Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), vào giữa tháng 9 này, các doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam lại đồng loạt tăng giá bán thép xây dựng thêm 200.000- 300.000 đồng/tấn. Như vậy, giá thép của các doanh nghiệp phía Bắc có thể sẽ tăng theo. Hàng loạt dự án, công trình dang dở lại phải đối mặt với khó khăn mới.
Tăng giá thép có hợp lý?
Giữa tháng 9, giá thép giao ngay tại các nhà máy phía Nam 15,42- 15,64 triệu đồng/tấn, chưa chiết khấu; giá thép bán lẻ gần 16 triệu đồng/tấn. Giá thép khu vực phía Bắc thấp hơn. Giá thép Việt- Hàn giao tại nhà máy chưa có thuế VAT, chưa chiết khấu khoảng 13,6 triệu đồng/tấn. Giá thép Việt- Úc cao hơn một chút. Anh Nguyễn Việt Hùng, đang xây nhà tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cho biết, kể từ khi anh bắt đầu xây nhà vào tháng 7 đến nay, đã mấy lần giá thép mua lẻ tăng, mỗi lần nhích lên 3.000-5.000 đồng/cây; 200-500 đồng/kg loại sắt phi 6-phi 8. Đến nay, giá thép tăng đáng kể. Tuy nhiên, giá thép của các đại lý bán hàng mỗi nơi mỗi khác. Tùy vào loại sản phẩm bán nhanh hay bán chậm mà cửa hàng đó nâng hay giảm giá. Cụ thể, vào cuối tháng 7, với cùng loại thép Việt- Úc, cửa hàng Trần Thành Đạt, số 356 đường Thiên Lôi chào bán loại thép phi 6-8 là 14.500 đồng/kg, phi 18 là 315.000 đồng/cây; phi 20 là 388.000 đồng/cây. Cửa hàng Kiên Thục tại 551 Nguyễn Văn Linh chào bán loại phi 18 giá 310.000 đồng và phi 20 giá 385.000 đồng/cây. Cửa hàng Hoàng Dương trên đường Nguyễn Văn Linh chào bán loại phi 6-8 giá 14.300 đồng/kg; loại phi 18 giá 312.000 đồng/cây; phi 20 giá 385.000 đồng/cây. Đến giữa tháng 9, cửa hàng Hoàng Dương chào bán thép phi 6-8 giá 15.000 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg tương đương 700.000 đồng/tấn); phi 18 giá 342.000 đồng/cây (tăng 30.000 đồng/cây), phi 20 giá 420.000 đồng/cây (tăng 35.000 đồng/cây)…
Có một nghịch lý là, trong khi giá thép trong nước tăng thì giá phôi thép, thép phế trên thế giới đang giảm. Theo VSA, trong tháng 9 giá phôi thép, thép phế thế giới giảm khoảng 10- 30 USD/tấn so với cuối tháng 8. Đây được coi là mức giảm đáng kể. Giá phôi 600 USD/tấn, thép phế 400 - 405 USD/tấn. Giá thép thành phẩm trong nước phụ thuộc chặt chẽ vào giá thế giới do nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 50% phôi thép và 70% thép phế liệu. Tuy nhiên, theo lý giải của các doanh nghiệp thép, không phải cứ giá phôi thép trên thế giới giảm là giá thép trong nước giảm được ngay, nguyên nhân là từ khi ký được hợp đồng mua phôi hoặc phế đến khi hàng về đến nhà máy mất khoảng 2 tháng. Doanh nghiệp vẫn phải sản xuất bằng nguồn nguyên liệu giá cao nhập khẩu từ trước. Trong khi đó, tỷ giá VNĐ/USD tăng lên, doanh nghiệp phải tăng giá để bù lỗ.
Song, để đánh giá việc tăng giá thép có hợp lý hay không cần sự vào cuộc của các ngành chức năng. Trong cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công thương ngày 6-9 mới đây, trả lời những câu hỏi chung quanh việc giảm giá thép trong nước theo giá thế giới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ tăng cường kiểm soát giá thép trên thị trường, thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng thép. Các cơ quan quản lý thị trường sẽ phối hợp với Sở Công thương các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giá thép trên thị trường.
Sản xuất thép thanh tại Công ty cổ phần thép Việt - Nhật. |
Nhiều doanh nghiệp giãn sản xuất
Tranh thủ giá thép tăng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tranh thủ “đẩy” bớt hàng tồn kho và cũng không vội sản xuất, nghe ngóng tình hình. Mặt khác, miền Bắc đang là mùa mưa nên sức tiêu thụ thép có hạn. Theo Cục Thống kê thành phố, trong tháng 7 và 8, có khá nhiều doanh nghiệp giảm sản xuất. Cụ thể, Công ty CP thép Cửu Long- Vinashin dừng lò trong cả tháng 7 để bảo dưỡng. Công ty thép SSE có sản lượng lớn, khoảng 28.909 tấn (tháng 7) nhưng nghỉ sản xuất 10 ngày trong tháng 8 để bảo dưỡng máy móc nên dự kiến chỉ sản xuất khoảng 20.000 tấn. Công ty thép Việt-Úc dự kiến sản xuất 17.000 tấn thép trong tháng 8, giảm hơn 3.000 tấn so với tháng 7…Riêng công ty thép Việt- Hàn (VPS) do đã dừng lò để bảo dưỡng trong tháng 6 nên sản xuất tăng khá, hai tháng 7,8 sản xuất khoảng 35.084 tấn.
Một số sản phẩm giảm sản lượng trong tháng 8 như ống thép, sản xuất 3.258 tấn, bằng 91% so với cùng tháng năm trước; thép tấm 300 tấn, bằng 28%; thép góc 2.557 tấn bằng 77%; thép tròn phi 8 trở xuống 16.000 tấn, bằng 90%...Một số sản phẩm tăng là thép phi 10 trở lên sản xuất 73.600 tấn, tăng 16%; phôi thép Đình Vũ sản xuất 17.300 tấn, tăng 8%; phôi thép Sông Đà sản xuất 18.000 tấn…Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất ngành thép tăng trưởng khoảng 10,8%. Mức tăng này không cao bởi so với cùng kỳ năm ngoái là thời điểm ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu khá nặng nề. Mặt khác, do “sự kiện Vinashin”, ngành đóng tàu thành phố bị ảnh hưởng đáng kể, sản xuất thép tấm, thép hình vì vậy cũng giảm theo, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Do vậy, các cấp, ngành cũng cần có các giải pháp chỉ đạo cụ thể đối với một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến Vinashin để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.
Mai Hương