Theo các số liệu công bố, quý II có tăng trưởng bứt phá mạnh mẽ so với quý I với tốc độ tăng 6,17%. Có tới 17 ngành tăng trưởng cao hơn quý I, như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây.
Dù GDP quý II đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn còn dấu hiệu đáng lo khi 13/20 ngành kinh tế cấp 1 tăng thấp hơn, có một số ngành đặc trưng như khai khoáng tăng trưởng âm nhiều hơn cùng kỳ; nhập siêu hàng hóa quay trở lại; tồn kho sản phẩm tăng nhiều, có tác động ảnh hưởng dến duy trì sản xuất trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, câu chuyện GDP 6 tháng cuối năm phải đạt 7,4% mới đạt được mục tiêu đề ra cũng được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, liệu trong lịch sử số liệu thống kê có năm nào phản ánh mức tăng trưởng nhảy vọt như mục tiêu 6 tháng cuối năm 2017 chưa? Trả lời cho câu hỏi này, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khóa Quốc gia xác nhận: “Chưa có 6 tháng cuối năm nào đạt được mức tăng cao như thế!”.
Ông Tuyến phân tích, mặc dù lịch sử thống kê chưa xuất hiện bước tăng trưởng nhảy vọt nhưng cũng có những cơ hội và thuận lợi để đạt được. Ví dụ nguồn lực 6 tháng cuối năm còn nhiều như thành lập DN. Năm 2016 thành lập 110.000 DN trong khi đó, 2 quý năm 2017 mới chỉ thành lập được 61.000 nên số lượng này sẽ còn tăng trong 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, dư địa đầu tư toàn xã hội còn lớn, so với kế hoạch đề ra còn trên 6% chưa thực hiện; tăng trưởng tín dụng với kế hoạch 18%/năm, trong khi 2 quý đầu năm mới đạt hơn 4% thì 6 tháng cuối vẫn còn 2/3 khả năng tăng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thường có nhiều cơ hội tăng trưởng vào cuối năm, hiện có thể tin vào một số dự án thép sẽ đi vào hoạt động. Hoặc ngành điện lạnh, điện tử sẽ có tăng trưởng đột biến, ví dụ như Samsung cho biết xuất khẩu sẽ đạt 25 tỉ USD trong năm 2017.
Thuốc lá, dược phẩm, động cơ cũng là một số ngành có dư địa tăng 6 tháng cuối năm sẽ duy trì tăng trưởng cao. Ngoài ra còn phải kể đến ngành xây dựng, với mức dự kiến tăng 10%, sẽ đóng góp rất lớn vào dư địa tăng tín dụng. Du lịch cũng được trông đợi để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm bởi thuận lợi như nới lỏng về visa và cấp visa điện tử. Việc này sẽ dẫn đến số lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng, từ đấy sẽ góp phần tăng thương mại bán lẻ, lưu trú ăn uống, ngân hàng, vận tải.
Việc tăng lương cơ bản từ 1/7/2017 cũng được ông Tuyến kỳ vọng góp phần tăng trưởng vào các ngành dịch vụ, sẽ ít nhiều đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung. Các DN cũng được xem là một yếu tố trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng bởi qua khảo sát về xu hướng kinh doanh, các DN đều cho rằng 6 tháng cuối năm sẽ phát triển tốt hơn.
Chỉ số lạm phát có chiều hướng giảm
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6/2017 tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải từ đại diện Tổng cục Thống kê, CPI 6 tháng đầu năm tăng do giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, TP trực thuộc TW điều chỉnh tăng; Một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí và giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, mức tăng CPI nêu trên đã bao gồm một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp mức giảm CPI chung 0,39%. “Nếu không chỉ số CPI sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đây cũng được coi là tín hiệu đáng mừng. CPI thấp hơn quý I, như vậy là có dấu hiệu lạm phát sẽ ở mức thấp” – ông Tuyến nói.