Không khó có thể nhận thấy, ở các games show ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình hiện nay, có rất nhiều giọng ca nhí bị người lớn nhào nặn. Tâm lý ăn thua, nên các phụ huynh, các thầy nhạc luôn gắng chọn những bài mới, khó để các con dễ ghi điểm cao, tạo ấn tượng. Còn người làm chương trình chẳng dại gì mà “ngăn cản” để thu hút quảng cáo.
Khi trẻ thích hát não tình và sính ngoại
“Giọng hát Việt nhí” mới trình làng, người xem không khỏi hoảng hồn khi đại đa số tiết mục là các bài hát tiếng Anh. Đáng nói ở đây là các bài hát này đều xa lạ với tuổi thơ như: Trần Chi Mai với “Stronger”, Đình Nho Khoa với “Knocking On Heaven Door”, Song Khanh với “That Should Be Me”…
Các bé đang phải gồng mình vì sự kỳ vọng của người lớn |
Với những ca khúc Việt Nam, sự “lên gân” còn rõ ràng hơn: Vũ Song Vũ rên rỉ, não ruột trong “Biển nhớ”, Đỗ Trí Dũng gào thét, cố gắng thể hiện sự “nổi loạn” trong “Rock Con diều”. Còn Nguyễn Lê Nguyên thì tỏ ra chật vật với “Và ta đã thấy mặt trời”…Những bài hát này ở độ tuổi từ 9-13 thể hiện thì quả là sự “khập khễnh” lớn.
Được đánh giá cao và chuyên nghiệp trong ca hát nhưng cách chọn bài hát của những cô bé, cậu bé còn măng sữa này vẫn khiến một bộ phận công chúng khó tính ngao ngán. Khán giả đang tự hỏi, liệu đây có phải là cuộc thi dành cho các em thiếu nhi hay không?
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng cho rằng việc "sính ngoại" khi đưa quá nhiều ca khúc tiếng Anh vào phần thi cũng là một vấn đề đáng bàn. "Trẻ con bây giờ không thích hát tiếng Việt bằng các ca khúc tiếng nước ngoài, điều này không nên cổ suý vì lâu dần sẽ mất đi bản sắc chủ quyền tiếng Việt.
Và, ở đây không nên trách các em, vì lỗi thuộc về người lớn. Họ đã định hướng cho các em những bài hát không dành cho lứa tuổi của mình”.
Trẻ khổ vì phải gồng mình
Sân chơi Đồ Rê Mí cũng “gieo” những băn khoăn cho khán giả. Đồ Rê Mí các năm còn nhiều sạn trong cách vắt kiệt sức các bé. Hát live không hề an toàn, và đó là điều khiến các bé luôn căng thẳng khi bước lên sàn diễn.
Tâm lý con phải chiến thắng, nên các bà mẹ luôn gắng chọn những bài mới, khó để các con dễ ghi điểm cao. Những đứa trẻ ngây thơ đang bị người lớn nhào nặn, lập trình để nói, làm những điều không đúng lứa tuổi của các em.
Hành động bắt chước, vâng lời để làm người lớn vui lòng là một trong những đặc tính phổ biến của sự ngây thơ ở trẻ, điều này đang bị người lớn tận dụng triệt để... Bé Bảo Trân từng chia sẻ: "Con thích rock nhưng mà bài êm hơn cơ. Nhưng mẹ con đã chọn rồi, không đổi được đâu!"
Chưa hết, trang phục, trang điểm lòe loẹt, rườm rà đã làm cho các bé già đi, không có vẻ hồn nhiên. Nguời lớn đã biến các bé thành “ông, bà cụ non”. Là một sân chơi ca hát của thiếu nhi, ban tổ chức lại quá quan trọng việc làm ra một chương trình truyền hình tròn trịa, chuyên nghiệp mà đòi hỏi quá nhiều ở các đứa trẻ.
Cách đây không lâu, một diva Việt cũng bày tỏ: “Các con thi Đồ rê mí mà cứ như các cụ đi họp. Lỗi tại người lớn thích cái gì lên hình cũng phải tròn trịa, hoàn mỹ. Các bé bị diễn gồng quá, mất đi sự trong sáng, ngây thơ.”
Chưa kể tới sự đưa trẻ “lên mây” của các game show nhí khiến khán giả “gai người”. Những nhận xét theo kiểu “giọng hát của em quá tuyệt vời”, “em hát quãng cao quá hay”, “chúng tôi khao khát có được em”... liệu có khiến cho các em nhỏ đang đi vào “ảo tưởng” không?
Sự lầm tưởng về tài năng có thể dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển. Nó có thể làm thui chột, làm méo sự ngây thơ, trong sáng và năng khiếu của trẻ.
Thể hiện những bài hát quá tuổi, sự đối đáp một cách rất “khôn ngoan” đến mức “sành sỏi”, có thể thấy, các ca sĩ nhí của một số chương trình games ca nhạc nhí trên truyền hình đang muốn sớm trở thành “sao”, muốn bước chân vào thế giới showbiz vốn nhộn nhạo, đầy scandal nhưng lại khan hiếm tài năng.
Chính những bậc phụ huynh và nhà sản xuất chương trình đã vô tình hay hữu ý “gài số” để các em đi con đường không dành cho…trẻ thơ.
Khi các chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi ngày ít đi, hiện tượng một em nhỏ cứ nghêu ngao hát nhạc não tình người lớn... thì những sân chơi như “Giọng hát Việt nhí”, “Đồ rê mí” lại càng được chờ đợi ở sự trình diễn đúng lứa tuổi, bài hát đúng chất thiếu nhi. Và sự chờ đợi ấy có …quá xa vời????
Thùy Dương