Hễ mỗi đợt có thông tin Nhà nước tăng giá điện, giá xăng hoặc sau dịp nghỉ Tết, nghỉ lễ dài ngày, giá dịch vụ nhà trọ, cơm bụi dành cho sinh viên lại tăng vọt. Ban công tác sinh viên ở các trường đại học bó tay bởi “vấn đề ngoài tầm kiểm soát”. Chỉ có sinh viên là phải hứng chịu mọi thiệt thòi.
Tăng bao nhiêu tùy chủ nhà
Sinh viên tích cực tận dụng ánh sáng thiên nhiên và hạn chế sử dụng thiết bị điện để “ứng phó” với tăng giá. |
“Giá nhà, điện, nước sẽ còn tiếp tục tăng”, đó là dự đoán của nhiều sinh viên đang ở thuê nhà trọ trên địa bàn thành phố. Bởi sau Tết bao giờ cũng là thời điểm để giá cả các loại dịch vụ này thay đổi, thêm vào đó lại có thông tin Chính phủ có sự điều chỉnh giá điện, nước trong thời gian này. Hữu Đức, cựu sinh viên Đại học dân lập Duy Tân cho biết: “Mồng 8 Tết, tôi được chủ nhà thông báo tăng giá phòng thêm 50 nghìn đồng/tháng.
Điện tăng từ 1.500 đồng/kwh lên 2.000 đồng/kwh. Nước tăng 5.000 đồng/người lên 15.000 đồng/người”. Trong khi đó, khu trọ nơi sinh viên Bùi Hoàng Vinh đang thuê (H43/15 kiệt 408 Hoàng Diệu) lại không hề có sự thay đổi, bởi lý do: Giá tại đây đã thuộc loại quá cao! “Phòng em có 3 bạn ở. Từ lâu nay, riêng tiền điện mỗi tháng của cả phòng đã trên 400 nghìn đồng, tiền nước 60.000 đồng”.
Điều đáng nói, việc thay đổi giá dịch vụ phòng trọ, điện, nước tại những nơi này diễn ra tùy tiện, mỗi nơi một kiểu. Cùng trên đường Phan Thanh, nhưng khu trọ K110 tính giá điện 2.000 đồng/kwh, khu đối diện số 137 lại chỉ lấy 1.200 đồng/kwh vào cùng thời điểm.
Cơm sinh viên trượt giá
|
Từ 8.000 đồng, cơm đĩa sinh viên “nhảy” lên 15.000 đồng rồi “tụt” xuống chốt giá 12.000 đồng. Trung bình mỗi đĩa cơm sinh viên đã tăng từ 2.000-4.000 đồng và “quyết” không quay về mốc ban đầu. Dù hương vị Tết đã qua từ lâu, nhưng sinh viên vẫn phải chịu cảnh ăn cơm theo… giá Tết.
Một sinh viên trường Đại học Sư phạm cho biết: “Chủ quán (đường Phạm Như Xương) bảo ra Tết thịt, cá tăng nên giá cơm cũng tăng”. Sinh viên này lo lắng: “Chưa biết bao giờ giá cơm mới chịu “hạ nhiệt”?”. Hữu Đức cho hay, có nơi giá cơm trước và sau Tết vẫn giữ 10.000 đồng/đĩa nhưng chất lượng thì thay đổi đáng kể.
Để đối phó với việc tăng giá, một số sinh viên chuyển từ ăn cơm bụi sang cơm tự nấu. Phòng của Bùi Hoàng Linh thực hành việc “góp gạo thổi cơm chung”. Mỗi bạn đóng góp 20 nghìn đồng/ngày để đi chợ và mua gạo ăn cho hai bữa. Tính ra, các bạn không chỉ lợi vài nghìn đồng/ngày mà còn được ăn thoải mái hơn. Một cách khác cũng đang được sinh viên áp dụng trong lúc giá cơm biến động: “Chuyển qua ăn tại quán cơm chay cho rẻ”, một sinh viên Đại học Sư phạm nói.
Một sinh viên đề xuất: Nếu muốn, Ban công tác sinh viên các trường vẫn có thể can thiệp chuyện chủ nhà trọ tùy tiện tăng giá bằng cách giữa nhà trường và chủ nhà trọ có bản phối hợp cam kết quản lý sinh viên ngoại trú. Theo đó, bản cam kết này sẽ có các điều khoản yêu cầu chủ nhà trọ trước khi tăng giá phải được sự thỏa thuận thống nhất giữa các bên, nhằm bảo đảm quyền lợi của chủ nhà lẫn sinh viên. Trao đổi qua điện thoại, Thạc sĩ Trần Đình Mai, Trưởng ban Công tác học sinh-sinh viên Đại học Đà Nẵng cho biết: Không thể can thiệp vào chuyện giá cả.
Chúng tôi có nghe, có biết chuyện tăng giá dịch vụ dành cho sinh viên, nhưng việc này nằm ngoài khả năng giải quyết của Ban Công tác sinh viên. Tăng giá thuộc quyền cá nhân của chủ nhà trọ hoặc chủ quán cơm. Chỉ có chính quyền địa phương, quản lý thị trường mới có thẩm quyền can thiệp vấn đề này.
Hơn nữa, Nhà nước tăng giá điện, nước, xăng, than… thì việc người dân tăng giá các dịch vụ cũng không khó hiểu. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ một phần nào để sinh viên bớt thiệt thòi trong việc bị lạm dụng chuyện tăng giá, đó là đề xuất xây dựng thêm ký túc xá. Theo yêu cầu thì 60% sinh viên phải được ở ký túc xá, nhưng hiện nay chỉ mới hơn 16% sinh viên có cơ hội tiếp cận dịch vụ này.
THU HOA