[links()]Lý giải về việc lao động trở lại ổn định sau Tết, các DN đều cho biết là do trước Tết họ có sự quan tâm, chăm lo chu đáo về quyền lợi cho công nhân (CN). Còn nhiều CN cho biết, kiếm việc bây giờ không dễ, chưa nói là việc tốt, vì vậy “đã có thì phải biết giữ”.
“Dường như bối cảnh khó khăn của nền kinh tế lại đang tạo cho DN có những cơ hội để tuyển được lao động tốt”. |
DN chăm lo, CN gắn bó
Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Trưởng phòng Tổ chức Công ty TNHH Liên doanh Vĩnh Hưng (may xuất khẩu, quận 12-TPHCM) cho hay, trước tết CN ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc của công ty, sau khi được nhận thưởng một tháng lương, quà tết 200.000 đồng, đã được 25 chuyến xe đưa về tận nhà đồng thời được công ty linh động cho nghỉ Tết từ ngày 26/12 âm lịch, CN nào ở xa thì cho phép nghỉ thêm vài ngày…
Lãnh đạo công ty TNHH May Cường Tài, quận Gò Vấp thì khẳng định, tất cả cũng nhờ chăm lo tốt cho CN trước tết. Các hoạt động như: thi gói bánh chưng, sau đó tặng cho mỗi CN 2 cái để làm quà mang về quê, ưu tiên mua hàng giảm giá tại khu vực dành riêng cho CN, thưởng cho CN bình quân khoảng 1,68 triệu đồng/người. Đặc biệt với những CN ở miền Bắc về quê ăn tết công ty cũng ưu ái cho nghỉ thêm 3 ngày có hưởng lương... Đó chính là chất xúc tác khiến CN vui vẻ và an tâm gắn bó với DN.
Ngoài những CN về quê được công ty hỗ trợ vé xe, quà tết, cho lãnh lương sớm, đầy đủ thì các CN ở lại cũng được công ty quan tâm chăm lo chu đáo. Công ty đến tận phòng trọ tặng quà, tổ chức liên hoan, giao lưu văn nghệ…, vì thế CN hết sức yên tâm gắn bó và cống hiến cho công ty.
Kinh tế khó khăn, dễ tuyển lao động tốt
Ông Phan Tấn Trung- Trưởng phòng Hành chính, Cty Hóa dệt Hà Tây – cho biết, với hệ thống toàn công ty lên đến 3.000 người, việc lo đơn hàng và thu xếp công việc ổn định, đảm bảo thu nhập cho người lao động chính là một trong những biện pháp giữ chân lao động tốt nhất. Thời gian qua, công ty cũng ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương, nên dù nhiều lao động chưa bỏ được thói quen tác phong lao động tự do của người nông dân, nhưng cũng không tùy tiện “nhảy việc” gây khó cho DN.
“Đa phần lao động mới tuyển là lao động phổ thông, DN phải đào tạo mất vài tháng, nên chúng tôi luôn xác định tạo môi trường làm việc để người lao động gắn bó với doanh nghiệp” – ông Trung cho biết. Công ty đang dự kiến tuyển dụng thêm lao động để mở rộng cơ sở sản xuất, đáp ứng lượng đơn hàng đang khá dồi dào, và dường như bối cảnh khó khăn của nền kinh tế lại đang tạo cho DN có những cơ hội để tuyển được lao động tốt.
Rõ ràng, ngoài việc được các DN quan tâm chăm lo, đặc biệt là trong đợt Tết vừa rồi thì trước tình hình kinh tế trầm lắng, nhiều DN thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa, nỗi sợ thất nghiệp đã khiến CN có ý thức hơn hẳn. Giữ được một việc làm tốt bây giờ là chuyện không đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Cung chưa hoàn toàn đáp ứng cầu Tôi cho rằng, thị trường việc làm trong năm 2013 sẽ sôi động, đặc biệt các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… nơi có nhu cầu lao động rất lớn. Thị trường lao động cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhưng không có nghĩa cung hoàn toàn đáp ứng cầu. Không chỉ về số lượng mà ngay cả trình độ, thể lực, thể chất của lao động Việt Nam hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng phần nào. Ví dụ về thể lực của lao động, chúng ta chỉ đạt mức trung bình, nên khi áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc thì cũng còn những hạn chế nhất định. Còn với những nghề mà đòi hỏi yêu cầu cao, kỹ thuật bậc trung như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo… doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng lại rất khó tìm lao động do đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu xã hội. |
L.S - H.T.