là hai đấu năm hay nhiều người hơn nữa đấu với năm người, Tào Tháo cũng không ở trong tình thế bức bách phải giết người một cách thiếu suy nghĩ, nhất là Tào Tháo lại là người cơ trí. Cách nói của Thế ngữ và Tạp ký xem ra không chính xác.
Chính vì lẽ đó, để nêu bật cái sai lầm và tàn nhẫn của Tào Tháo, La Quán Trung đã tán thành cách nói của phái buộc tội, để Tào Tháo chạy khỏi Lạc Dương một mình. Có điều, sau khi chém giết chán chê, vẫn cần có nhân chứng nghe câu nói phụ người thiên hạ của Tào Tháo. Vì thế, mới có chuyện Tào Tháo gặp Trần Cung ở Trung Mâu, Trần Cung đã đi cùng Tào Tháo.
Nhân chứng và tòng phạm
Lưu Bị rất có thể là một trong những tòng phạm trong vụ án giết Lã Bá Sa. |
Sự xuất hiện của nhân chứng Trần Cung hoàn toàn là sự bịa đặt của La Quán Trung. Theo Tam quốc chí, Trần Cung không hề làm Trung Mâu lệnh vào thời điểm đó, người giữ chức vụ này là Dương Nguyên. Hơn nữa, theo địa hình thực tế thì Tháo từ Lạc Dương về nước Bái phải đi qua Thành Cao (chỗ nhà Lã Bá Sa) trước rồi mới tới Trung Mâu.
Nhưng họ La lại hư cấu một… hành trình quái gở, rằng Tháo tới Trung Mâu rồi lại chạy về hướng tây (hướng đi về Lạc Dương) để tới Thành Cao. Sau khi giết người rồi, Tháo và Trần Cung lại chạy tiếp về phía tây để đụng đầu Lã Bá Sa! (Sa nói sẽ đi sang xóm tây mua rượu, nhưng lúc Tháo chạy đi lại gặp Sa đi ngược trở lại, nghĩa là Tháo lại chạy tiếp về phía tây, tới chỗ Đổng Trác).
Trần Cung có đi theo Tào Tháo trong chuyến đi này không, chúng ta không rõ. Có điều, có một nhân vật khác chắc chắn có đi theo Tào Tháo, đó là Lưu Bị. Anh hùng ký của Vương Xán cho biết: “Năm cuối đời Linh đế, Bị từng ở kinh sư, cùng với Tào Công quay về nước Bái, chiêu tập mọi người. Gặp khi Linh Đế băng hà, thiên hạ đại loạn, Bị cũng khởi binh theo đánh Đổng Trác”.
Vương Xán là người cùng thời với Tào Tháo, Lưu Bị, về sau làm quan cho nhà Ngụy. Nếu lời Vương Xán là đúng, Lưu Bị cũng có mặt ở nhà Lã Bá Sa hôm đó, không rõ có Quan Vũ, Trương Phi đi theo không. Có điều, nếu mục tiêu của Tháo là mộ binh đánh Đổng Trác, hẳn có đem theo tiền bạc để về quê làm quân phí.
Với những điều kiện đó, chúng ta thấy rằng dù Ngụy thư có vẻ như bao biện cho Tào Tháo, nhưng là thuyết đúng hơn. Người nhà Lã Bá Sa thấy tiền đã tối mắt, muốn giết đám người của Tào Tháo. Tào Tháo, Lưu Bị cùng vài người khác đã chống lại. Hai bên đã tử chiến. Người nhà cùng với tân khách của Lã Bá Sa đã bị giết chết.
Nói như vậy thì thuyết của Thế ngữ và Tạp ký là không đúng, cũng gần như nói Tào Tháo không hề nói câu phụ người thiên hạ.
Dù sự thực là gì đi nữa, câu nói “thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta” đã vận vào Tào Tháo, ám ảnh hình tượng Tào Tháo. Tào Tháo có muốn chối bỏ cũng không chối nổi. Vậy Tào Tháo là người như thế nào?.