Theo tính toán của TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, thì với 60.000 căn hộ đang tồn đọng trên thị trường BĐS 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, thì nếu mỗi căn nhà trị giá 1 tỉ, nền kinh tế đang phải chịu đựng số vốn tồn đọng tới 60.000 tỷ, tương đương gần 3 tỷ đô la...
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Theo thống kê của một đơn vị tư vấn, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ, TP HCM tồn 20.000 căn hộ, nâng mức tồn cả nước lên tới 60.000 căn. “Nếu tính sơ sơ mỗi căn hộ trị giá 1 tỷ đồng, số tiền 'chôn' trong BĐS lên tới 60.000 tỷ đồng, tương đương với 2,86 tỷ đôla, một con số không nhỏ” – ông Ánh tính toán.
Sau một thời gian dài siết chặt, các hạn chế tín dụng đối với thị trường BĐS đã được gỡ bỏ, lãi suất ngân hàng đã nới rộng hơn tuy nhiên không phải dự án nào cũng tiếp cận được vốn. Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) thừa nhận, ngoài dự án khả thi vẫn được Vietinbank rót vốn thì những chủ đầu tư chộp giật phải chịu "hi sinh". Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng, Vietinbank đưa ra gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng ưu đãi cho đối tượng mua nhà có nhu cầu thực ở.
Thời điểm cao nhất, dư nợ BĐS từng lên tới 280.000 tỷ đồng, hiện nay, sư nợ BĐS chừng 180.000 tỷ đồng. Theo nhận định của TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong bối cảnh thị trường đang phát triển mạnh mẽ mà dư nợ tín dụng lại giảm đi là điều bất hợp lý, chứng tỏ dòng tiền vào BĐS đang giảm, và lý giải cho hiện tượng tồn kho BĐS hiện nay: chủ đầu tư không có tiền hoàn thiện dự án thành hàng hóa để bán, còn khách hàng không đủ tiền để mua sản phẩm BĐS.
TS Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận về lý do tiền chưa “chảy” vào BĐS, đó là do hệ thống ngân hàng đang tái cấu trúc. Điều này có nghĩa hệ thống ngân hàng cần phải có tiền để chi phí cho quá trình tái cấu trúc, vì thế chưa thể có nhiều nguồn lực cho BĐS.
Bên cạnh đó, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dỡ bỏ các hạn chế tín dụng với BĐS và hạ lãi suất đã kéo theo đó luồng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sẽ giảm đi. Hệ quả là lượng tín dụng dành cho BĐS sẽ bị điều chỉnh trước khi có thể. Một lượng vốn đến hạn phải được hoàn trả hệ thống ngân hàng trước khi có thể được giải ngân một nguồn vốn vay mới. Vì vậy, lượng tiền vận hành đến thị trường BĐS nhỏ hơn lượng tiền đến hạn thanh toán. Lẽ tất yếu, tổng dư nợ tín dụng cho thị trường BĐS giảm đi.
Bên cạnh đó, độ trễ chính sách là một trong những nguyên nhân căn bản làm tác động của việc hạ lãi suất, gỡ bỏ hạn chế đối với thị trường BĐS chưa được vận hành. Từ chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần có thời gian để hấp thụ chính sách và điều chỉnh hoạt động.
Các khoản tiền gửi mới cần được hình thành để có thể chuyển hóa thành các khoản tiền vay. Vì thế, lượng tiền mới để giải ngân cho thị trường BĐS cần có thời gian nữa. Hơn nữa, mới đây chỉ có trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh. Vấn đề lãi suất tiền cho vay đã được điều chỉnh hay chưa cũng chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, các DN BĐS cũng cần có thời gian và năng lực đàm phán mới có thể tiếp cận được vốn.
Trong khi đó, các nguồn vốn khác chưa có chuyển biến rõ ràng, nguồn vốn đầu tư công về nguyên tắc là có thể giải ngân lớn trong 6 tháng cuối năm nhưng do nhiều nguyên nhân đã không thực sự lớn. Trong khi các nhà đầu tư tiềm năng chưa có động thái rõ rệt mà vẫn đang trong trạng thái chờ đợi. Các định chế khác thì đang chờ cơ sở pháp lý để đi vào khởi động.
H.Thủy