Gà chân chì Đông y còn gọi là ô kê (gà đen), ô cốt kê, dược kê, dương mao kê, vũ dương kê. Theo tài liệu, thịt gà chân chì rất giàu protid, có khoảng 18 loại acid amin, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gà chân chì vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái đường), đi tả lâu ngày do tỳ hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, đới hạ (khí hư), di tinh, hoạt tinh, cốt chưng (nóng âm ỉ trong xương), đạo hãn (ra mồ hôi trộm), kinh nguyệt không đều..
Kết quả nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học cho thấy, thịt gà chân chì có tác dụng phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật.
Sau đây là một số bài thuốc có hiện diện của gà chân chì được sưu tầm:
1- Thịt gà chân chì (300g) rửa sạch, chặt miếng khoảng 2 ngón tay, cho vào nồi hầm với kỷ tử (10g), gừng tươi (1 nhánh). Sau khi chín nhừ, nêm gia vị và ăn nóng. Tác dụng bổ can thận, ích tinh huyết, chữa đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau lưng do can thận âm hư.
2- Thịt gà chân chì (300g) rửa sạch, chặt miếng lớn, cho vào nồi hầm với đông trùng hạ thảo (10g), hoài sơn (30g), nêm gia vị, ăn nhiều lần trong ngày. Tác dụng: bổ tinh, mạnh gân, bồi bổ cơ thể do suy nhược, ốm yếu.
3- Gà chân chì 1 con, hạt sen trắng (30g), khiếm thực (15g), gạo nếp (100g). Gà làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; hạt sen bỏ lõi; khiếm thực và gạo nếp rửa sạch; tất cả cho vào nồi nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Tác dụng: bổ tỳ thận, cố tinh chỉ đới, thường dùng cho những nam giới bị di tinh, phụ nữ khí hư có màu trắng đục.
4- Gà chân chì (1 con), hoàng kỳ (80g). Cách chế biến: gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; hoàng kỳ rửa sạch, cắt đoạn, nêm gia vị; tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ. Tác dụng: bổ huyết điều kinh, thường dùng cho phụ nữ thống kinh, trước kỳ sinh 3 ngày nên dùng liên tục trong 5 ngày.
5- Gà chân chì 1 con, đương quy (20g), hoài sơn (20g), hạt sen (50g). Cách làm: gà chân chì làm thịt (không cắt tiết), bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; các vị thuốc rửa sạch rồi cho vào bụng gà, khâu kín. Tất cả đem hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Tác dụng: bổ can thận, ích khí huyết, thường dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau khi sinh con, người mới ốm dậy...
Món phổ thông nhất là gà chân chì (1 con), sau nhổ lông, bỏ lòng, rửa sạch, để cả con hầm với đậu xanh hoặc đậu đen, nêm gia vị, ăn nóng sẽ bồi bổ cơ thể, chữa đau lưng, mỏi gối, thận suy. Đặc biệt có hiệu quả tốt nhất đối với người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh.
Gà chân chì có thể nuôi cá thể thả trong vườn nhà hoặc nuôi nhốt chuồng. Món gà chân chì hầm thuốc bắc có bán tại các quán ăn, và đóng hộp có tên “Ô kê hầm thuốc bắc”.
Ds Mỹ Nữ (st)