Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định xin kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc tạm dừng thi công chờ giá vật liệu xây dựng (VLXD) bình ổn.
Cụ thể, theo ông Trần Xuân Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, qua khảo sát mặt bằng giá cả thị trường trong tỉnh thời gian qua cho thấy giá các loại vật liệu đầu vào của các công trình xây dựng trên thị trường tăng cao, đặc biệt là mặt hàng thép các loại.
Trong khi đó, tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí VLXD đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại VLXD tăng cao khiến cho các DN xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, nhiều DN phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường.
Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nam Định "kêu cứu" |
Do đó, Hiệp hội này kiến nghị, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, đề xuất UBND tỉnh Nam Định và các ngành có liên quan xem xét hỗ trợ DN được điều chỉnh giá (cả đối với hợp đồng trọn gói), cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc cho tạm dừng thi công chờ bình ổn giá.
Theo tìm hiểu của PLVN, không riêng gì DN ở Nam Định kêu khó vì giá thép tăng giá, nhiều DN khác trong cả nước đều kêu bị ảnh hưởng. Theo lãnh đạo Vinaconex, khối lượng thép để phục vụ thi công các gói thầu tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (cao tốc Bắc – Nam phía Đông) mà đơn vị đang đảm nhiệm là khoảng 58.316 tấn. Giá thép tại thời điểm ký hợp đồng 3 gói thầu dao động từ 11.300 - 12.120 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá thép trung bình tháng 5/2021 được các nhà cung cấp báo giá khoảng 17.395 đồng/kg. Trước tình trạng giá thép tăng chóng mặt như hiện nay, nhà thầu ước tính giá trị bù lỗ của các nhà thầu tại 3 gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng.
Ngoài Vinaconex, nhiều nhà thầu lớn đều tỏ ra lo ngại, với đà tăng giá thép có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, tổng mức đầu tư của các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam trong thời gian tới khi các công trình hầm, cầu lớn bước vào giai đoạn thi công kết cấu chính như: Vỏ hầm, thân trụ, dầm đúc hẫng. Ví dụ như gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu thi công phần cầu với giá trị xây lắp khoảng 400 tỷ đồng, ước tính sẽ lỗ khoảng 40 tỷ đồng do thép tăng giá.
Bộ Xây dựng đánh giá, thời gian qua giá thép tăng đột biến và không theo quy luật tăng giá thông thường. Còn ông Lê Đức Thọ - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO4 - cho rằng, giá thép tăng như hiện nay rất đáng ngờ, có thể có sự tác động của bàn tay con người chứ không phải thị trường tự nhiên chi phối.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị chiếm khoảng 35% thép xây dựng trong nước - mới đây phát biểu rằng giá thép tăng do nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên theo ghi nhận của PLVN, thời gian qua Hòa Phát báo lãi liên tục và đạt những kỷ lục mới. Cụ thể, năm 2020 dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng. Chỉ trong quý I/2021, Hòa Phát đã đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát.
Câu hỏi đặt ra, tại sao Hòa Phát nói giá thép tăng do nguyên liệu đầu vào mà lợi nhuận lại đạt cao kỷ lục đến thế? Không chỉ Hòa Phát “thắng lớn” về lợi nhuận mà nhiều DN thép trong nước khác cũng đang lãi to.
Trao đổi với PLVN, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đang tiếp thu văn bản, ý kiến từ các hiệp hội, các đơn vị, đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình giá thép.