[links()] Có chút nhan sắc, đang làm công nhân cho các công ty của Hàn Quốc, người Hoa…, sau những lời rủ rê với cơ hội thu nhập “khủng”, các nữ công nhân này tự “biến” mình trở thành “gái làng chơi”. Khi thành chuyên nghiệp, mỗi cô gái đã “gắn” cho mình một phận đời...
Công nhân thành “gái làng chơi”
Lê Tuyết Như (SN 1989, quê Bến Tre, tạm trú quận Bình Tân, TP.HCM), gia đình chỉ còn mẹ và 5 chị em, một mình Như đảm nhiệm việc phụ giúp mẹ và nuôi 4 người em còn lại. Như quyết định thu xếp đi Sài Gòn làm công nhân khi có Công ty Hàn Quốc về đến Bến Tre tuyển người, mong có được thu nhập tốt hơn so với việc làm hiện tại ở quê nhà.
“Một người đại diện cho Công ty Hàn Quốc chuyên về ngành điện tử về đến quê tôi (huyện Ba Tri, Bến Tre – PV) để tuyển công nhân. Sau khi nghe giới thiệu sơ qua về công việc làm, được tặng thêm những khoản tiền thưởng…, tôi cùng một số bạn bè ở xóm đồng ý, thu xếp hành tranh theo đến Công ty Hàn Quốc này tại KCN Chơn Thành – Bình Phước để nhận việc…”, Như tâm sự.
Làm suốt cả ngày lẫn đêm, gần 5 năm trời tại công ty Hàn Quốc, rất cực nhọc, mà vẫn không đủ tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Tiếc cho thân phận, có sắc đẹp nhưng vẫn lam lũ, vất vả mà lại không dư tiền. Sau khi gặp những người đang làm “tiếp viên” ở các quán nhậu thuyết phục, được ngồi trong máy lạnh, ăn uống, thưởng thức các món ngon, ngày càng đẹp ra nhưng lại còn có thu nhập “khủng”, không đổ giọt mồ hôi nào. Như nhận lời, chia tay bạn bè công nhân làm chung, rời công ty, giấu luôn cả mẹ già và các em thơ để chuyển sang một nghề mới - làm “gái làng chơi”.
Từ nữ công nhân làm Cty Hàn Quốc, Như (áo đen) trở thành “gái làng chơi”. Ảnh: Công Hà |
“Những tưởng vừa kiếm được thêm nguồn tiền “khủng” mà không hao tốn nhiều đến sức lao động là đơn giản, ai ngờ, tôi phải đánh đổi hoàn toàn từ tính cách, đến cử chỉ, phục trang, giao tiếp, biết chơi bời sao cho “bằng chị bằng em”, quên đi cái “mác” gái quê lên tỉnh. Hiện mẹ và các em ở quê đang cứ tưởng tôi vẫn đang làm công nhân cho công ty điện tử Hàn Quốc ở Bình Phước…”, Như bày tỏ.
Như trăn trở: “Ngồi với khách, có thu nhập rất thoải mái, tiền gửi về lo giúp cho gia đình không còn túng thiếu như trước. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy số tiền khách “boa” hoặc ép khách phải “boa” nó không được minh bạch. Ngày trước, tôi tự tạo ra đồng tiền từ chính công sức lao động của tôi. Mẹ tôi nhận tiền tôi gửi về quê nhiều hơn nhưng bà ấy không biết nguồn gốc đồng tiền đó từ đâu ra… Phận đời tôi đã lỡ bước vào cuộc chơi sung sướng quen rồi, rút ra là điều không dễ. Ngày mai không biết sẽ ra sao…?”.
Phận đời của một “gái làng chơi”
Tự giới thiệu là một cô gái chuyên tiếp khách, câu mồi, phá bia, dụ khách, sau đó dùng nhiều thủ đoạn để đạt những ý đồ riêng theo toại nguyện, khi cần cô ta sẵn sàng bung tiền ra thuê mướn bảo kê “xử”…. Giờ đây, khi “bông hoa” kia đã chóng phai tàn, trở thành gái bán hàng rong. Phút giây hối hận, cô gái tự kể lại những gì xấu xa đã gieo ra một thời…
Qua cuộc hẹn, chúng tôi gặp được cô gái, trên tay đang xách những bịch bánh tráng, nem, đậu phộng… đi vào những quán nhậu, bán dạo hàng rong quanh khu vực thuộc vùng ven TP.HCM.
Cô kể lại tất cả những gì mà một thời từng có chút nhan sắc, vào con đường “gái làng chơi”, gây ra biết bao đau khổ về tình cảm cho nhiều người. Từ thanh niên đến cả các bậc có độ tuổi lớn hơn bố mình, làm rạn nứt tình cảm vợ chồng không ít gia đình.
Tên cô là Phạm Thị Ngọc Xuân (SN 1976, ngụ quận 11, TP.HCM). Năm 20 tuổi, Xuân làm công nhân cho một Công ty sản xuất nhựa của người Hoa, ở quận 8. Thông thạo tiếng Hoa giao tiếp, có ngoại hình đẹp, gương mặt khả ái, gợi cảm, khi có người giới thiệu mời đi làm tiếp viên rót bia, nếu biết “chiều” khách sẽ có thu nhập nhiều hơn gấp chục lần so với làm công nhân, Xuân nhận lời và “hóa thân” thành “gái làng chơi” kể từ ngày đó.
Xuân giờ phải bôn ba đi bán hàng rong. Ảnh: Công Hà |
Nhiều năm tiếp khách tại một nhà hàng gần khu vực chợ Bình Tây (quận 6), khách hàng chủ yếu là người Tàu, Đài Loan… với công việc ngồi phục vụ bia, ôm ấp, lau mặt, “chiều” khách… lại có thu nhập “khủng” từ tiền boa, thấy dễ kiếm tiền, Xuân kêu gọi người chị và em gái của mình cùng vào làm “nghề” dù chị gái đã có chồng.
Sau một thời gian dài, 3 chị em Xuân cùng hợp sức, bày mưu tính kế, tính những chiêu để dễ dàng “moi” tiền khách trong lúc họ đang bị say tình. Nghề lại quen nghề, người chị hai của Xuân bị chồng phát hiện, nhiều lần bị ngăn cấm nhưng không thể từ bỏ nghề. Cuối cùng, gia đình chị gái Xuân đành chia tay nhau và một mình chị này phải nuôi hai con nhỏ.
Sau khi chị gái chia tay chồng, Xuân bày cách “đổi chiến thuật”, cả 3 chị em xin vào làm tiếp khách tại 3 nhà hàng khác nhau, nhằm trao đổi khách cho nhau. Khi có một khách hàng mới đến nhà hàng “giải trí”, Xuân là người xin lại số điện thoại. Người này bị “moi” tiền gần hết, không còn đường kiếm ăn thì Xuân sẽ buôn ra.
Sau đó, Xuân giới thiệu đến vị khách quen này, đang có người bạn dưới quê lên, mới vào nghề, nên giới thiệu làm quen. Lúc này, đến lượt người chị hoặc cô em tiếp tục sáp vào để “mồi chài” theo cách tương tự, họ trở thành một món hàng mới của khách cũ.
“Làm “gái” chín phương, để một phương lấy chồng”, câu nói mà Xuân luôn nhắc lại nhiều lần với chúng tôi, cũng vì thế, tại nơi Xuân ở, lối xóm không một ai biết gì, cho rằng các cô gái luôn chịu khó làm việc, tăng ca.
Xuân thầm yêu một chàng sinh viên, nhỏ hơn Xuân 2 tuổi, tên Hoàng (quê Đà Nẵng). Khi phát hiện Xuân là “gái làng chơi” thì Hoàng rút lui. Bị từ chối tình cảm, Xuân bày ra những thủ đoạn hăm dọa, đòi nhảy lầu tự vẫn…
Nói là làm, sau đó, Hoàng bị những tay anh chị có máu mặt xuất hiện, dọa “xử” nếu để Xuân tự vẫn. Để được yên thân, Hoàng phải ngoan ngoãn chấp nhận yêu cầu của Xuân đưa ra: “Chỉ cần có tổ chức đám cưới tại bên nhà gái, mọi chi phí Xuân sẽ lo toàn bộ, Hoàng chỉ cần có mặt và khoác bộ áo quần chú rể là được”.
Sau đó, lễ cưới đã được diễn ra tại nhà Xuân. Tại đây, chỉ có một mình Hoàng làm chú rể cùng với bà con và bạn bè của Xuân. Sau đám cưới, Xuân tiếc lộ cho chú rể “hờ” biết, do nhóm “gái làng chơi” cá độ thách thức Xuân: “Dân làm “gái” nếu lấy được chồng là sinh viên trai tơ thì cả nhóm sẽ chịu thua món đồ này, đồ kia có giá trị…”. Xuân đã gạt luôn gia đình, rồi thuê giang hồ hăm dọa Hoàng, nhằm thực hiện thành công một lễ cưới với nguồn thu thắng cược khá lớn từ các “gái làng chơi” khác.
Nhiều lần Hoàng tâm sự cùng Xuân, xem như cũng là số phận, nếu Xuân không quay trở lại làm công nhân, thì hai người sẽ không có chuyện “gắn kết” lâu dài. Một ngày sau đó, Xuân đang tiếp khách, một vị khách quen lên tiếng: “Hãy chiều anh, sinh cho anh một đứa con, anh sẽ lo chu toàn cho cả mẹ con đến ngày sinh nở”. Muốn có được nhiều tiền, tiêu xài thoải mái hơn, nên chuyện Xuân “mây mưa” với khách đã xảy ra.
Qua hôm sau, Xuân đi làm về, căn phòng trở nên lạnh ngắt, vì Hoàng bỏ nhà ra đi, hành lý mang theo chỉ vỏn vẹn 2 bộ quần áo, trên bàn có mảnh giấy với dòng chữ: “Tôi sẽ làm lại từ đầu…”. Đọc xong, Xuân như điên cuồng, vừa tức giận, vừa thương nhớ. Thủ đoạn ác ý trong Xuân bộc phát, quyết dùng tiền để thuê mướn những “ma cô” đi tìm kiếm Hoàng khắp nơi trong thành phố.
Sau 5 tháng Hoàng bỏ đi, Xuân nhân được tin từ các “ma cô” báo lại, Hoàng thuê nhà sống một mình và đi làm tại TP.Vũng Tàu. Xuân thuê xe cùng những tay giang hồ đe dọa, buộc Hoàng phải quay về lại Sài Gòn, vì Xuân đang mang thai.
Hoàng quay trở về lại Sài Gòn, Xuân tưởng sẽ còn cơ hội, nhưng không, Hoàng đã làm đơn tố cáo Xuân gửi lên Cơ quan công an và Xuân đã nhận phần sai hoàn toàn vì hành vi hăm dọa và cố ép Hoàng làm lễ cưới.
Thất bại trong tình yêu với Hoàng, Xuân vừa sinh ra cháu bé chưa đủ một tháng, đã giao con cho bà ngoại tiếp tục hành nghề. Sau đó, Xuân cũng kết duyên với một người, sinh thêm hai con nhỏ, rồi người chồng này cũng bỏ Xuân ra đi khi biết phận đời của cô “khó quên đường cũ”.
“Hoàng giờ rất thành đạt, nhiều năm nay thường liên lạc tìm đến nhà mẹ tôi để thăm đứa bé, muốn được thử AND của thằng bé, nếu đúng là con của Hoàng thì anh sẵn sàng lo lắng, bù đắp tất cả cho con. Nhưng tôi thì không muốn, hiện tại trong khai sinh, cha cháu bé được ghi là vô danh, nếu cho Hoàng gặp mặt cháu, đứa bé sẽ vui vì nghĩ đã có cha, đến khi xét nghiệm AND nếu không phải con của Hoàng thì thằng nhỏ lại còn mặt cảm nhiều hơn…”, Xuân hối hận kể lại.
Xuân ngậm ngùi kể tiếp: “Vị khách “gửi gắm” tôi một đứa con cũng biệt tâm. Gần 15 năm trong nghề “gái làng chơi” giờ đây phải thui thủi bán hàng rong ở vùng ven xa xôi, không dám nhìn thẳng vào những người thân và hàng xóm. Giá như tôi chỉ là một công nhân làm việc bình thường trong xã hội thì giờ đây tôi đã có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc, đâu phải mang số phận lận đận, long đong xa nhà, xa con cái như thế này…”.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Công Hà