Ngôi đền mới của thời trang
Trong vòng 5 năm trở lại đây, châu Á nói riêng và thế giới nói chung đã chứng kiến một cuộc lột xác ngoạn mục của thời trang Hàn Quốc. Từ một quốc gia có tầm ảnh hưởng giới hạn trong khu vực, Hàn Quốc đã trở thành một bến đỗ mới của thời trang thế giới:
Con số những nhà thiết kế trẻ tiềm năng tại đây đang ngày một gia tăng theo cấp số nhân, tuần lễ thời trang Seoul luôn thu hút được sự chú ý của truyền thông thế giới và hơn hết những thiết kế, phom dáng của thời trang Hàn Quốc luôn nổi bật trên mọi nẻo đường street style thế giới bên cạnh những thương hiệu sừng sỏ lâu đời như Chanel, Dior hay Ralph Lauren.
Nếu ở vào thời điểm 2010, người ta mới chỉ manh nha về thương hiệu JUUN.J non trẻ thì ở thời điểm này hàng loạt cái tên như 87MM, Gentle Monster, KYE, thisisneverthat… đã làm nên một đế chế cho thời trang Hàn Quốc trên phạm vi toàn cầu: từ những trang web bán lẻ lớn như Fig Collective, Net-a-Porter cho đến những chuỗi cửa hàng trung tâm mua sắm danh tiếng như Harrods, Opening Ceremony, Dover Street Market đều có bóng dáng của thời trang Hàn Quốc.
Những hình ảnh quảng cáo cho thời trang Hàn Quốc trên trang web bán lẻ Fig Collectives
Lý giải cho sức bật thần kỳ này có thể kể đến ngay lực lượng thiết kế của Hàn Quốc. Khác với người láng giềng Nhật Bản cùng bề dày lịch sử phát triển và lớp nhà thiết kế lão luyện như Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo… đại diện cho thời trang Hàn Quốc ngày nay là những khuôn mặt non trẻ với bề dày kinh nghiệm nhiều người chưa quá chục năm.
Những tưởng đây là một yếu điểm thì hóa ra đây lại là một lợi thế rõ rệt của Hàn Quốc. Chính nhờ độ tuổi trẻ trung như vậy mà lực lượng lao động sáng tạo của ngành thời trang tại đây có khả năng học hỏi, tiếp thu nhanh chóng những xu hướng của thế giới đồng thời nắm bắt được những tinh hoa của lịch sử văn hóa dân tộc.
Ở thời trang Hàn Quốc, người ta dễ dàng tìm thấy những phong cách thiết kế unisex avant-garde đi trước thời đại mang dáng dấp của Vetements hay Balenciaga. Cùng lúc đó, kể cả những tay chơi thời trang khó tính nhất cũng phải hài lòng bởi sự tinh xảo, cẩn trọng truyền thống trong từng đường kim mũi chỉ chất liệu lụa là của những thương hiệu thời trang xứ Kim Chi.
Thương hiệu 87MM
Thương hiệu Charm’s
Thương hiệu Nohant
Sự hậu thuẫn của cả một quốc gia
Dẫu biết rằng sức trẻ là một “tài năng” lớn lao mà Hàn Quốc đã có trong cuộc chạy đua vươn mình trở thành điểm đến mới của thời trang. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng một yếu tố quan trọng khác chính là sự hậu thuẫn của cả một quốc gia dành cho nền công nghiệp thời trang tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đặc sản “làn sóng Hallyuh”, thời trang được chính phủ Hàn Quốc xếp vào hàng ngũ “những quyền lực mềm” mà quốc gia này có thể sử dụng trên chính trường quốc tế. Chính quyền thành phố Seoul thậm chí còn tài trợ phần lớn chi phí tổ chức Seoul Fashion Week hàng năm để những nhà thiết kế trẻ chưa có tên tuổi có thể tham gia tổ chức show với những người mẫu, chỉ đạo sản xuất hàng đầu.
Điều này có nghĩa, tại Hàn Quốc, mọi nhà thiết kế đều được cung cấp cơ hội ngang bằng để phô diễn được thực lực của mình với thế giới thay vì phải chật vật kiếm đủ tiền tự tổ chức show như trong bối cảnh của các quốc gia cùng khu vực (Singapore, Nhật Bản hay Việt Nam…). Đối với Hàn Quốc, thời trang không phải là một bộ môn nghệ thuật, thời trang là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nền kinh tế nước nhà.
Bên cạnh đó, những ngôi sao có tầm ảnh hưởng quốc tế của Hàn Quốc như CL, G-dragon, Taeyang, Irene Kim… đều là những nhân tố nhiệt tình lăng xê thời trang nước nhà. Nếu chính phủ Hàn Quốc là bệ đỡ thì chính những ngôi sao này là bệ phóng cho thời trang Hàn Quốc được căng phủ rộng rãi trên toàn cầu.
Amber với mẫu áo bomber nổi tiếng của Charm’s
Blogger nổi tiếng Chriselle Lim với thiết kính của Gentle Monster
Nữ ca sĩ Dara với thiết kế của Charm’s
G-dragon diện đồ của thương hiệu JUUN.J
Tae Yang diện thiết kế của JUUN.J
CL diện đồ của thương hiệu KYE
It girl Irene Kim diện đồ của 87MM