Sáng 27/10, phiên tòa xét xử 12 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” bước sang ngày làm việc thứ 2.
Theo cáo trạng, khi đề nghị BIDV mở L/C (thư tín dụng) để đảm bảo thanh toán cho Hợp đồng ngoại thương, Đoàn Hồng Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) lập phương án kinh doanh và cam kết với BIDV toàn bộ số hàng sau khi nhập về, Công ty Trung Dũng sẽ bán cho Công ty TISCO. Toàn bộ tiền thu được từ việc bán hàng sẽ chuyển về tài khoản của BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn.
Trên cơ sở các cam kết của Công ty Trung Dũng, BIDV chi nhánh Hà Thành giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý tài sản đảm bảo kèm điều kiện: Lô hàng nhập khẩu chỉ được xuất kho sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của BIDV. Mọi trường hợp xuất kho chưa được sự chấp thuận của BIDV đều bị coi là vi phạm hợp đồng bảo đảm.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2012, sau khi nhập khẩu lô hàng phôi thép, thép phế từ tài khoản phát hành L/C, các công ty của Đoàn Hồng Dũng gặp khó khăn trầm trọng về tài chính. Với áp lực phải trả nợ, Đoàn Hồng Dũng đã bàn bạc, thống nhất với vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn, không bán cho Công ty TISCO bằng pháp nhân Công ty Trung Dũng mà bán hàng lòng vòng qua các công ty của người thân và gia đình.
Cuối cùng thông qua pháp nhân của các công ty gia đình để ký hợp đồng mua thép phôi và phôi thép của Công ty Trung Dũng. Sau đó bán cho Công ty TISCO, nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với Công ty Trung Dũng. Toàn bộ số tiền nhận được, Dũng và Sơn chiếm đoạt, sử dụng vào việc trả nợ cho các khoản khác và chi tiêu cá nhân.
Tại tòa, bị cáo Dũng cho rằng cáo trạng truy tố mình về hành vi trên là nặng. Theo lời phân trần của bị cáo Dũng, ông ta chỉ tiếc rằng không mượn được thêm của cha mẹ, anh em, bạn bè, nếu mượn được đã bổ sung từ năm 2011. “Tài sản của bố mẹ bị cáo đến nay cũng không còn gì. Thậm chí con cái đến nay không có nhà ở”, bị cáo Dũng nói.
Khi bị HĐXX hỏi việc bán tài sản thế chấp là đúng hay sai, bị cáo Dũng thừa nhận là sai, người mua là công ty khác. Trước câu trả lời trên, vị thẩm phán cho rằng bị cáo trả lời cứ mờ mờ, ảo ảo trong khi chiếm đoạt hàng nghìn tỷ của nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn tại tòa. |
Đến lượt mình, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn vừa cười vừa trả lời câu hỏi của HĐXX. “Bị cáo có ý kiến gì về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà VKS truy tố?”. Bị cáo Sơn cười nói bản thân thiếu hiểu biết nên đã sơ suất, đồng ý giúp chồng. “Mong HĐXX chiếu cố, khoan hồng cho bị cáo”, bị cáo Sơn vừa cười vừa nói.
Trước thái độ khai báo của bị cáo, thẩm phán Trương Việt Toàn nói: “HĐXX nhắc bị cáo, chỉ có bị cáo mới khoan hồng được cho mình. Hỏi bị cáo mỗi câu: “Có biết tài sản đang bị thế chấp không thì bị cáo nói không biết”.
Bị truy vấn, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn vội vàng lý giải, nói do bản thân không được tham gia điều hành kinh doanh, chỉ được nghe Dũng nhờ đại diện pháp nhân.
“Bị cáo nghĩ đơn giản nhỉ, như thế làm sao mình có tội”, thẩm phán Toàn nói tiếp. Lúc này, bị cáo Sơn cười, sau đó lý giải có “đồng chí phó giám đốc, bị cáo không được làm cái gì”. “Đừng đổ cho đồng chí phó giám đốc”, thẩm phán Trương Việt Toàn nói. Bị cáo Sơn lại cười nói bị cáo chịu trách nhiệm là sơ suất bán hợp đồng phôi thép.
Theo cáo buộc, vợ chồng Sơn phải liên đới bồi thường cho Ngân hàng BIDV số tiền đã chiếm đoạt là hơn 263 tỷ đồng./.