Đoạn đường thuộc km 753 Quốc lộ 1A (đoạn đi qua thôn Phú Hậu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) bỗng mang tiếng là “cung đường ma ám” sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra một ngày đầu tháng 11/2011 khiến 3 người thuộc 3 thế hệ trong cùng một gia đình thiệt mạng. Nỗi sợ hãi của một số người mê tín lớn tới mức người sống gần nhất hiện trường thậm chí phải… chuyển nhà đến nơi khác.
3 người chết trên đường đi chịu tang
Vụ việc xảy ra vào sáng 8/11/2011, khi bà Đỗ Thị N (72 tuổi, ngụ phường 5, thành phố Đông Hà) nhận được tin em gái út của mình vừa mới qua đời. Cả gia đình bà khi ấy quyết định cùng đi xe máy về chịu tang em. Khi đến đoạn đường trên, chiếc xe gắn máy hiệu Air Blade do người con trai 41 tuổi của bà điều khiển, chở bà N và đứa cháu nội bốn tuổi đã va quệt với một xe tải chạy cùng chiều. Vụ tai nạn khiến cả ba người trên xe gắn máy ngã xuống vào gầm xe tải tử vong tại chỗ.
Sau vụ tai nạn, con đường thành “cung đường ma ám” |
Những người chứng kiến vụ việc cho biết hết sức lấy làm lạ bởi khi tai nạn xảy ra, khoảng cách giữa hai xe khá rộng nhưng không hiểu vì sao chiếc xe gắn máy bất ngờ đổ nhào làm 3 người lăn vào gầm ô tô.
Người nhà thuật lại, ban đầu cháu bé đi cùng cha mẹ, nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy bà và chú thì nhất quyết đòi chuyển xe cho đủ “3 thế hệ trên một chiếc xe ga”. Đám tang các nạn nhân đông nghẹt người đến phúng điếu, chia buồn.
Chị Nguyễn Thị Kim Huệ (50 tuổi), người bán hàng tạp hóa cách địa điểm xảy ra vụ tai nạn, là nhân chứng của vụ việc nhớ lại: “Lúc đó chừng khoảng 9h, tui đang bán hàng thì thấy chiếc xe gắn máy đang chạy bình thường bỗng đổ ập ra lòng đường, 3 người trên xe lần lượt rơi xuống gầm xe tải đang chạy tới. Đáng thương nhất là thằng nhỏ, nó lồm cồm bò dậy nhưng không kịp nữa. Tui la lớn, ra hiệu cho xe dừng lại nhưng tài xế không nghe thấy”.
Ký ức kinh hoàng khiến người phụ nữ này hàng tháng nay không đủ can đảm nhìn về nơi có chiếc am nhỏ được người nhà nạn nhân vừa dựng lên. “Suốt 10 ngày liền sau đó, hàng đêm khi đi ngủ tôi phải nhét tai nghe nhạc vào lỗ tai, bật loa lớn để cố quên đi sự việc theo tiếng nhạc nhưng đến nay vẫn chưa hết ám ảnh”, nhân chứng này thuật lại.
Sợ hãi chuyển nhà vì “tiếng khóc giữa đêm”
Cái chết bất thường nào cũng có thể khiến người ta sợ hãi. Người dân sống quanh khu vực này cũng vậy. Vụ tai nạn chỉ là chuyện tình cờ, có thể do người diều khiển xe kém hoặc do đứa bé hiếu động quẫy đạp khiến người điều khiển xe lạc tay lái, nhưng có người địa phương lại đồn thổi rằng 3 người này là bị “ma bắt”, và các nạn nhân này “hiện hồn về than khóc”.
Sau vụ tai nạn, người thì nhất quyết cho rằng khi đi bộ qua đó bỗng bị níu áo nhưng quay mặt nhìn không thấy người. Có người thì bảo rằng nhìn thấy bóng dáng người đàn ông bế đứa trẻ đứng khóc. Người lại truyền tai nhau nửa đêm nghe tiếng trẻ con khóc ré “Đói quá”, “Lạnh quá” trên đường.
“Ai cũng sợ. Đến mức mấy đứa thanh niên bạo gan trong xóm bây giờ đi chơi về đêm cũng phải vòng đường khác mà đi, có dám ngang chỗ đó đâu”, một phụ nữ thì thào.
Với quyết tâm lý giải lời đồn hoang đường này, chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người trong khu vực nhưng ai cũng chỉ cho rằng mình nghe lại những lời kể trên từ những người khác chứ mình không trực tiếp nhìn thấy.
Riêng chị Nguyễn Thị Mỹ N (SN 1989) thì nhất quyết cho rằng mình có nghe tiếng trẻ con khóc thảm vào đêm khuya giữa đường sau vụ án. Trong tâm trạng có vẻ bất an, N kể trước kia ở trọ ở căn nhà sát lề đường, nhìn ra nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm và sau đó vài ngày chị đã phải chuyển chỗ trọ. Giải thích lý do chuyển chỗ, N cho rằng: “Tại tôi sợ quá”.
Người phụ nữ này kể rằng chị đã nhiều lần nghe tiếng trẻ em khóc vẳng lại bên tai, một cách đều đặn suốt nhiều ngày liền từ khi xảy ra vụ tai nạn: “Mấy ngày đầu tôi thường nghe vào lúc 8h tối, sau đó nghe vào lúc 2h sáng. Thời điểm khuya khoắt, đường vắng tanh nên tôi chắc chắn không thể nghe nhầm”.
Theo lời kể, lần đầu nghe tiếng khóc chị cứ tưởng đứa cháu nhỏ tỉnh giấc đòi sữa, nhưng chạy xuống nhà thì thấy các cháu đang ngủ yên giấc, hàng xóm xung quanh lại không có con nhỏ. Những lập luận này khiến chị N bất giác nghĩ đến đứa nhỏ tử nạn trong vụ tai nạn cách đó mấy hôm khiến chị sởn da gà.
Kỳ lạ hơn, hễ đêm nào nghe tiếng khóc, N cho rằng mình đều linh tính trước như điềm báo: “Xen giữa tiếng trẻ con khóc, thi thoảng lại vang lên giọng đàn ông than vãn “đói quá”, “lạnh quá”, “oan quá”. Tôi đã trùm kín chăn, bật nhạc to nhưng những tiếng này vẫn như đang bên tai”. Nỗi sợ hãi lớn đến lúc gọi điện nhờ người chị họ sang “ứng cứu”, tay chị lại run cầm cập đến nỗi không thể bấm bàn phím điện thoại. Sau nhiều đêm sợ hãi, chị quyết định chuyển nhà.
“Ma khóc” hay tâm thần?
Tiếp xúc với một người nhà nạn nhân, chúng tôi được nghe thêm những lời hoài nghi nặng chất mê tín dị đoan. Theo đó trong buổi sáng xảy ra sự việc đáng tiếc, cháu trai bốn tuổi đúng ra đã có thể thoát nạn. “Thằng nhỏ đã trèo lên xe bố nó rồi, nhưng không hiểu sao thấy xe chú ruột nó thì đòi sang xe bằng được. Đúng là nó “đoản mệnh” thật, không biết nó “mắc tội lỗi” gì mà “bề trên” bắt nó thê thảm như vậy”, người này giọng điệu quở trách.
Sự thật thì theo một bác sĩ thuộc Bệnh viện tâm thần TP HCM, trong trường hợp nêu trên, người phụ nữ nghe tiếng trẻ con khóc có thể đã mắc chứng ảo thanh; là một dạng rối loạn tư duy, thường gặp ở các trường hợp tâm thần phân liệt, cũng có thể xuất hiện ở người bị rối loạn lo âu, loạn thần cấp, rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích… “Có thể vì vụ tai nạn thảm khốc quá nên người này vốn đã yếu đuối nhạy cảm, nay sợ hãi tột độ mà mắc chứng ảo thanh”, vị bác sĩ này nói.
Ảo thanh có nhiều loại nhưng nguy hiểm và phổ biến nhất là ảo thanh mệnh lệnh và ảo thanh bình phẩm. Ảo thanh mệnh lệnh thường sai khiến người bệnh có những hành động làm tổn hại đến người khác; trong khi ảo thanh bình phẩm, sợ hãi thì có thể khiến bệnh nhân rơi vào trình trạng trầm cảm.
Trao đổi với Pháp luật & Thời đại, ông Hoàng Bình, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết đúng là đã xuất hiện những lời đồn thổi như trên sau khi vụ việc xảy ra, khiến một số người dân địa phương hoang mang sợ hãi. Xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân trên địa bàn toàn xã, đồng thời vận động người dân không nên tin vào những lời lẽ hoang đường gây bất an dư luận.
“Nỗi sợ hãi có thể dẫn người ta đến trạng thái hoang tưởng và người phụ nữ nêu trên là một ví dụ. Tôi xin khẳng định đó chỉ là một vụ tai nạn bất cẩn và không có nguyên nhân, cũng như hậu quả ma tà gì sau đó”, ông Hoàng Bình cho biết.
Mai Long (Pháp luật & Thời đại)