Vừa phải đối mặt với “bão” tỷ giá, vào thời điểm này, người dân và các doanh nghiệp lại đang lo lắng trước thông tin giá xăng dầu sẽ tăng trở lại. Bị ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sát sườn, họ đã có phản ứng như thế nào?
Doanh nghiệp: “Nước lên, thuyền lên”
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đều cho rằng, việc tỷ giá tăng làm cho sức ép tăng giá xăng dầu ngày càng nặng nề. Tính ra nếu giá xăng tăng thì phải thêm khoảng 2.700 - 3.000 đồng mới hết lỗ.
Hôm 11/2, để trấn an tâm lý lo ngại giá xăng tăng của người dân, Bộ Tài chính đã quyết định tăng xả quỹ bình ổn để giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, trên báo chí lại xuất hiện những thông tin về việc tăng giá xăng vào cuối tháng 2 và chậm nhất là đầu tháng 3 tới. Thông tin này khiến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lo ngại.
Nếu giá xăng tăng, các doanh nghiệp vận tải rất có thể cũng sẽ tăng giá cước |
Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy những khó khăn phải đối mặt khi giá xăng dầu tăng, nhưng “nước lên thì thuyền lên”, để tồn tại, họ buộc phải tìm cách đối phó, điều chỉnh, cân đối cho phù hợp với bối cảnh nhiều mặt hàng đang tăng giá như hiện nay.
“Nếu giá xăng dầu tăng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá cước” – đại diện một hãng vận tải taxi tại Hà Nội cho hay. “Các hãng taxi hiện nay đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá, nhưng nếu giá xăng tăng, không chỉ có đơn vị chúng tôi tăng giá cước, các hãng khác cũng phải tăng vì không làm như vậy thì lỗ là điều không tránh khỏi”.
Cũng theo tính toán của đại diện hãng taxi nói trên, nếu Bộ tài chính tăng giá xăng khoảng 3.000 đồng/lít thì cước taxi cũng phải tăng tối thiểu 1.000 đồng.
Giám đốc DN vận tải tư nhân HH (chuyên tuyến Hà Nội – Vinh) thì cho rằng: “Ngoài việc điều chỉnh giá cước, chúng tôi còn cố gắng cân đối một số khoản chi phí khác để mức giá vận chuyển không bị lên quá cao so với hiện tại. Làm sao để việc tăng giá xăng không “đổ hết vào đầu” khách hàng. Cả doanh nghiệp và người dân phải cùng chia sẻ để vượt khó”.
Như vậy, việc tăng giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Các doanh nghiệp dù ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ các quyết định này, và họ đều đã chuẩn bị sẵn tâm lý để chủ động “đối phó” nhảm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.
Người dân: “Ngụp lặn”
Không thể đối phó với việc tăng giá xăng theo kiểu “nước lên, thuyền lên” như các doanh nghiệp, người dân chỉ có cách hạn chế bớt phần chi tiêu không cần thiết, bù vào khoản tiền phải chi thêm do giá xăng tăng.
Phóng viên Autonet đã phỏng vấn một số người tiêu dùng và lắng nghe ý kiến của họ xung quanh thông tin gái xăng có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, tăng giá xăng dầu sẽ phần nào ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ.
Nhiều người dân lao động chưa có thông tin về việc tăng giá xăng, khi được hỏi đã tỏ ra khá ngạc nhiên: “Sau Tết, cái gì cũng tăng giá, giờ thêm tăng giá xăng nữa thì mệt đây. Tôi là nhân viên vận chuyển tại siêu thị, ngày nào cũng chạy xe, siêu thị mỗi tháng cũng chỉ phụ cấp ngần đó tiền xăng xe. Kiểu này mà xăng lên thì âm vào tiền lương mất” – Anh Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay.
Anh Dũng, công tác tại Công ty TNHH Sơn dẻo nhiệt Synthetic nói: “Tôi đang chạy xe Nouvo, cũng đang thấy khiếp vì xe ăn xăng quá. Xăng 16.400đ mà hai ngày đã phải đổ 50.000đ, lên thêm 1000 – 2000đ/lít nữa là mỗi tháng cũng phải thêm một khoản kha khá tiền xăng”.
Xăng lên thì sẽ mất thêm tiền, thu nhập sẽ giảm đi |
Anh Hùng, trình dược viên một công ty dược phẩm tại Hà Nội chia sẻ: “Đặc thù nghề của bọn mình là “chạy” nhiều, đi lấy thuốc, đưa báo giá khách hàng, thu công nợ. Nói một cách đơn giản, xăng lên thì mất thêm tiền, thu nhập bị giảm đi. Vấn đề là cũng phải chấp nhận thôi, vì mình nghĩ xăng tăng giá do nguyên nhân khách quan mà, có ai muốn thế đâu”.
Bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ sự khó khăn thì cũng có những ý kiến cho thấy sự thông cảm nếu Nhà nước có quyết định tăng giá xăng dầu. “Nhà nước cũng trợ giá mãi rồi, doanh nghiệp xăng dầu cũng đã kêu lỗ từ lâu. Tôi được biết, giá xăng dầu ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực, nếu buộc phải tăng giá xăng dầu thì vẫn phải tăng và người dân cũng nên chấp nhận điều đó. Có điều khi tăng giá xăng, Nhà nước cần có thông báo rộng rãi, cần hạn chế các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá để “om” hàng như các lần tăng trước”. – Ông Huy (Bùi Thị Xuân, Hà Nội) nói.
Giá xăng cùng hàng loạt giá của các mặt hàng thiết yếu khác cũng đang tăng. Để tồn tại, cả doanh nghiệp và người dân đều phải có những điều chỉnh thích hợp để làm sao chủ động và sống chung với việc… tăng giá.