Giá sách giáo khoa mới sẽ cao hơn?

Nhà xuất bản Giáo dục giới thiệu bộ sách phê duyệt.
Nhà xuất bản Giáo dục giới thiệu bộ sách phê duyệt.
(PLVN) - Tại Hội thảo về đổi mới Chương trình và SGK giáo dục phổ thông khu vực phía Bắc do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho hay giá SGK mới sẽ cao hơn giá sách hiện hành. 

Ưu tiên hàng đầu quyền lợi học sinh 

Theo đó, SGK hiện hành đang là sách độc quyền, chịu sự quản lý và điều chỉnh giá của rất nhiều ban ngành nên giá thành rất rẻ. Song khi một chương trình cho phép lưu hành nhiều SGK thì các NXB đều phải hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí, nên chắc chắn giá sẽ cao hơn sách hiện hành. Với một chương trình có nhiều bộ sách được sử dụng đồng thời, trong khi số lượng học sinh chỉ từng đó, nên số lượng sách do mỗi NXB in ra cho mỗi bộ sách sẽ thu hẹp lại.

Trước những băn khoăn về việc SGK mới sẽ tăng giá, ông Hải nhận định rằng, chắc chắn trong những năm đầu, NXB sẽ không có lời, thậm chí có thể lỗ. Nhưng câu chuyện đầu tư chất lượng là một chặng đường dài. NXB sẽ có vị trí, uy tín và có thể bù đắp được lợi nhuận ở những năm sau. Ở thời điểm này, vấn đề giá sách vẫn chưa được quyết định, bởi chưa có đủ dữ kiện để xây dựng giá. 

Giá sách còn phụ thuộc và đánh giá thị trường, số lượng xuất bản thế nào thì giá sẽ ra sao? Sau khi Bộ GD&ĐT công bố những bộ SGK mới, các NXB sẽ còn tiếp tục đào tạo, tập huấn, giới thiệu và làm marketing, từ đó xây dựng kế hoạch dự kiến, xây dựng giá bán và triển khai in ấn. 

Tuy nhiên, về việc tăng giá SGK ảnh hưởng tới học sinh các vùng điều kiện sống còn khó khăn, ông Hải cho hay, phía NXB cũng có phần trách nhiệm. Hàng năm NXB Giáo dục Việt Nam đều có các chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, trong kế hoạch triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT cũng có một khoản ngân sách để cung cấp sách cho học sinh các vùng khó khăn.

Để minh bạch hóa điều này, đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính tìm ra một phương án phù hợp và tối ưu nhất với phương châm bảo đảm quyền lợi của học sinh là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, sau khi các bộ sách được phê duyệt, giá SGK sẽ được giới hạn trong một khung cụ thể để các NXB có định hướng phù hợp.

Nguy cơ tiêu cực

Ngay sau khi có kết quả phê duyệt SGK, các tỉnh sẽ được yêu cầu tiến hành thành lập hội đồng lựa chọn mẫu SGK cho địa phương mình. Quá trình này được thực hiện đến tháng 3/2020. Thời gian tiếp theo cho đến hết tháng 5/2020, các sở GD&ĐT trên cơ sở bộ sách đã chọn, phối hợp với NXB có bộ sách để tiến hành tập huấn sử dụng SGK cho cán bộ cốt cán.

Thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2020, các nhà trường sẽ tập huấn tại chỗ cho giáo viên việc sử dụng SGK để chính thức đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021.

Dư luận cho rằng, việc giao cho các địa phương tự lựa chọn SGK sẽ tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong quá trình lựa chọn. Khi mà một NXB có bộ sách được phê duyệt có thể có nhiều chiêu để các địa phương lựa chọn sử dụng bộ sách của mình.

Thậm chí, cũng có thể có những địa phương lại lựa chọn ra những bộ sách chưa thực sự phù hợp với điều kiện của mình. Hay quá trình kiểm tra đánh giá đối với học sinh ở mỗi địa phương qua một bộ SGK khác nhau cũng sẽ gây ra sự lúng túng trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học ở các nhà trường.

Sách giáo khoa lớp 1.
 Sách giáo khoa lớp 1.

Theo ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, nhìn nhận về nguyên tắc những bộ sách đã được thẩm định đều đạt yêu cầu nên các địa phương có lý khi sử dụng bất kỳ bộ sách nào.

Tuy nhiên, sử dụng bộ nào thì còn nhiều chuyện phải nói. Khi thực hiện một chương trình, một bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều bộ sách thì sẽ có cạnh tranh mà có cạnh tranh thì dễ phát sinh tiêu cực. Bởi nếu một bộ sách nào đó rất ít được sử dụng thì nhóm tác giả, NXB sẽ thua lỗ và dễ bị triệt tiêu.

TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam, CHLB Đức - chuyên gia quốc tế, chuyên gia cố vấn xây dựng SGK của NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, ở một số quốc gia khi thực hiện nhiều bộ sách, thời gian đầu có nhiều nhóm tác giả, NXB nhưng về sau chỉ có khoảng 2-3 NXB lớn tồn tại.

Ông Cường cho rằng các địa phương khi chọn sách có thể lựa chọn các tiêu chí cho riêng mình trên cơ sở sách dễ sử dụng; phù hợp mục tiêu; chất lượng về nội dung; trình bày ngôn ngữ; thiết kế phương pháp; hỗ trợ lập kế hoạch và tổ chức dạy học; hình ảnh, đồ họa, bảng biểu… 

Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về việc lựa chọn SGK theo chương trình mới, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng sách nào hay và phù hợp thì chọn. Việc lựa chọn sách này hay sách khác có thể thay đổi theo từng năm, thậm chí từng học kỳ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc lựa chọn SGK như thế nào cũng sẽ được Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể. Dự thảo hướng dẫn chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến xây dựng và dự kiến ban hành vào tháng 12/2019. 

Đã hạn chế độc quyền?

Mặc dù Bộ GD&ĐT vừa công bố về các SGK lớp 1 đạt yêu cầu thẩm định và được sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2020-2021, nhưng NXB Giáo dục Việt Nam đã đi trước tiếp thị sách này đến các địa phương ngay từ đầu tháng 9.

Trong công văn gửi các Sở GD&ĐT ngày 9/9, NXB Giáo dục Việt Nam nêu rõ, đơn vị này có 4 bộ sách lớp 1 theo chương trình mới với 4 tên gọi khác nhau, gồm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. NXB này bày tỏ mong muốn được phối hợp với các sở GD&ĐT trong việc tổ chức hội thảo giới thiệu sách; đào tạo, tập huấn giáo viên... 

Vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam cũng giới thiệu về 4 bộ sách của mình. PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên môn Tiếng Việt, Ngữ văn, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ tích cực các địa phương chọn sách trong việc tập huấn giáo viên tài liệu in, clip quay bài trình bày của tổng chủ biên, bài dạy mẫu của giáo viên lớp 1. Việc tập huấn sẽ được triển khai cho cả giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Là đơn vị tham gia xuất bản 1 bộ SGK thuộc NXB Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Bá Khánh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội nhìn nhận việc 1 chương trình nhiều SGK có rủi ro không nhỏ.

Nếu hướng dẫn chọn SGK của Bộ GD&ĐT không mở, cùng với tâm lý đám đông, tâm lý e ngại sẽ dễ dẫn đến tình trạng các địa phương chỉ chọn 1 bộ SGK cho dễ quản lý. Mặc dù vậy, ông Khánh tin tưởng thông tư hướng dẫn của Bộ sẽ khắc phục được lo ngại hiện nay của dư luận là tính cục bộ, lợi ích nhóm, “áo gấm đi đêm”.

Nhìn vào danh mục SGK vừa được phê duyệt, NXB Giáo dục có đến 4 bộ SGK lớp 1 với 24 bản thảo. Như vậy có thể thấy, trong năm học 2020-2021, SGK của NXB Giáo dục vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn? Ông Thái Văn Tài chia sẻ, tính độc quyền xảy ra khi chỉ có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau.

Hơn nữa, luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. Vì vậy, việc lựa chọn bộ sách vẫn phải dựa trên tính phù hợp với từng địa phương. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.

Còn theo Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương, người từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản, quốc gia vốn có sự đa dạng SGK rất sớm, ngay từ thế kỷ 19, nếu không có cơ chế kiểm soát chéo, sự thanh tra giám sát chặt chẽ của ngành, của công luận thì sẽ dẫn đến tình trạng “đi đêm” giữa đơn vị xuất bản và đơn vị thẩm định, đơn vị tuyển chọn, dẫn đến học sinh không được học bộ sách tốt nhất. Đây là những rủi ro cần phải tính toán thật kỹ. 

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đinh Quang Báo: Chưa có đội ngũ chuyên nghiệp biên soạn SGK

Nhược điểm lớn nhất của SGK truyền thống là tập trung vào chức năng cung cấp thông tin, kiến thức một môn học. Và khi quán triệt một cách máy móc đã biến hoạt động dạy hướng vào truyền đạt cái có sẵn, hoạt động học tập trung vào ghi nhớ, rập khuôn SGK. 

Hơn nữa, Việt Nam không có viện hay trung tâm nghiên cứu biên soạn SGK như ở một số nước nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK.

Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm, tham gia nhiều đợt soạn SGK nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm, nhưng chưa bài bản, còn hạn chế vì tri thức giáo dục học. Đó là một khó khăn, nếu có biện pháp tổ chức nhân sự, trao đổi quán triệt những lý luận cơ bản về SGK và đặc biệt có chế độ đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần thì sẽ khắc phục được các khiếm khuyết đó. 

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới: Có chống được độc quyền SGK?

Về chống độc quyền nói chung đã có Luật Cạnh tranh. Quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội và của Luật Giáo dục (sửa đổi) về xã hội hóa việc biên soạn SGK là những quy định có tính nguyên tắc để chống độc quyền trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Do đó hy vọng Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có quy định cụ thể để chống độc quyền SGK.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, sự thể hiện yêu cầu tích hợp và phân hóa trong các bộ SGK vừa tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và cách thức đánh giá, vừa tạo điều kiện cho người học được phát huy khả năng sáng tạo.

Do đó, cần có biện pháp kết hợp kinh phí ngân sách và động viên nguồn lực xã hội để thư viện trường có đủ các bộ SGK cho mỗi giáo viên, mỗi học sinh mượn, sử dụng tại lớp. Khi đó, giáo viên sẽ tham khảo/lựa chọn những bài phù hợp nhất ở những quyển SGK khác nhau để dạy cho học sinh của mình. Như vậy, mới phát huy được lợi thế của chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” như kỳ vọng bấy lâu nay. 

N.Thương

Đọc thêm

Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô': Hành trình dạy - học hạnh phúc

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tôn vinh các thầy cô xuất sắc tiêu biểu tại những vùng khó khăn trên cả nước. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
(PLVN) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa công bố danh sách 60 gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Đây là năm thứ 10 Chương trình đồng hành lan tỏa thông điệp dạy học hạnh phúc của các thầy cô trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được 'nâng cấp'

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
(PLVN) - Đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp
(PLVN) - Sáng ngày 28/10/2024, tại Hội trường lớn, Khoa Kinh tế, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Kế toán - Kiểm toán góc nhìn thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 500 sinh viên tham dự cùng các chuyên gia đầu ngành, mang đến cơ hội quý báu để các bạn trẻ khám phá sâu hơn về nghề nghiệp.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh: Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: THPT Việt Đức)
(PLVN) - Sau gần một tháng ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh (HS) vi phạm tại các điểm trường trên cả nước đã giảm và có sự chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh thay đổi tích cực từ phía HS, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía phụ huynh lại có dấu hiệu tăng cao.

Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Nguồn: THCS Lê Lợi)
(PLVN) - Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực cho công việc kiên cố hóa trường học. Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước nguồn lực còn hạn chế, nên việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Kỷ luật hiệu trưởng nếu bị dư luận phản ánh xảy ra lạm thu

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Sở GD&ĐT TP HCM ra văn bản chỉ đạo : ãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại TP HCM bị dư luận, báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể liên quan đến tình trạng lạm thu.