Sau một vài cơn mưa cùng đợt tăng giá xăng, giá thực phẩm đua nhau nhảy múa, viện lý do để “bắt sóng” theo giá xăng khiến người tiêu dùng lao đao.
4 ngày thực phẩm tăng 14% - 20%
Hiện tại các chợ Cầu Lủ, Thái Hà, Đống Đa, Mai Động giá thực phẩm phẩm tươi sống, rau củ, quả nhích lên hẳn so với trước ngày 17/7 trên 10%. Cụ thể, giá thịt lợn, thịt bò, cá tại các chợ này tăng trung bình từ 3.000 - 7.0000 đồng/kg. Thịt lợn tăng mạnh nhất, cụ thể thịt lợn thăn, mông sấn từ 80.000 đồng/kg lên 87.000 đồng/kg. tăng 7.000 đồng/kg so với trước ngày 17/7.
Giá thị trường tăng hơn 10% trong 4 ngày. |
Rau củ quả các loại đều tăng giá tương đối, cụ thể: Su hào là 8.000đồng nhích lên 10.000 đồng/kg; Cà chua, khổ qua tăng lên 15.000đ/kg, bầu 7.000 đồng lên 10.000 đồng/ quả, rau muống 5.500 đồng/ mớ tăng 1.000 đồng/ mớ; rau dền, rau ngót tăng từ 2.500 lên 4.000 đồng/mớ, su su 6.500 đồng tăng lên 7.000 đồng/ kg, đậu đũa từ 12.000 đồng tăng lên 15.000 đồng/kg; mướp đắng, chanh, cà rốt từ 11.000 đồng nhích lên 14.000 đồng/kg, khoai tây từ 12.000 đồng tăng lên 15.000 đồng/kg.
Rau cải thảo có phần nhích giá nhẹ hơn từ 19.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, cải tím 22.000 lên 25.000 đồng/kg, mướp hương 23.000 đồng lên 25.000/kg, đậu trạch từ 13.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg.
Thủy hải sản các loại như cá biển các loại giá bán tăng so với bốn ngày trước. Đơn cử như cá thu nguyên con giá khoảng 125.000 đồng/kg - 130.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Mực loại 6-8 con/kg giá bán khoảng 190.000 kg tăng khoảng 10.000 đồng/kg, cá quả các loại giá khoảng 60.000 đồng/kg, cá rô phi 38.000 đồng đến 45.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Chợ cóc tăng, đầu mối và siêu thị giữ giá
Phần lớn các tiểu thương đều "giở chiêu bài" cũ khi được hỏi về lý do tăng giá. Họ mặc định rằng xăng tăng giá nên phải tăng giá cước vận chuyển mới có lãi. Một số khác biện minh rằng sau vài đợt mưa vừa rồi rau củ khan hàng, đầu mối tăng mạnh nên phải “tát nước theo mưa” mới có lãi.
Tiểu thương bán rau tại chợ Hoàng Mai than: “Giá xăng tăng từ giữa tuần nhưng đến cuối tuần mới tăng là may rồi”. Chị này tiếp tục biện minh “may mà từ đầu tuần trữ được ít rau xanh để bán với giá cũ chứ mấy hàng trong chợ và khu vực chợ lân cận tăng giá hết rồi”.
Chị Hương, tiểu thương tại chợ Thái Hà nói rằng: “Giá xăng tăng mạnh quá, cước vận tải, chợ đầu mối cũng tăng theo. Tháng này tăng 3 lần; tổng cộng tăng trên 1.000 đồng, giảm thì nhỏ giọt được một lần bằng 1/3 số này. Tiểu thương nhỏ lẻ rủ nhau tăng giá từ đầu tháng nhưng ít người tăng vì sợ mất khách quen”.
Tuy nhiên, khảo sát giá tại chợ Ngã Tư Sở và khu vực chợ đầu mối phía Nam giá cả các mặt hàng rau, của quả, thịt các loại vẫn giữ giá. Hiện tại, các chợ đầu mối rau, củ, quả và siêu thị chưa thấy động thái tăng giá.
Phần thiệt về người nghèo
Trước tình hình tăng giá xăng kéo theo giá các loại rau, củ ngoài chợ tăng, anh Nguyễn Văn Toàn – nghề xe ôm (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: Mỗi khi xăng tăng nó lại kéo theo bao nhiêu là thứ giá chạy theo. Nào là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả và cước vận tải lấy cớ “neo” giá theo.
Tính trung bình sau mỗi đợt xăng tăng là giá rau, củ, quả, thịt lại tăng trung bình từ 2000 – 3000 đồng, cùng với đó là trọng lượng của bó rau bị rút bớt 1/3. Nhiều gia đình, công ty nhỏ điêu đứng vì phải tính chi phí đội giá cho những lần xăng tăng. “Nó quả thật là áp lực, gánh nặng cho những gia đình nghèo, đặc biệt là các công ty vận tải nhỏ, taxi chúng tôi", anh Hoàng Minh Chung, Công ty vận tải Kiến Thơ trên đường Hồ Tùng Mậu nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa, bán rau tại chợ Mai Động cho hay, trước đây, một chuyến ô tô chở rau từ Hưng Yên về chợ đầu mối chỉ mất khoảng 200. 000 đồng tiền xăng, giờ phải chi ít nhất 300.000 đồng. "Vậy nên xăng tăng tất cả thực phẩm tăng là điều không có gì khó hiểu".
Và chính điều không khó hiểu ấy lại làm cho người nghèo càng khốn đốn vì những chính sách điều chỉnh giá. Sau xăng sẽ là điện, và rồi không biết cuộc sống sẽ đảo lộn thế nào.
Tài Tiến