(HPĐT)- Sáng 20-10, tại Hà Nội, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 khai mạc trọng thể. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành tham dự kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc lời khai mạc kỳ họp.
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 12 |
Trong ngày đầu làm việc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011”, các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các báo cáo thẩm tra.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 |
So với năm 2009, GDP tăng khoảng 6,7%. GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 tăng khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn...
Chính phủ thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém. Đó là năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ; bao cấp qua giá điện, giá than còn kéo dài, không khuyến khích tiết kiệm năng lượng và hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn điện; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo còn cao; quản lý nhà nước về giáo dục- đào tạo vẫn bất cập; công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ chưa tạo bước đột phá góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chính sách còn thiếu đồng bộ, vừa làm hạn chế hiệu quả quản lý, vừa dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm...
Năm 2011, Chính phủ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường và nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với tái cấu trúc nền kinh tế; bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí.../.
Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2011 Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Giảm nhập siêu xuống dưới 20%. Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP 5,5%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP. Tăng giá tiêu dùng khoảng 7%. Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%. Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%o. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; riêng 63 huyện nghèo giảm 4%. Năm 2011 có khoảng 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống khoảng 17,3%. Số giường bệnh/1 vạn dân: 21 giường (không tính giường bệnh của trạm y tế xã). Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người: 19 m2. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 86%. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 78%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 69%. Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 82%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 55%. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 83%. Tỷ lệ che phủ rừng: 40%. |