Theo Cục Thống kê thành phố, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI của Đà Nẵng trong 6 tháng qua có tăng, nhưng mức tăng không cao và thấp hơn so với các thành phố lớn khác, kể cả những tháng lễ, Tết. Đặc biệt, chỉ số CPI tháng 4, 5 và tháng 6 có mức tăng bằng nhau là 0,28%, điều này cho thấy thị trường Đà Nẵng về cơ bản ổn định.
Người dân đến mua hàng tại Siêu thị BigC Đà Nẵng. |
Sở Công thương thành phố cho biết, tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Đà Nẵng được nhìn nhận là không có biến động lớn. Trong 6 tháng qua, nguồn cung các mặt hàng dồi dào do các đơn vị cung ứng hàng chủ động chuẩn bị tốt, sản phẩm hàng hóa đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Nhiều siêu thị liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá trong những ngày lễ, và theo từng đợt để kích cầu tiêu dùng. Qua đó, người dân được lợi nhiều hơn từ chính sách tiết kiệm tiêu dùng như chương trình sinh nhật lớn của BigC, chương trình bốc thăm trúng thưởng của siêu thị Intimex, chương trình mua hàng sôi động cùng mùa World Cup, Trung tâm thương mại VDA-CoopMart tổ chức nhiều đợt bán hàng giảm giá với hàng trăm mặt hàng, sản phẩm gia dụng thiết yếu…
Nếu như sự ổn định giá có thể nhìn thấy từ các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn, thì tình hình giá nhiều mặt hàng như đường, sữa, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm tại thị trường bên ngoài đã bắt đầu đòi tăng từ gần 1 tháng nay. Đáng chú ý, trong khi giá nguyên liệu các mặt hàng như đường, sữa trên thế giới đang có chiều hướng giảm thì giá trong nước lại tăng. Người bán lấy lý do thiếu hàng hoặc hàng chưa về kịp, từ đó đẩy giá bán không đồng đều ở mỗi nơi. Ngay giá cả giữa các chợ loại 1 cũng không tương đồng, cụ thể giá tham khảo mặt hàng đường cát trắng tại chợ Cồn là 18.000 đồng/kg, nhưng tại chợ Hòa Khánh lên gần 20.000 đồng/kg.
Tương tự, nguyên liệu mặt hàng sữa trên thị trường thế giới đã giảm từ 300-400 USD/tấn so với tháng trước (sữa bột gầy) và giảm 100 USD/tấn (sữa nguyên kem) nhưng giá nội địa đã không giảm lại còn nhúc nhích tăng vài ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, các loại gia vị thực phẩm đã có dấu hiệu nhúc nhích, mặc dù sức cầu không vượt ngoài khả năng cung của nhà sản xuất. Theo nhận định của những người làm kinh doanh, sở dĩ giá cả có sự bất hợp lý như vậy là do giới đầu cơ đang có kế hoạch làm giá thị trường trong những tháng có những dịp lễ như 1-6, Rằm tháng 8, chuẩn bị mùa khai trường của học sinh, mùa nhập học của sinh viên ngoại tỉnh...
Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Tính đến giữa tháng 6, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 1.600 vụ, trong đó xử lý gần 1.500 vụ vi phạm kinh doanh với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, QLTT tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát giá cả thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức và thực hiện các quy định của pháp luật trong việc quản lý giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Đồng thời, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, duy trì hoạt động kiểm tra về công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường.
Để có được sự bình ổn này, ngoài các giải pháp vĩ mô của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của thành phố, ngành Công thương, chương trình kêu gọi thực hiện bình ổn giá của cơ quan chức năng, các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp, các chợ trên địa bàn cần chấp hành tốt chính sách ổn định giá. Cùng với đó công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành chức năng phải được tăng cường, nếu không việc tăng giá ở một số mặt hàng có thể sẽ là nguyên nhân của tình trạng “làm giá” trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Duyên Anh