Cách đây gần chục năm, tôi tình cờ gặp nhà thơ Hải Như tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng. Lúc ấy, ông định cư tại thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng thăm người thân, nhân tiện đến chơi với anh em văn nghệ sĩ tại Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật. Bữa ấy cũng là buổi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ thành phố. Gần chục năm sau cũng lại một lần tình cờ, tôi được gặp lại nhà thơ giờ đã bước sang tuổi 87 tại “thủ đô gió ngàn” Thái Nguyên. Tuổi nhiều thêm, thêm nếp nhăn và những nốt đồi mồi trên làn da sạm nắng, nhưng người viết ca từ của bài “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” vẫn nguyên vẹn tác phong nhanh nhẹn như ngày nào.
Người công dân danh dự của thành phố Cảng
Nhớ lại buổi gặp mặt cách đây ngót chục năm, tôi còn mường tượng mồn một trong đầu một dáng người gầy gò nhưng nhanh nhẹn. Giọng đọc thơ rõ ràng, mạch lạc. Bài thơ “Gửi lại chợ Đông Ba” vang lên trong căn phòng nhỏ giữa trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố. Da diết, ngọt ngào. Nhưng xúc động hơn khi ông đọc bài thơ “Thành phố Hoa Phượng Đỏ”, chính là phần ca từ bài ca về thành phố Cảng, mà cả nước đều biết đến.
Những hội viên CLB sáng tác văn học trẻ lúc ấy, ai nấy hướng mắt về phía ông. Lương Kim Phương, Sơn Hạ, Nguyễn Hoàng Lược…, cả một số sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng ngày trước (nay là Đại học Hải Phòng) hôm đó cùng dự sinh hoạt cũng rưng rưng cảm xúc. Tất cả chưa từng được gặp nhà thơ. Việc được diện kiến “bằng da bằng thịt” người viết phần lời của bài hát lịch sử gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của người dân Hải Phòng khiến ai cũng háo hức. Gương mặt nhà thơ trong lúc đọc rạng rỡ, mắt hơi mơ màng cảm giác như ông đang tưởng tượng ra những tán phượng rực rỡ giữa tháng năm. Rồi tiếng còi tàu vào cảng, những tên phố thân quen Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên…
Trò chuyện với ông, những hội viên CLB sáng tác mới biết, ông không phải là người Hải Phòng “xịn”. Tên khai sinh là Vũ Như Hải, sinh năm 1923, quê gốc làng Bái Dương, huyện Nam Trực (
Sự gặp lại tình cờ
Gặp lại sau gần chục năm nhưng không phải ở Hải Phòng, nhà thơ Hải Như nay đã 87 tuổi vẫn còn nguyên tác phong nhanh nhẹn như khi chúng tôi gặp ông nhiều năm trước. Cuộc hội ngộ tình cờ này khiến chúng tôi, những người làm báo thêm xúc động khi biết “công dân danh dự” của thành phố Cảng còn là một học viên của lớp báo chí đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại Bờ Rạ thuộc huyện Đại Từ (Thái Nguyên).
Trong hội trường Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thái Nguyên, đôi mắt của nhà thơ không còn trong như gần mười năm trước. Giọng nói cũng có phần run rẩy. Nhưng nhiệt huyết và niềm say mê với nghiệp báo chí và thi ca vẫn chảy rừng rực trong từng câu chuyện của ông. Lời nhắn gửi với những thế hệ người làm báo đi sau, lời tâm tình với những người say nghề, trọn đời vì sự nghiệp báo chí. Và nữa, lời tâm sự, cảm xúc gặp những người làm báo của Hải Phòng nơi thủ đô gió ngàn. Tình cờ nhưng thật ý nghĩa khi cuộc gặp diễn ra trước kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt
Tối ấy, trong bữa cơm thân mật tại Thái Nguyên, giữa những vòng tay bè bạn, đồng nghiệp, chúng tôi hát vang bài hát “Thành phố Hoa Phượng Đỏ”. Nhà thơ Hải Như cùng vợ và con trai rưng rưng nước mắt. Những cái xiết tay, những vòng tay ôm thật ấm giữa hội trường thoáng rộng. Nụ cười trên khuôn mặt chuẩn bị bước sang tuổi 90. Ông vẫn thật say sưa khi đọc những dòng thơ tặng Hải Phòng trên vùng đất ATK lịch sử. Nhìn ông, chúng tôi chợt thấy nao nao như đang được gặp lại người thân của quê hương mình. Mong một ngày, lại gặp ông thong thả bước trên những con phố của Hải Phòng. Để ngân nga đôi câu thơ ông viết từ những tháng ngày năm 1982: “Cảm ơn em gái Hải Phòng chủ nhật sáng nay đưa anh đi thăm chợ Sắt/Thăm đường mở rộng Lạch Tray/Thăm năm cửa ô mới Hải Phòng/Từ mọi góc biển chân trời khi chúng ta nhớ về thành phố cũ…” (Từ mọi góc biển chân trời)./.
Thùy Linh