Bất chấp việc Nga phủ nhận lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc xâm lược nào đối với Ukraine nhưng các Bộ trưởng Ngoại giao G7 vẫn được triệu tập họp ở thành phố Liverpool, miền bắc nước Anh để thảo luận và đi đến thống nhất về phản ứng để "ngăn chặn Nga thực hiện hành động đó", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với các phóng viên trước cuộc hội đàm.
"Nội dung cuộc họp G7 diễn ra vào cuối tuần này là về sự thể hiện sự thống nhất giữa các nền kinh tế lớn cùng chí hướng, rằng chúng ta sẽ hoàn toàn vững vàng trong lập trường chống xâm lược, chống xâm lược đối với Ukraine", Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh.
Cuộc họp ngoại trưởng G7 tại London, Anh ngày 5/5/2021. Ảnh: Reuters |
Ukraine đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng trong quan hệ Đông - Tây khi nước này cáo buộc Nga điều hàng chục nghìn quân để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn. Còn Nga cáo buộc Ukraine và Mỹ có hành vi gây bất ổn, đồng thời cho biết Nga cần được đảm bảo an ninh để bảo vệ chính mình.
Anh, với tư cách là Chủ tịch hiện tại của G7, đang kêu gọi các thành viên cứng rắn hơn trong việc bảo vệ cái mà nước này gọi là "thế giới tự do".
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, các nước phương Tây và Kiev gần đây đã luôn cáo buộc và bàn luận về khả năng Nga xâm lược Ukraine. Trong khi đó, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lại coi những cáo buộc như vậy là trống rỗng và không có cơ sở, chỉ để thúc đẩy căng thẳng.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov. |
Ông Peskov cũng không loại trừ rằng, một số hành động khiêu khích có thể được dàn dựng để biện minh cho các tuyên bố và cảnh báo rằng những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở đông nam Ukraine bằng vũ lực sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga còn nhấn mạnh, Moscow đã tìm mọi cách để giúp Kiev giải quyết xung đột ở Donbass, tiếp tục các cam kết với Định dạng Normandy và các Thỏa thuận Minsk.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết "thời kỳ quan tâm" đối với phương Tây đã qua và cần phải cảnh giác với những nguy cơ mới như những rủi ro kinh tế của việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga và mối đe dọa do công nghệ Trung Quốc.
Cuộc họp G7 dự kiến cũng sẽ dẫn đến một lời kêu gọi chung để Iran điều chỉnh chương trình hạt nhân và nắm bắt cơ hội đàm phán đang diễn ra tại Vienna để khôi phục một thỏa thuận đa phương về phát triển hạt nhân của nước này.
Đức, nước tiếp quản quyền lãnh đạo luân phiên G7 từ Anh vào năm tới, dự kiến sẽ đề ra chương trình cho năm 2022 tại cuộc họp. Các Bộ trưởng của Liên minh châu Âu, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ, cùng với đại diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tham gia một số phiên họp với tư cách khách mời của G7.