Cùng với sự “nhảy múa” của giá vàng, giá đô la Mỹ, khoảng 2 tuần gần đây, giá phân bón tại Hải Phòng và khu vực các tỉnh phía Bắc cũng tăng chóng mặt. Sự tăng giá đột ngột đúng thời điểm bắt tay vào sản xuất vụ chiêm- xuân khiến nông dân lúng túng. Điều bà con và chính quyền các địa phương lo hơn cả là đã có dấu hiệu cho thấy phân bón kém chất lượng đổ về Hải Phòng.
Giá tăng chóng mặt, khó bình ổn
Theo một số đại lý bán phân bón tại thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy), giữa tháng 11 vừa qua, giá các loại phân bón đột ngột tăng cao 35-40% so với thời điểm cuối tháng 10. Giá phân urê đang ở mức 470.000-480.000 đồng/bao, DAP dao động trong khoảng 750.000-760.000 đồng/bao. Giá hai mặt hàng này đã tăng khoảng 35-40% so với cách đây 2 tuần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây cũng là mức giá tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Theo một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân bón lớn tại Hải Phòng như Công ty vật tư nông nghiệp 1, Công ty CP xây dựng và vật tư nông nghiệp Hải Phòng, Công ty CP Mai Linh, hiện giá phân DAP về tới đại lý cấp 1 đã lên tới 750.000-780.000 đồng/bao, phân urê ở mức gần 500.000 đồng/bao. Tuy nhiên, đó chỉ là mức giá tại đại lý cấp 1, còn đến tay nông dân phải tăng thêm 100.000 đồng/bao. Hiện nay, người nông dân đang phải chấp nhận mua phân bón với giá bị đội từ 30-40% so với giá bán ra của nhà sản xuất. Điều bà con nông dân lo lắng là ngay cả giá phân bón nhập khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc (loại thường rẻ hơn nhiều phân bón nhập khẩu chính ngạch qua cảng) cũng đột ngột tăng cao gấp 2 lần.
Nông dân xã Đông Phương (Kiến Thụy) sử dụng phân bón chuẩn bị cấy. Ảnh: Phương Nga |
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, nguyên nhân giá phân bón tăng cao đột ngột là do Trung Quốc có thị trường phân bón lớn, tăng thuế xuất khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước và phục vụ vụ mùa tới của nước này. Hiện tại nhiều nước trên thế giới đang vào vụ sản xuất chính, nhu cầu sử dụng phân bón tăng, trong khi đó nhiều nhà máy sản xuất phân bón dừng hoạt động để bảo dưỡng khiến nguồn cung thiếu so với cầu. Bên cạnh đó, biến động giao dịch trên thị trường thế giới đã đẩy giá hầu hết loại phân bón tăng mạnh. Các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón dự đoán, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng cao vào những tháng tới do khi đó, miền Bắc bước vào gieo cấy lúa vụ chiêm- xuân tập trung, cần dùng phân bón với số lượng lớn; giá nguyên liệu sản xuất lại chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Hàng kém chất lượng len lỏi về nông thôn
Nông dân ở khu vực các xã Tân Trào, Đại Hà, Ngũ Đoan (Kiến Thụy) cũng phản ánh việc mua phân bón NK của Công ty CP thương mại Hùng Ngọc để bón cho lúa nhanh trỗ bông, đỏ đuôi nhưng tác dụng không như mong muốn. Bà con lo ngại việc phân bón tăng giá đột ngột sẽ là cơ hội để các loại phân bón kém chất lượng len lỏi về nông thôn. Lo ngại này là có cơ sở khi ngay đầu vụ chiêm- xuân, (tháng 10 vừa qua), Công an huyện Thủy Nguyên phát hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Loan ở xã Trung Hà (Thủy Nguyên) lượng phân bón kém chất lượng khá lớn. Công an huyện kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thu giữ 2.050 kg phân supe lân, 1000 kg phân NPK loại bao 25 kg và một số loại phân bón khác với tổng khối tượng khoảng 5 tấn. Theo kiểm tra, chủ cửa hàng đã thu gom lại vỏ bao của ba đơn vị là supe Lâm Thao, đạm Phú Mỹ và phân bón Đầu Trâu (Công ty phân bón Bình Điền) để đưa phân bón kém chất lượng vào, sau đó thuê các đối tượng để sang bao pha trộn, dùng máy khâu vỏ bao lại để đem bán. Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, phần lớn lượng phân trong các bao là pha trộn các loại phân khác nhau như phân nhập khẩu từ Trung Quốc và một số loại phân chưa rõ nguồn gốc. Cùng với vụ việc này, qua kiểm tra thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp- PTNT, vẫn có tình trạng các mẫu sản xuất của 5 công ty sản xuất tại Hải Phòng không đạt chất lượng so với tiêu chuẩn công bố. Phần lớn là phân phối trộn NPK, NK sản xuất bằng phương pháp thủ công. Hiện, trên địa bàn thành phố chỉ có 5 doanh nghiệp sản xuất phân bón đang hoạt động là Công ty CP thương binh An Hòa (An Hồng, An Dương), Công ty CP Quốc tế Kim Anh (Đặng Cương, An Dương), Công ty CP thương mại Hùng Ngọc (Lê Thiện, An Dương), Công ty cổ phần Kim Anh (An Dương), Công ty CP Nông Trang (An Thắng, An Lão). Tuy nhiên, công nghệ sản xuất của các công ty này phần lớn là thủ công. Tại xưởng sản xuất, khung cảnh chung của các đơn vị là vài chục công nhân với cuốc, xẻng, máy trộn bê tông để phối trộn các loại phân đơn thành phân NPK hoặc NK tổng hợp dạng bột, rồi đưa vào dây chuyền đóng gói. Chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn…
Thị trường phân bón đang xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất của nông dân. Nông dân mong muốn thành phố và các địa phương tăng cường các giải pháp để bình ổn thị trường, ngăn chặn phân bón kém chất lượng len lỏi về nông thôn.
Hoàng Yên