“Mới trưa hôm qua, qua điện thoại, nhà máy thép báo giá xuống chỉ còn 15 triệu đồng/tấn nhưng ngoài thị trường thì báo chỉ 14,8 triệu đồng/ tấn. Thép ứ đọng thì giá phải cạnh tranh”. Ông Quách Minh, giám đốc công ty xây dựng Bình Định nói như vậy hôm 11.5. Còn cách nay bốn ngày, công ty Bình Định đã đặt mua 2.000 tấn thép xây dựng, chuẩn bị cho một công trình mới, nhà máy chào giá 15,4 triệu đồng/tấn nhưng đại lý ngoài thị trường chào chỉ 15,2 triệu đồng/tấn. Và ông Minh cho biết, nhà máy cũng báo thêm rằng “chỉ trong tuần này thôi chứ sang tuần sau thì chưa biết giá cả sẽ lên xuống ra sao!” Giá thép xây dựng của tổng công ty Thép Việt Nam tại TP.HCM, từ ngày 11.1.2010 bình quân là 11,87 triệu đồng/ tấn. Vậy tính từ đầu năm đến nay giá thép đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn. Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam thì trong tháng 4 vừa qua, lượng tiêu thụ thép giảm. Tiêu thụ của hàng loạt các thương hiệu lớn đều giảm từ 35 – 60%. Và sắp tới vào mùa mưa, công trình ít thi công nên mức tiêu thụ sẽ còn giảm. Trong năm nay tốc độ xây dựng cũng giảm đáng kể. “So với năm ngoái, đến nay khối lượng công việc xây dựng giảm – chỉ đạt 2/3”, ông Nguyễn Văn Bắc, giám đốc công ty xây dựng Vietcity nói. Còn công ty thiết kế xây dựng Phương Đông thì nhận công trình xây dựng và hoàn thiện cho đến cuối năm nay “chỉ đạt chưa được phân nửa so với năm ngoái”, ông Phạm Đức Phú, giám đốc Phương Đông cho biết vậy. Khối lượng xây dựng giảm, theo ông Minh là do các dự án lớn khựng lại. Ông Bắc thì cho rằng “giá lương nhân công lành nghề còn cao hơn cả lương kỹ sư mới ra trường” mà vẫn khó tìm thợ (150.000 – 170.000 đồng/ngày – PV). Không có thợ thì khối lượng xây dựng không thể tăng. Thép xuống giá còn do sự cạnh tranh của thép ngoại, theo hiệp hội Thép Việt Nam, đã có hơn 120.000 tấn thép xây dựng, chủ yếu thép cuộn từ các nước ASEAN nhập vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Giá phôi thép trên thế giới giảm từ 20 – 30 USD/tấn, từ 650 xuống còn 620 USD/tấn. “Lượng tiêu thụ trong nước giảm, giá phôi thép thế giới giảm, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với thép ASEAN nên giá thép trong thời gian tới sẽ ổn định”, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam nhận định. Trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4 có đến tám lần tăng giá và tăng nóng trên thị trường nên chỉ cần một vài công ty sản xuất thép lớn hạ giá là các doanh nghiệp khác phải đua theo hạ giá. Trong thời gian qua, giá thép ở các nhà máy tăng từ từ thì thị trường tự do tăng cao, cũng theo ông Cường, “do có nhiều cửa hàng đầu cơ ghim hàng”. Khi giá phôi thế giới giảm, hàng tồn kho nhiều, các doanh nghiệp phải hạ giá, các đại lý đã ghim hàng cũng phải giảm giá nhanh vì sợ giá còn xuống nữa.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị