GDP năm 2016 khó đạt mục tiêu đề ra

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên họp.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên họp.
(PLO) - Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIV, hôm qua (29/7), QH đã dành cả ngày để thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. 

GDP tăng 6,7%: Khó khả thi

Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%; tín dụng tăng 8,16%; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Theo Chính phủ, trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Dự báo chi trả nợ cũng sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.  

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, theo Nghị quyết của QH, năm 2016 GDP tăng 6,7%, trong khi kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước nên để đạt mức tăng trưởng nói trên, GDP 6 tháng cuối năm phải tăng xấp xỉ 7,6%. “Mức tăng này là khó khả thi nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong 6 tháng cuối năm” – báo cáo nêu rõ. 

Tham nhũng còn nghiêm trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Chính phủ trong thời gian qua, như cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ rõ kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai… Việc kê khai tài sản còn hình thức; giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp; lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất.

Trao đổi về vấn đề này, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề xuất báo cáo cuối năm của Chính phủ nên dành 1 mục riêng về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời có đánh giá số liệu về sự lãng phí vì trong thời gian vừa qua, hàng loạt dự án ngàn tỷ không vận hành được, nhiều công trình làm xong chỉ đáp ứng một phần nhỏ hiệu quả của dự án được lập... 

ĐB Tường cũng đề nghị bổ sung giải pháp xác định, quy trách nhiệm người đứng đầu bởi việc không xác định rõ cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy đảng cùng cấp chính là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tình trạng tiêu cực tham nhũng.

Quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ thừa nhận việc quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời; đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra.  

Theo báo cáo của Chính phủ, sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt xác định nguyên nhân, đối tượng và có biện pháp khắc phục thiệt hại, hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tuy nhiên, ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng cách thức xử lý của Chính phủ trong sự cố vừa qua vẫn còn tình trạng lúng túng. “Dư luận và người dân lo lắng nhưng một số lãnh đạo cơ quan chức năng lại phát biểu thiếu cơ sở khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác khiến cho tình trạng nghiêm trọng hơn” – ĐB này nhận định. 

Bên cạnh đó, ĐB Thuật bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương, sớm làm rõ và trả lời khi nào người dân đánh cá gần bờ được, khi nào thì ăn hải sản được, khi nào thì biển an toàn. Tương tự, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đề xuất chú trọng giám sát các hoạt động của Formosa để đảm bảo không gây thảm họa môi trường tương tự trong tương lai. “QH không thể đứng ngoài cuộc, QH  không chỉ tìm ra câu trả lời rõ ràng và minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa mà còn phải nhanh chóng rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân và có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, kể cả người đã không còn tại vị” – ĐB Đồng đề xuất. 

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đến ngày 28/7, Formosa đã thực hiện cam kết chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có phương án hỗ trợ người dân về sinh kế, trong đó có dự án sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi các hệ sinh thái biển.

Về phía Bộ TN&MT cũng đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với Formosa, bao gồm 53 sai phạm và thực hiện kế hoạch toàn diện về khắc phục các sai phạm của Formosa, từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải và triển khai hệ thống ứng phó với sự cố môi trường.

Bộ trưởng Hà cũng thông tin: Bộ TN&MT hiện đang tiến hành thanh tra chuyên đề với các cơ sở có nguồn thải từ 200m3 đến 1.000m3/ngày đêm và sẽ thanh tra toàn diện các mặt từ chủ trương đầu tư đến báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến vấn đề hậu kiểm, kể cả công tác quản lý nhà nước các cấp đến việc chấp hành của các doanh nghiệp trên cả nước, dự kiến đến tháng 9 sẽ hoàn tất giai đoạn 1. 

Ngoài ra, Bộ trên cũng sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý TN&MT và thực hiện hệ thống quan trắc môi trường trên phạm vi toàn quốc theo hướng sử dụng hệ thống quan trắc tự động, kết nối thông tin qua mạng. Hệ thống này sẽ giúp chủ động cung cấp thông tin cho người dân và giám sát môi trường minh bạch đối với tất cả các hoạt động trong địa bàn.

Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hôm qua (29/7), Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV đã bế mạc. Tại Kỳ họp này, QH đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. QH đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; quyết định Chương trình hoạt động giám sát năm 2017 với hai chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” và “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. QH cũng đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. 

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...