Cặp trai gái tật nguyền quen nhau rồi nhà trai mang sính lễ đến xin cưới. Hôn lễ đã cử hành long trọng, ai ngờ 20 ngày sau nhà gái đến bắt con về. Xung quanh sự việc hi hữu này, gia đình nhà trai cho rằng đám cưới trên có thể là vở kịch do nhà gái dựng lên nhằm chiếm đoạt tiền sính lễ?.
Người đàn ông “mất” vợ |
Chú rể trong đám cưới trên là anh Nguyễn Quốc Hùng (SN 1989, ngụ ấp Bến Sắn, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, Bình Dương), bị liệt hai chân, phải di chuyển bằng xe lăn.
Kể lại chuyện tình duyên của mình, anh cho biết cách đây một năm quen biết chị Nguyễn Thị Yến (SN 1987, ngụ Khu phố 1, phường Phú Hoà, Thủ Dầu Một), cũng là người khuyết tật, bị chứng bại não bẩm sinh, cùng học nghề tại trung tâm dạy nghề dành cho người tàn tật. Qua những buổi chuyện trò, đôi trai gái cảm mến nhau, đi đến hôn nhân sau một năm thử thách tình cảm.
“Hai đứa tôi thực sự thương yêu nhau. Tôi thường ngồi một chỗ, sau giờ học Yến lại tìm đến chăm sóc rất chu đáo”, Hùng nhớ lại. Cặp đôi đem chuyện thưa với gia đình hai bên. Dù e ngại đôi trai gái tật nguyền liệu có thể tự lo liệu cuộc sống bản thân hay không, nhưng vì thương con, muốn bù đắp thiệt thòi, bố mẹ Hùng chiều ý, đến nhà gái thưa chuyện cưới xin. “Chúng tôi gặp ông bà sui, cam kết sẽ nuôi dưỡng hai đứa chúng nó tử tế. Gia đình bên đó đồng ý, chọn ngày 23/1/2013 làm hôn lễ”, cha chú rể trình bày.
Đám cưới của hai số phận kém may mắn không hề thua kém những đám cưới của người bình thường: “Bà con xóm làng ai cũng mừng cho thằng Hùng lấy được vợ, người ta đến dự tiệc hơn 20 bàn. Hai đứa hạnh phúc, con Yến mặt rạng rỡ đẩy xe lăn đưa chồng lên xe hoa”, mẹ chú rể đưa cuốn ảnh cưới dày cộm cho khách xem. Ở nhà gái, đám cưới diễn ra không kém phần linh đình: “Cả xóm đều được mời đi ăn tiệc đám cưới tại nhà hàng sang trọng”, một hàng xóm cạnh nhà cô dâu xác nhận.
Sau đám cưới rình rang, Yến về nhà chồng ở huyện Bến Cát sinh sống. Hùng ngồi xổm, lộ đôi chân teo tóp, giọng rầu rĩ rằng quãng thời gian sống chung hạnh phúc quá ngắn ngủi. Ngày ngày anh nhận hàng thủ công về làm tại nhà, có nghề vi tính nên người chồng bại liệt còn tranh thủ mở thêm dịch vụ tải nhạc từ máy tính sang điện thoại di động, đánh thuê văn bản.
Còn Yến do bệnh bại não, không đi được nhiều nên chỉ có thể làm những việc lặt vặt như dọn nhà cửa, rửa chén bát. Ai ngờ mới sống chung được 20 ngày, trắc trở bắt đầu xuất hiện.
Hùng trình bày tỉ mỉ: “Mồng Hai Tết, mẹ vợ lên thăm nhà, đồng thời xin phép gia đình đưa vợ tôi về bên ngoại chơi Tết mấy ngày. Thái độ mẹ vợ niềm nở lắm. Đến mồng Sáu Tết, bố mẹ vợ quay lại, xin phép đón tôi về dưới Thủ Dầu Một ở cùng vợ”. Vợ chồng anh ở chơi bên nhà vợ đến ngày 14 tháng Giêng, không hề có bất kì mâu thuẫn nào xảy ra.
Khi bố mẹ Hùng sang thăm ông bà sui, đồng thời xin phép rước con trai và con dâu về thì: “Đang nói chuyện vui vẻ, khi nghe chúng tôi xin đón hai đứa về, ông bà sui liền đổi giọng, lớn tiếng bảo thằng Hùng muốn về cứ về một mình, chứ không đồng ý để con Yến về cùng. Nhà gái còn bảo hai đứa không thể tự lo cuộc sống bản thân, tốt nhất con nhà ai, nhà đấy chăm sóc. Vợ chồng tôi ngậm ngùi đưa con trai về. Không ngờ người ta nói chuyện đại sự như thể trò chơi trẻ con”, mẹ chú rể bức xúc.
Từ đó cặp vợ chồng trẻ không còn gặp nhau. “Tôi nhớ vợ lắm nhưng không sao liên lạc được. Số điện thoại cô ấy thường dùng, giờ gọi vào thì ai đó nghe máy, nói nhầm số”, anh tâm sự.
Cô dâu chú rể trong đám cưới |
Còn bà Trần Thị Lân, mẹ ruột của chị Yến giải thích, do cảm thấy con rể bị liệt hai chân, không thể lo liệu cho con gái nên mới “giành” lại con mình.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng khu phố 1, nơi gia đình bà Lân sinh sống xác nhận: “Theo lời bà Lân, lý do đòi lại con gái bởi gia đình sui gia không thực hiện đúng như những lời hứa hẹn trước đó, như đứng ra chi trả toàn bộ chi phí thuê xe rước dâu, rồi con rể bị bại liệt nên không thể chăm lo cho vợ cuộc sống đàng hoàng. Do thương con nên bà ấy mới hành động như thế”.
Tuy nhiên, bố mẹ chú rể lập luận: “Nếu ông bà sui lo con gái khổ sở, chê con trai tôi dị tật, tại sao vẫn đồng ý cho hai đứa tổ chức đám cưới, sao không khước từ đầu?”.
Cha mẹ chú rể cho hay họ đang nghi ngờ đám cưới của Hùng và Yến chỉ là vở kịch do nhà gái dựng nên để kiếm cớ thu lợi. Mẹ chú rể xâu chuỗi một loạt chi tiết “lạ” trong đám cưới: “Trước đám cưới, gia đình nhà gái hỏi chúng tôi sẽ trao lễ cưới cho cô dâu là nữ trang hay thứ gì. Rồi khi diễn ra đám cưới, người ta cũng chẳng thèm trang trí, chụp tấm hình nào làm kỉ niệm, trong khi đây là chuyện trọng đại đời người”.
Chưa hết, theo lời bà mẹ chồng, khi nhà nam đề nghị đưa đôi trẻ đi làm thủ tục đăng kí kết hôn, nhà nữ trì hoãn với lý do con gái bị mất giấy chứng minh nhân dân, chưa kịp làm lại.
Chỉ vào tấm hình ghi lại cảnh cô dâu làm lễ thành hôn trên sân khấu, mẹ chú rể tiếp lời: “Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy lạ, trong phong tục cưới hỏi người Việt bao giờ cũng chỉ có một phù dâu và một phù rể. Đằng này con Yến lại có đến hai phù dâu. Quan niệm dân gian cho rằng nếu như thế, thằng Hùng sẽ phải lấy hai vợ, đám cưới không bền vững dài lâu. Điểm khó hiểu nữa đó là sau khi cô dâu chú rể bái lễ thành hôn, phải cho tắt hai ngọn nến trên bàn thờ, gọi là lui đèn, nhưng ông bà sui gia lại không cho tắt nến, cứ để lửa cháy”.
Những chi tiết trái ngược phong tục truyền thống trên như lời cha mẹ chú rể là cực kì cấm kị trong lễ cưới, nếu phạm phải có thể đôi vợ chồng đó sau này sẽ xảy ra trở ngại. Kết nối những “điềm gở” với nhau, mẹ chú rể nghi vấn nhà gái không hề muốn tổ chức lễ cưới đúng nghĩa, chỉ nhằm chiếm lợi khoản tiền sính lễ.
Cô dâu trong hôn lễ có đến hai phù dâu |
“Dẫu không giàu có bằng ai nhưng gia đình tôi cố vay mượn để trao cho con dâu đôi bông tai một chỉ vàng, cặp nhẫn trị giá hơn bảy triệu đồng. Cộng với các khoản khác, tổng chi phí sính lễ mang sang nhà gái khoảng 20 triệu đồng. Thương con, vợ chồng tôi đã thế chấp sổ đỏ, vay mướn 50 triệu tổ chức đám cưới, nay vẫn còn nợ 5 triệu. Vì hạnh phúc các con, vợ chồng chấp nhận hy sinh, không ngờ nhà gái lại trở mặt”, mẹ chú rể nói giọng uất ức.
Gia đình định giải quyết bằng cách nào?. Cha mẹ chú rể quả quyết: “Nếu nhà gái không cho hai đứa lấy nhau nữa, hãy trả lại toàn bộ sính lễ”. Về phần mình, người chồng “mất vợ” thật thà khẩn cầu: “Tôi vẫn thương yêu Yến và tin rằng cô ấy cũng thương tôi. Xin bố mẹ bên đó hãy đồng ý để hai đứa trở lại cuộc sống vợ chồng”. Khoé mắt chàng trai tật nguyền rớm lệ.
Gia đình chú rể đã có đơn khiếu nại gửi lên UBND phường Phú Hoà nhờ can thiệp. Giải đáp sự việc trên về mặt pháp lý, một cán bộ phường Phú Hoà cho hay chưa biết giải quyết sự việc như thế nào do chị Yến bị bại não, có thể rơi vào trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, bị cấm kết hôn, chỉ toà án mới đủ thẩm quyền phán quyết.
Mai Long – Quốc Khánh