Geely, nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đã bỏ ra 1,8 tỷ USD để sở hữu thương hiệu Volvo từ hãng Ford. Đây được xem là thương vụ lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của một hãng xe hơi Trung Quốc, với mục đích đẩy nhanh quá trình trở thành tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.
Nhiều chuyên gia đầu ngành đã miêu tả thoả thuận mua bán này tương tự như việc “chàng trai nghèo của vùng quê (Geely) cưới cô gái con nhà đại gia từ thành phố (Volvo)”. Tuy nhiên, liệu Geely có thể hiện thực hoá giấc mơ vươn tới đỉnh cao hay không, thời gian sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Những giấc mơ khác nhau
Thương vụ Geely và Volvo là sự thoả thuận mua bán của hai nhà sản xuất xe hơi với nền tảng và lịch sử hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, để xây dựng mối quan hệ đối tác thành công thì cần có kế hoạch bền vững cho quá trình hậu hoà hợp.
Sở hữu Volvo không phải là thoả thuận vượt biên giới đầu tiên của Geely. Năm 2006, Geely đã thiết lập quan hệ đối tác với Manganese Bronze để sản xuất phụ tùng và lắp ráp các xe London Taxi. Ngày 17/03/2010, Geely công bố kế hoạch trở thành cổ đông chính của Manganese Bronze. Tháng 5/2009, Geely sở hữu nhà sản xuất hộp số Australia Drivetrain Systems International.
Geely rõ ràng đang sử dụng kế hoạch liên minh ngoài biên giới để thúc đẩy việc phát triển và cải thiện khả năng cạnh tranh trong thị trường xe hơi nội địa. Geely cũng có thể trở thành nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, hầu hết các thương vụ đều không thành công như cam kết ban đầu.
Bài học từ các thương vụ thất bại
Lịch sử phát triển của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu đã chứng kiến nhiều thương vụ thất bại, trong đó không ít vụ thuộc về Trung Quốc.
Ví dụ, việc sở hữu Ssangyong của SAIC đã bị bao phủ bởi vô vàn khó khăn. Hai công ty có những giấc mơ khác nhau về điều mà họ muốn từ quan hệ đối tác và đã không thành công. SAIC không thể đảm bảo sự nhượng bộ từ công đoàn lao động của Ssangyong để cắt giảm chi phí, không sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đô la để đầu tư vào kinh doanh, không thể quản lý sự chảy máu chất xám từ lãnh đạo Ssangyong. Cuối cùng, SAIC đành quyết định huỷ bỏ hợp đồng.
Thậm chí, những quan hệ đối tác thành công ban đầu cũng không thể đạt kết quả có hậu. Ford đã nỗ lực để liên minh với Mazda và gặt hái nhiều thành công. Cả hai nhà sản xuất đều thu lợi nhuận từ việc chia sẻ sản xuất và phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, gần đây, Ford đã đưa ra quyết định thanh lý cổ phần của hãng tại Mazda để tăng lượng tiền mặt.
Một trong những thương vụ nổi tiếng nhất là cuộc hôn nhân thất bại giữa Daimler-Benz và Chrysler. Thương vụ trị giá 38 tỷ USD đã tan rã vào năm 2007.
Tham vọng lớn của một nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc |
Những nguyên nhân thất bại cần lưu ý tới từ thương vụ Daimler-Benz và Chrysler:
1. Sự sai lệch trong chiến lược: Mỗi công ty có lý do căn bản để hình thành quan hệ đối tác, tuy nhiên, lại thiếu sự gắn kết giữa các thành viên. Ông Juergen Schrempp, lãnh đạo tập đoàn Daimler bấy giờ, muốn mở rộng quy mô và đưa Daimler-Benz thống trị ngành kinh doanh xe hơi. Trong khi đó, Bob Eaton, chủ tịch Chrysler lại đặt mục tiêu nâng tầm Chrysler, đưa thương hiệu này nổi danh trên toàn cầu. Mặc dù, bề ngoài của bản thoả thuận nghe có vẻ hợp lý, nhưng tầm nhìn này lại thiếu định hướng từ trên xuống dưới để xây dựng một tập đoàn xe hơi liên kết mang tính toàn cầu.
2. Sức căng thương hiệu: Thương hiệu Daimler và Chrysler không chồng chéo lên nhau, tuy nhiên cuộc đấu tranh để đưa ra một hình ảnh chính thức lại là vấn đề lớn. Về nhiều phương diện, mỗi công ty đều đã ghi dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng. Vì vậy, ý tưởng chia sẻ sản phẩm, công nghệ, thậm chí nguồn lực trong việc phát triển, phân phối được xem như sự mạo hiểm. Daimler thì lo ngại rằng mối quan hệ trực tiếp với Chrysler sẽ làm hại hình ảnh sang trọng của Mercedes-Benz. Ngược lại, Chrysler lại e dè cấu trúc chi phí của Daimler sẽ khiến tính cạnh tranh của nhà sản xuất này suy giảm.
3. Thiếu sự hội nhập kinh doanh: Chrysler Group đã trở thành một phân khúc trong Daimler-Benz (được đổi tên thành DaimlerChrysler AG vào tháng 11/1998). Ngoài việc hợp nhất các chức năng như dịch vụ tài chính, nguồn lực con người, công nghệ thông tin thì những bộ phận chính không thay đổi. Vì vậy, những quyết định phức tạp về cách chia sẻ chi phí phát triển, công nghệ mới, cấu trúc sản phẩm, nhà máy sản xuất cũng như chiến lược kinh doanh, tiếp thị sản phẩm đều hoàn toàn riêng biệt. Do đó, lẽ đương nhiên không bên nào có thể thu lợi nhuận từ quan hệ đối tác.
4. Chảy máu chất xám: Chỉ 2 năm sau khi sáp nhập, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao đã ra đi. Điển hình là quyết định từ chức đồng CEO của Bob Eaton cũng như sự ra đi của 100 nhà quản lý hàng đầu của Chrysler.
5. Sự khác biệt về văn hoá: Những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá giữa Đức và Mỹ gây nên xáo trộn nhất định. Sự hiểu lầm, mâu thuẫn cuối cùng cũng xảy ra. Ban đầu, cả hai bên đều cố gắng chịu đựng, nhưng khi không thể tìm được quan điểm chung thì bất đồng xảy đến là điều khó tránh khỏi.
Với những bài học từ quá khức, Geely chắc hẳn đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tránh rơi vào vết xe đổ. Tuy nhiên, nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc này vẫn phải vượt qua nhiều thách thức khác trước khi trở thành một thương hiệu lớn được ghi nhận trên thị trường xe hơi toàn cầu:
1. Sự đồng nhất về chiến lược và cách điều hành: Cần thu hẹp khoảng cách khổng lồ giữa cơ chế quản lý châu Âu truyền thống của Volvo và chế độ kinh doanh gia đình cố hữu của Geely. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất để đạt được sự hợp nhất giữa 2 nhà sản xuất.
2. Cấu trúc chi phí: Do Volvo sẽ duy trì cấu trúc kinh doanh hiện hành, nên sẽ rất khó để Geely hiện thực hoá việc thu lợi nhuận cao nhất từ quá trình bán xe Volvo toàn cầu. Vì vậy, Geely sẽ phải đầu tư trên diện rộng để đưa Volvo hiện hữu tại Trung Quốc. Geely cần đầu tư mạnh tay vì mạng lưới các đại lý của Volvo khá mỏng.
3. Định vị thị trường: Để trở thành thương hiệu cạnh tranh trên thị trường, Volvo cần phải khẳng định chỗ đứng vững trãi hơn nữa. Trước khi cuộc khủng hoảng tấn công ngành công nghiệp ôtô, Ford đã lên kế hoạch về một phiên bản S40 thệ hệ mới. Nhưng điều đó đã bị thay đổi và Geely sẽ phải kế thừa phiên bản lỗi thời trong vài năm nữa. Bên cạnh đó, một điểm mà Geely cần lưu ý là sản phẩm phục vụ thị trường phổ dụng chứ không hướng tới đối tượng khách hàng sang trọng.
“Kết hôn” với Volvo là một dịch chuyển tham vọng của “chàng trai nghèo từ vùng quê”, với vốn kinh nghiệm ít ỏi trong lĩnh vực xe hơi. Vì vậy, cần có thời gian để kiểm chứng liệu Geely có thể “tăng tốc” trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới hay không.