Hàng loạt khó khăn do lỗ hổng pháp luật
TP HCM cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong địa bàn TP. Trước đó, từ năm 2017, TP đã gửi Bộ TNMT phê duyệt danh mục 40 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng với biện pháp xử lý cụ thể là 13 cơ sở khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, 2 cơ sở cấm hoạt động và di dời; 25 cơ sở di dời, thời hạn hoàn thành di dời năm 2016 – 2019.
Hiện TP HCM cũng đang giao Sở TNMT phối hợp các quận, huyện thực hiện việc rà soát và tổng hợp lập danh sách 308 cơ sở khác có hành vi gây ô nhiễm môi trường, ... Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư, TP HCM đã tập trung kêu gọi đầu tư với các ngành nghề khác nhau. Đến nay, chưa có quy định về kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 166/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan chỉ quy định về biện pháp cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cưỡng chế thực hiện biện pháp xử phạt bổ sung đối với tịch thu tang vật, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng, hiện chưa có quy định về cưỡng chế thi hành biện pháp đình chỉ hoạt động.
Thực trạng tại TP HCM, rất nhiều cá nhân, tổ chức (đặc biệt là các hộ gia đình, công ty quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư) bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ chấp hành nộp phạt. Họ không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả đình chỉ hoạt động. Điều này gây bức xúc trong người dân và khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan quản lý, cũng như hiệu lực của các quyết định xử phạt của cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi đó, việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu và thiết thực buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng hiện nay, biện pháp này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Cho phép cắt điện, nước?
Để giải quyết các vấn đề khó khăn nêu trên, UBND TP HCM kiến nghị, đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh, sản xuất các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ - ngành cấp phép đầu tư hoạt động đối với một số ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Bộ TNMT có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh.
Về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND TP HCM kiến nghị Bộ TNMT trình các cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị Bộ TNMT phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị đình chỉ hoạt động.
Tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2012 của Bộ TNMT dựa trên Nghị định số 117/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Nghị định số 117/2009 đã được thay thế bằng Nghị định số 155/2016 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Do đó, TP HCM đề nghị Bộ TNMT sớm rà soát lại các tiêu chí cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Thông tư số 04/2012 và xem xét ban hành bộ tiêu chí mới phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ TNMT ban hành quy trình rút tên đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo tiêu chí tại Thông tư số 04/2012 của Bộ.