Hôn nhân “mong manh”?
Cuộc hôn nhân từng gây ồn ào dư luận một thời là của vợ chồng nữ “hot girl” và một doanh nhân người nước ngoài kinh doanh hệ thống thể hình tại Việt Nam. Cả hai đã có với nhau hai đứa con xinh xắn. Dù không mấy khi công khai hình ảnh người chồng trên truyền thông nhưng gia đình này vẫn tạo nên một hình mẫu đáng mơ ước với chồng thành đạt, giàu có, vợ xinh đẹp, nổi tiếng, con cái xinh xắn, đáng yêu.
Tuy nhiên, “hot girl” bỗng đăng đàn tố cáo chồng mình ngoại tình, đối xử với vợ con không ra gì, lấy việc chu cấp cho con để “khống chế” và gây áp lực tinh thần cho vợ. Người chồng sau đó cũng viết một “tâm thư” đăng lên mạng xã hội giải thích về sự việc. Doanh nhân này cho rằng anh và vợ đã không còn tình cảm nên sống ly thân, anh đã có bạn gái mới và vẫn chu cấp đầy đủ cho con...
Sự việc đến nay chưa ngã ngũ vì đôi bên vẫn “kẻ nói qua, người nói lại”. Dư luận đặt vấn đề: Tại sao hôn nhân của các cặp đôi ngày càng “lạ lùng” khi chưa kết thúc về mặt pháp lý vẫn có thể thoải mái nói đến chuyện xây dựng một mối quan hệ khác ngoài vợ, ngoài chồng?
Đây cũng không phải trường hợp duy nhất có cuộc hôn nhân mỹ mãn rồi bỗng chốc vợ chồng trở mặt, tố nhau. Trước đó, có nhiều trường hợp người nổi tiếng khi kết hôn sống chung đã xây dựng một cuộc sống màu hồng, nhưng rồi rất chóng vánh như khi quyết định đến với nhau, họ chia tay trong ồn ào, kiện tụng, ấm ức.
Có thể kể đến cuộc hôn nhân của một doanh nhân với vợ và scandal “người thứ ba” là một diễn viên khá có tiếng. Cuộc hôn nhân tốn nhiều bút mực và trải qua nhiều cuộc kiện tụng của N.K.A với chồng thiếu gia. Hậu ly hôn ồn ào của D.L.A cũng với một doanh nhân liên quan đến một “trà xanh” là người mẫu. Hay cuộc chia tay ầm ĩ của Hoa hậu Đại dương Đ.T.T khi cô tố chồng bạo hành tinh thần, thể chất nhiều năm.
Không chỉ giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, trong cuộc sống hiện đại cũng thường bắt gặp những cặp vợ chồng đến với nhau trong tự nguyện, tưởng như có đủ điều kiện để hạnh phúc, nhưng lại chia tay chóng vánh, thậm chí chia tay trong tức tối, thù hận, không thể nhìn mặt nhau với nhiều lý do: ngoại tình, bạo hành, mâu thuẫn tính cách, sự can thiệp của gia đình hai bên, hoặc do tệ nạn...
Xây đắp giá trị gia đình
Trước thực trạng ngày càng nhiều vụ ly hôn diễn ra và tính chất ly hôn ngày càng phức tạp rắc rối, gây ra nhiều tai tiếng, đã có một luồng suy nghĩ hiện cho rằng hôn nhân ở thời hiện đại rất mong manh, thiếu đi tính bền vững. Có thật là như thế?
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, nói “hôn nhân ngày nay mong manh” là có lý, nhưng thực ra lại không đúng bản chất. Cuộc sống gia đình ở bất cứ thời đại nào cũng phải trải qua rất nhiều thử thách. Và xoay đi xoay lại thì cũng có bấy nhiêu những hình thức thử thách như thế.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại, phát triển hơn, mạng xã hội chiếm lĩnh đời sống, vòng quan hệ của mỗi người ngày một mở rộng, đồng thời mỗi người ý thức cá nhân cao hơn, cá tính phát triển mạnh hơn, độc lập hơn. Thế nên, cách mọi người ứng xử với các vấn đề xảy đến trong hôn nhân cũng khác đi. Sự vị tha, hy sinh dành cho nhau cũng giảm sút so với những thế hệ trước. Một khi mỗi thành viên không vượt qua được “cái tôi”, hôn nhân sẽ dễ dàng rạn nứt và đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ trong cay đắng lẫn thù hận.
Theo chuyên gia Lê Thị Minh Nga, người ta thường bảo hôn nhân của các cụ ngày xưa bền vững hơn ngày nay. Thực chất, nếu làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ dành cho các cụ sống với nhau đến đầu bạc răng long, sẽ thấy trong suốt vài chục năm hôn nhân, các cụ cũng từng trải bao sóng gió, trên bờ vực đổ vỡ bao lần. Nhưng chính tình nghĩa vợ chồng, lòng vị tha, sự hy sinh bớt cái tôi cá nhân để vun vén, xây đắp gia đình đã giúp họ vượt qua tất cả. Hôn nhân không có lỗi, lỗi là mỗi người, trong cuộc hôn nhân ấy đặt cảm xúc, đặt quyền lợi, đặt cái tôi quá cao, sẵn sàng tung hê tất cả cho cái tôi ấy mà thôi.
Bộ VH,TT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình, vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Có thể thấy, đây là tiêu chí khái quát hầu như toàn bộ những giá trị để có thể xây đắp nên một gia đình hạnh phúc. Dẫu là ở thời đại nào đi nữa, chỉ khi mỗi một thành viên trong gia đình thực sự trân trọng các giá trị của gia đình thì gia đình mới có thể được bền vững, trọn vẹn.