Giấc mơ đổi đời trong những ngôi nhà trên nước

Giữa giấc ngủ chòng chành trên sóng nước, chẳng biết họ có mơ về những ngôi nhà vững chãi trên đất liền...

Giữa giấc ngủ chòng chành trên sóng nước, chẳng biết họ có mơ về những ngôi nhà vững chãi trên đất liền...

Những ngôi nhà di động trên sông

Một lần lênh đênh trên chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), lúc trời nước lồng lộng, chúng tôi gặp một cô gái bán chôm chôm tên Thúy.

Chỉ chiếc ghe cỡ trung phơi đầy quần áo đang cặp bờ sông phía xa xa, Thúy bảo: "Nhà em ở đó, em sống với em gái, cha mẹ và bà nội". Ba thế hệ trên một chiếc ghe, sống nhờ sông và chết cũng hóa vào sông.

Sau lần gặp Thúy, chúng tôi quyết định một ngày gần nhất sẽ quay lại những con chợ miền Tây để đi sâu vào những phận đời lênh đênh  ấy...

Hình minh họa
Hình minh họa

Lần thứ hai trở lại chợ nổi Cái Bè, tôi và chị bạn đồng nghiệp hỏi thăm Thúy, cô gái bán chôm chôm, có bà nội tên Sáu Thu. Nhưng ít người biết, hỏi đến ba người ở khúc sông gần đó thì mới biết, bà nội Thúy đã mất, Thúy cũng đã bỏ ghe chôm chôm lên Sài Gòn phụ bán cà phê...

Anh Quyền, người hàng xóm với ghe nhà Thúy là người dẫn chúng tôi đi loanh quanh gặp gỡ các gia đình sống trên sông. Anh nói, chuyện các gia đình sống ba đời trên một chiếc ghe là thường ở đây.

"Trước kia, thời ba má tui, nhà tui cũng có miếng ruộng nhỏ trên bờ. Nhưng không biết sao đó chuyển sang đi buôn trên ghe, rồi bán nhà lên ghe sống luôn. Tui với thằng em sinh ra trên ghe, lớn lên trên sông" – anh tâm sự.

Hỏi, ghe nhà anh bán gì, anh Quyền chỉ cây sào cao gần 6 mét cột dựng đứng, treo lủng lẳng mấy trái bí đỏ: Treo gì bán nấy. Nhà tui buôn bí đỏ. Ngày nào có thêm bí xanh hay rau củ gì thì treo thêm cho người ta biết.

Quả thật, nhìn quanh thấy ghe nhà nào cũng một cây sào ngất ngưởng, đó là cách "quảng cáo mặt hàng" tiện lợi nhất của những ghe kinh doanh trên sông.

Hỏi sống trên ghe có gì bất tiện so với trên bờ không, anh Quyền ngẩn người ra một chút, rồi nói: Người ta sống trên bờ lâu thì người ta so sánh được, chứ anh em tui sinh ra trên sông, có thấy gì bất tiện đâu?.

Hàng xóm nhà anh Quyền (hàng xóm, nghĩa là những ghe neo cùng nhau ở một khúc sông), có gia đình anh Mười Thu, chị Sáu Phi... Mỗi hộ đều trên 5 nhân khẩu, gồm vợ, chồng, con cái, đôi khi có ông bà nội ngoại. Có gia đình bao gồm cả cha mẹ, con cái, dâu rể trên thuyền. Đó là gia đình anh Tài "duệ".

Con gái anh Tài có cái tên rất đẹp- Phương Linh. Mười chín tuổi, cô lấy chồng là con trai một ghe bạn, do ghe nhà thông gia đã chật người, nhà anh Tài neo người hơn nên cho ở rể, để phụ giúp thêm chuyện buôn bán trái cây. "Chừng năm bảy năm nữa kinh tế khá hơn, chắc hai nhà cũng hùn tiền mua cho tụi nó chiếc ghe để "ra riêng".

Rời chợ nổi Cái Bè sang chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), lúc tờ mờ sáng, chúng tôi đã thấy không khí buôn bán tấp nập nơi đây. Bé Sáu, chị bán măng cụt, chôm chôm nhãn cho biết, bây giờ chợ vắng nhiều rồi. Những ghe còn trụ lại là "vừa bán vừa làm du lịch". "Cách đây chừng năm bảy năm, nhìn chợ bắt ham. Ba giờ sáng là chộn rộn lắm rồi. Bây giờ hơn 4 giờ mới họp chợ, cũng lèo tèo vài thứ thôi. Còn chợ nổi chính gốc, đi vui lắm", chị bé Sáu kể.

Theo chị bé Sáu giải thích, một phần do nhiều hộ trên sông chuyển lên sống trên bờ. Phần khác thì ngày xưa sông là đường giao thông chính yếu, ngày nay đường sông không còn.

Phần nữa là ngày xưa ở miền Tây sông là đường giao thông chính yếu, nhà nhà đều có ghe xuồng di chuyển và nhiều sinh hoạt diễn ra trên sông. Đến giờ, giao thông đường bộ phát triển, cánh thương hồ đã không còn dễ dàng kiếm sống, làm giàu trên sông được nữa. Chợ trên sông cũng vắng đi từ đó...

Những giấc mơ đổi đời...

Khi lênh đênh trên chiếc ghe bán bí đỏ của anh Quyền ở chợ nổi Cái Bè, chúng tôi có hỏi thăm về cô Thúy bán chôm chôm từng một lần gặp gỡ. Anh Quyền kể, Thúy theo chị họ lên Sài Gòn bán cà phê.

“Thằng em họ tui nó thương con Thúy, con Thúy đi rồi nó buồn lắm. Con Thúy có hứa kiếm chút tiền rồi sẽ quay về, nhưng thằng em tui không tin. Bao nhiêu đứa con gái từ vùng sông này đi lên Sài Gòn bán cà phê, bi-da, mát xa rồi đâu có chịu về đây sống nữa. Lâu lâu trở về thì tóc xanh tóc đỏ, áo hai dây, nhìn không ra...”, anh Quyền kể.

Theo lời anh Quyền, khúc sông gia đình anh hay neo đậu có gần chục gia đình thì tới bốn gia đình có con gái theo bạn bè lên Sài Gòn kiếm sống, một gia đình gả con gái cho người Đài Loan, được gửi tiền nên giờ đã lên bờ, mua nhà gần chợ buôn bán, thoát cảnh lênh đênh sông nước.

Ở chợ nổi Cái Răng, chúng tôi cũng nghe kể về nhiều trường hợp tương tự. Những đứa trẻ lớn lên trên sông nước, hầu như ít được đến trường. Bé Tú, học lớp 4 trường tiểu học, cách bờ sông 3km, kể: Trước kia em có hai đứa bạn ở ghe cạnh đi học chung, vui lắm, nhưng năm ngoái hai đứa đã nghỉ học vì đường đi khá xa xôi, gia đình nghèo không có điều kiện theo học.

Cũng vì vấn đề này mà những nhà trên sông, con trai lớn thì theo cha mẹ sống đời thương hồ, con gái lớn thì gả chồng, may mắn thì vào nhà khá giả trên đất liền, không thì chỉ là chuyển từ ghe này sang ghe khác.

“Nhưng thời nay khác nhiều rồi, con gái không cam lòng sống lênh đênh trên những chiếc ghe nữa. Nhiều cô lên thị trấn, lên tỉnh, đi Sài Gòn xin việc ở các quán cà phê, tiệm hớt tóc, nhà hàng, ai may mắn thì kiếm được tấm chồng đổi đời, xui rủi thì trở thành gái bia ôm, đèn mờ, đứng đường. Họ thà sống cảnh bán thân nuôi miệng, ở trọ chen chúc còn hơn quay về sống cảnh lênh đênh sông nước này. Đó là điều đáng buồn nhứt với những người sống trên sông như tụi tui...”, chị Tú, người bán vé số trên sông ngậm ngùi kể.  

Chị Tú bán vé số trên ghe đã 6 năm nay, ngày bán trung bình trên 200 vé, phần là giới thương hồ mua cho vui hay muốn đổi đời, phần là khách du lịch thấy là lạ thì mua.

Nghe lời chị kể, tôi chợt nhớ một lần sử dụng dịch vụ massage khuyến mãi ở khách sạn Cần Thơ, nghe cô em tên Hạnh, quê Vị Thanh kể, cả nhà em ba chị em gái đều lên Cần Thơ làm nghề mát xa trong các khách sạn. Có vậy mới mong đổi đời, mua miếng đất để cả nhà rời ghe, dời lên bờ. Cha mẹ Hạnh đã sống hai chục năm nay trên ghe, đi buôn nhang khắp các con sông thuộc nhánh Cửu Long này. Nhưng giờ ông bà đã già yếu, không thể sống cuộc đời chèo chống mãi như thế.

Mục đích thì tốt, nhưng có ai dám chắc các cô gái rời miền sông nước của mình hòa vào cuộc mưu sinh tất tả ở chốn thị thành, không rơi vào những cạm bẫy mà đánh mất mình?

Nhìn những chiếc ghe đang neo đậu bên bờ sông, người giặt áo, người nấu cơm. Nhưng đứa trẻ nghịch nước, tôi hỏi, con nít sống trên ghe, không sợ té xuống nước hay sao, chị Tú nói: Trời thương. Lúc còn nhỏ thì phải có người trông nom, lúc lớn một chút thì lấy dây cột chân lại, cho bò loanh quanh thôi. "Bảy tuổi là tụi nó biết lội hết ráo rồi, sợ gì nữa", chị Tú chắc nịch.

Hoàng hôn đã xuống bên dòng Hậu Giang nước lặng lờ. Nhiều gia đình đã rút vào lòng ghe quây quần quanh bữa cơm nhà. Họ sẽ đi ngủ rất sớm để chuẩn bị cho buổi chợ tinh mơ, hoặc nếu không họp chợ thì họ vẫn cứ dậy sớm như một thói quen. Trong giấc ngủ chòng chành theo nhịp chảy của lòng sông, chẳng biết họ có đang mơ về một mái nhà vững chãi trên bờ, hay hồn vốn đã xuôi theo dòng nước, chấp nhận cuộc đời trên sông như một phần phải có...

Trần Linh

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.