Gặp những người ở lại sau“Hồi ký bất tử của một liệt sĩ công an”

 Sau khi loạt bài " Hồi ký bất tử của một liệt sĩ công an" được đăng tải trên PLVN Online, nhiều bạn đọc mong mỏi được biết hiện giờ bé Duy Minh- con trai của vợ chồng liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng hiện đang sống như thế nào. Và thôi thúc bởi những tình cảm trĩu nặng người cha viết lại cho con trước lúc đi xa, chúng tôi đã tìm về gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng...

Khi chuẩn bị tìm đến gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng, tôi có chút e ngại, vì sợ nhắc lại một câu chuyện đau lòng, gây thêm muộn phiền cho những người còn sống. Cuộc trò chuyện ban đầu có phần dè chừng nhưng rồi vui mừng nhận ra rằng, câu chuyện đầy tự hào nhưng buồn rơi nước mắt ấy vẫn được trân trọng cất giữ trong trái tim, không còn gây buồn tủi mà lại là động lực để những người ở lại sống xứng đáng, mạnh mẽ tiến về phía trước…

[links()]

Một chút hình dung

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, tiếng là TPHCM nhưng lại gần giáp với Long An. Con đường xa ngái khiến tôi hơi chạnh lòng một chút khi nhớ ra rằng, anh Dũng đã từng phải vượt qua mỗi ngày để đi làm và trở về với gia đình.

3
 “Gia đình chúng ta du xuân- 2003”

Hưng Long nằm sâu bên trong huyện Bình Chánh, cách khá xa đường quốc lộ, vì thế mà yên ả và còn rất “quê”. Nhà chị Trần Thị Thảo- chị ruột của chị Trần Thị Luận, vợ anh Dũng - nằm chếch một chút với một ngã ba đường có bóng cây to đổ xuống, hỏi người dân trong vùng thì hầu như ai cũng biết.

Nhà xây, be bé nhưng khang trang, sạch sẽ, Bên cạnh nhà là khu vườn nhỏ có giếng nước trong, trồng nhiều loại rau và hoa cỏ, mát và yên bình. Đó là nơi cháu Nguyễn Duy Minh, con trai anh Dũng đang sống và lớn lên. Minh gọi chị Thảo là dì Bảy, ngắn gọn theo cách miền Nam là Bảy. “Bảy ơi, con về rồi.”- sau câu nói, một cậu bé da trắng, rất khôi ngô, dựng xe đạp xuống và chạy vào nhà.

Duy Minh đang học lớp 9 trường Trung học Hưng Long, cách nhà chưa đến 1 cây số. Khi cháu còn nhỏ, sống với ông ngoại, ngày ngày ông đưa đón Duy Mình đi học. Hơn một năm trước, thấy cháu đang tuổi lớn, chị Thảo quyết định đón cháu về sống, nhà chị gần trường hơn, tiện sinh hoạt hơn, mà chị cũng là giáo viên, có thể dễ dàng theo dõi diễn biến tâm lý của cháu ở tuổi đang lớn, đồng thời theo sát việc học hành của cháu…

Trong kí ức người ở lại

Trong kí ức những người ở lại, câu chuyện về anh Dũng và chị Luận là một câu chuyện tình đẹp, đẹp ngay cả khi nó trở nên đau đớn, cận kề với cái chết. Hơn thế, câu chuyện ấy đẹp ngay cả khi cái chết đem được họ đi nhưng phải bất lực vì đã không thể chia lìa được họ!

1
Duy Minh bên dì Thảo- người được ủy thác từ vợ chồng anh Dũng, và hiện đang nuôi nấng cháu.

Nhà anh Dũng và nhà chị Luận cách nhau một đoạn ruộng lúa, quen nhau từ thuở ấu thơ; đến lớn, tình gắn bó trẻ con trở thành tình yêu lúc nào không hay. “Bên nhau từ nhỏ, lớn thương nhau nên tụi nó hiểu và gắn bó với nhau lắm. Đến khi Dũng phát bệnh, chưa có sự xác nhận từ cơ quan, Luận vẫn tin Dũng, không trách một lời.

Hồi đó, HIV còn là cái gì đó gớm ghiếc, kinh khủng, bà con lối xóm xì xào chịu không nổi. Tụi nó ý thức bệnh, sợ người khác bị lây nên không cho ai chăm nom. Tôi đến chăm hai đứa, nhưng đến tối là Luận đuổi về, nó nói chị ở qua đêm phức tạp lắm, rồi người chòm xóm sợ chị… Trời ơi, nhìn hai đứa nó tự chăm cho nhau với tình thương yêu đó mà ai cũng rớt nước mắt…” - chị Thảo bùi ngùi khóc.

Giai đoạn bệnh phát nặng, hai vợ chồng phải vào bệnh viện, anh Dũng vẫn ngay ngáy lo, không muốn vào vì “em có chế độ của ngành, vợ em không có chế độ gì hết, liệu người ta có chăm sóc tốt, cho thuốc men đầy đủ như em không hả chị, hay để vợ chồng ở nhà chăm nhau còn hơn?”.

Những ngày anh chị bệnh, rất nhiều người đã đến trao những tấm lòng. Có những người không quản đường xa, đến để động viên tinh thần, để trao tiền, rồi đi mà không để lại danh tính. Vợ chồng anh Dũng băn khoăn với chị Thảo: “Tụi em nhận lòng tốt của bà con nhiều quá mà sắp chết rồi, phải lấy gì trả nợ tình cho người ta đây chị ơi”.

Bạn đọc báo Pháp luật Việt Nam đã biết nhiều về tình yêu thương của anh Dũng dành cho con qua quyển hồi kí để lại. Và trong kí ức của người ở lại, tình thương ấy càng hiện ra sống động và xúc động hơn.

Chị Thảo kể rằng, trong những ngày phát bệnh, sợ để lại những kí ức đau đớn cho con, anh Dũng và chị Luận nhờ mọi người đưa cháu về ngoại sống, giữ cho cháu không biết gì ngoài việc cha mẹ bệnh nặng. Chị Thảo kể rằng, Duy Minh hồi ấy chỉ im lặng, nhưng thấy người lớn nói gì vẫn đứng nép lại nghe ngóng.

Trong những ngày bệnh, họ nhớ con da diết mà không dám gặp con. Những ngày cuối cùng trên cõi đời, anh Dũng tha thiết nói với chị Thảo: “Chị cho em gặp Duy Minh, em muốn nhìn con lần cuối, đem con đến cho em đi chị…” Những giờ phút cuối đời, Duy Minh là nỗi đau lớn nhất trong anh. Những tấm hình gia đình ngày còn bên nhau làm cho người ta phải nao lòng - những tấm ảnh làm chứng cho một đoạn đời người. Ảnh anh Dũng và chị Luận ngày còn hạnh phúc, son trẻ, chưa biết đến ưu phiền bệnh tật; hình cả gia đình đi chơi ngày Tết; ảnh hai mẹ con chụp riêng với nhau khi vợ chồng họ đã bắt đầu phát bệnh, trên gương mặt bắt đầu hằn lên sự tiều tụy của bệnh trạng… Còn nao lòng hơn khi đọc dòng chữ đằng sau những tấm hình ấy: “Gia đình chúng ta đi du xuân- 2003”, “Kỉ niệm mẹ con mình bên nhau- 2004”. Khi ấy, Duy Minh còn nhỏ xíu, gầy guộc và cũng chưa biết buồn phiền trong vòng tay ba mẹ…

Trong kí ức của anh Năm Đông, anh trai thứ năm của anh Dũng thì “Út Dũng rất có hiếu. Từ nhỏ nó gắn bó với bà già (mẹ anh Dũng). Đi học xa mà về thường lắm. Dũng chết đi rồi, mẹ tôi đau quá bị bệnh tâm thần luôn, nửa tỉnh nửa mê, cứ đứng trước bàn thờ vuốt mặt vuốt mũi nó, vuốt hình thôi mà thì thầm nói chuyện như còn sống vậy. Năm ngoái thì mẹ tôi mất, vì không chịu nổi”.

Cha anh Dũng nay cũng đã quá già yếu; mới đây, cụ bị tai biến, liệt nửa người, hiện vẫn đang nằm ở bệnh viện Trưng Vương.

Trước khi mất, vợ chồng anh Dũng quyết định bán căn chung cư được UBND quận 11 cấp để lo tiền thuốc thang mà không phiền lụy đến ai, số tiền còn lại đem xây lại căn nhà khang trang cho cha mẹ sống tuổi già. Căn nhà ấy hiện gia đình anh Năm Đông đang ở với ông cụ lúc cụ chưa ngã bệnh. Bài vị vợ chồng anh Dũng cũng ở đấy, bên mẹ. Ngày ngày, Duy Minh đều đến thắp hương…./.

Ngọc Mai

(Đón xem tiếp kỳ 2: Con đường rất đẹp ở phía trước)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.